Lịch tiêm chủng vắc-xin phòng tránh ho gà ở trẻ em

Nhờ sự nỗ lực triển khai tiêm phòng vắc-xin trong 30 năm qua, rất nhiều bệnh đã được khống chế, trong đó có bệnh ho gà. Tuy nhiên, ho gà vẫn còn là một bệnh nguy hiểm, tỷ lệ biến chứng cao, đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ. Chúng ta cùng tìm hiểu về ho gà và lịch tiêm chủng vắc-xin phòng tránh ho gà ở trẻ em.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh Ho gà là gì?

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp và rất dễ gây thành dịch.

Lịch tiêm chủng vắc-xin phòng tránh ho gà ở trẻ em - ảnh 1
Bordetella pertussis gây Ho gà - có thể phòng ngừa bằng vắc-xin

2. Biểu hiện ở trẻ khi mắc bệnh Ho gà?

Trẻ bị ho gà ban đầu chỉ Sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi và ho húng hắng. Sau đó ho thành cơn, ho rũ rượi, ho 15-20 tiếng liên tiếp, sau cơn ho trẻ rất mệt, có thể xuất hiện nôn, mặt tím tái, mắt đỏ, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh, đặc biệt có thể ngừng thở do thiếu ôxy.

Trẻ ho đột ngột, vào bất kỳ thời điểm nào nhưng thường nặng lên về đêm. Giữa mỗi tiếng ho hoặc cuối cơn ho trẻ xuất hiện thở rít, thở rít vào nghe giống như gà rít (trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể không có thở rít). Trẻ kết thúc một cơn ho bằng khạc đờm trắng, trong và dính, hoặc trẻ nôn.

Trẻ nhỏ bị ho gà thường gặp các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi do bội nhiễm, ho kéo dài, ngừng thở, và rất dễ tử vong (đặc biệt với đối tượng trẻ dưới 1 tuổi). Các biến chứng khác hiếm gặp, nhưng có biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ di chứng và tử vong cao như viêm Não do ho gà.

3. Lịch tiêm chủng vắc-xin phòng tránh ho gà ở trẻ em 

Tiêm vắc xin ho gà ở trẻ sơ sinh

Bệnh ho gà hoàn toàn có thể phòng tránh được nhờ tiêm vắc-xin ho gà. Theo thống kê, đa số trường hợp mắc ho gà là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ số mũi. Bên cạnh đó, trẻ càng nhỏ bệnh diễn biến càng nặng, nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm càng cao. Những trẻ sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những trẻ được nhận kháng thể truyền từ mẹ.

Theo dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, từ 2 tháng tuổi trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng chống bệnh ho gà, cụ thể là vắc-xin phối hợp Bạch hầu - ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Hib (DPT-VGB-Hib), theo lịch như sau:

  • Mũi 1: khi trẻ 2 tháng tuổi
  • Mũi 2: khi trẻ 3 tháng tuổi
  • Mũi 3: khi trẻ 4 tháng tuổi

Khi trẻ 18 tháng tuổi tiêm nhắc lại mũi 4, sử dụng vắc-xin phối hợp Bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT).

Trẻ cần được tiêm đủ số mũi vắc-xin, tiêm đúng độ tuổi để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Với những trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ cũng cần tiêm theo lịch và tiêm đủ số mũi như khuyến cáo trên.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng bệnh cho con trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc-xin phối hợp uốn ván - bạch hầu - ho gà (Tdap) trong thời kỳ mang thai.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh ho gà nên thực hiện theo các biện pháp sau:

  • Đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn. Khi ho, hắt hơi phải che miệng. Giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ.
  • Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở, phòng học thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.
  • Khi phát hiện trẻ mắc bệnh hoặc nghi ngờ trẻ mắc bệnh, không cho trẻ đến lớp, cách ly trẻ và đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung