Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Lưu ý quan trọng với người bệnh được đặt Sonde JJ

27/05/2021
Lưu ý quan trọng với người bệnh được đặt Sonde JJ

Sonde (Stent, thông) JJ là loại vật tư y tế tiêu hao chuyên biệt hay dùng trong chuyên khoa Tiết niệu, hiểu biết rõ về sonde JJ sẽ giúp cho người bệnh tránh được những phiền toái hoặc các biến chứng không đáng có.

1. Đặt sonde JJ là gì?

Sonde JJ là một ống rỗng bằng nhựa dẻo hoặc silicon, được thiết kế đặc biệt cong 2 đầu để đặt vào niệu quản với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng và tình trạng đường niệu của người bệnh.

2. Tác dụng của sonde JJ ra sao?

  • Sonde JJ khi được đặt vào niệu quản sẽ đảm bảo dòng nước tiểu có thể chảy từ thận xuống đến bàng quang ngay cả khi ống dẫn tiểu bị tắc nghẽn do bất kỳ nguyên nhân nào. Bằng cách này, thận tiếp tục hoạt động và không bị tổn thương do tắc nghẽn, đồng thời tránh những Cơn đau quặn thận khi dòng nước tiểu không được lưu thông tốt.
  • Sonde còn bảo vệ niệu quản, giúp niệu quản lành vết thương ngay cả khi đã bị thương tổn. Nếu không đặt stent khi niệu quản bị tổn thương vì một lý do nào đó, lúc vết thương lành, niệu quản có thể bị chít hẹp. Lúc này đặt sonde nhằm dự phòng hẹp niệu quản, giúp niệu quản phục hồi lại chức năng hoạt động bình thường về sau.
Lưu ý quan trọng với người bệnh được đặt Sonde JJ - ảnh 1
Đặt Sonde JJ giúp bảo vệ hệ tiết niệu
  • Trong một số trường hợp, đặt sonde JJ để làm rộng niệu quản hẹp sau một thời gian. Việc này rất quan trọng khi cần đưa dụng cụ qua lòng niệu quản hẹp hoặc khi lấy sỏi. Đặt sonde giúp các tiếp cận vào niệu quản sau này dễ thành công hơn.

3. Khi nào phải đặt sonde JJ?

  • Sonde JJ được chỉ định đặt vào niệu quản khi có tắc nghẽn hoặc nguy cơ gây tắc nghẽn sự lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang qua niệu quản.
  • Sỏi niệu quản.
  • Đặt sau phẫu thuật đường niệu trên: Sau khi thực hiện phẫu thuật, sonde thường được đặt để giảm thiểu phù nề ở niệu quản, dự phòng nguy cơ tắc nghẽn hoặc đau. Cũng thường đặt sonde sau khi tán sỏi ở thận hoặc niệu quản để giúp các sỏi vụn thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Khi bị chít hẹp: Chít hẹp có thể do Sẹo gây hẹp và tắc nghẽn lòng niệu quản.
  • U bướu trong ổ bụng hoặc đường niệu: Stent giúp dẫn lưu thận trong lúc điều trị nội khoa giảm bớt tình trạng sưng phù đã gây tắc nghẽn trước đó.
Lưu ý quan trọng với người bệnh được đặt Sonde JJ - ảnh 2
Đặt sonde JJ được chỉ định trong trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn tiết niệu
  • Khi có tổn thương niệu quản: Nếu có vết rách rất nhỏ ở niệu quản, sonde JJ có thể giúp lành vết thương chung quanh nó, dù rằng trong một số trường hợp vẫn phải cần đến mổ hở để sửa chữa lại.

Một điều quan trọng là khi nào đặt sonde JJ, đặt loại sonde nào đều phải được do bác sĩ điều trị, phẫu thuật viên quyết định trên từng trường hợp cụ thể.

4. Thời gian lưu sonde trong cơ thể bao lâu?

Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào:

  • Mục đích khi đặt sonde: Bác sĩ có thể hẹn người bệnh đến rút sonde sau 2 tuần, 4 tuần, 3 tháng, 6 tháng, đặc biệt có trường hợp kéo dài tới 15 - 18 tháng trong ung thư, nếu lâu hơn thì phải thay sonde.
  • Chất liệu của sonde: sonde có thành phần là nhựa dẻo với các trường hợp đặt ngắn hạn từ 2 tuần đến 4 tuần, khi có phủ Silicon thì có thể tới 3 tháng. Với sonde Silicon thì còn lâu hơn nữa

Người bệnh cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ khám và rút sonde JJ.

Lưu ý quan trọng với người bệnh được đặt Sonde JJ - ảnh 3
Thời gian lưu sonde trong cơ thể phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể

5. Các bất tiện khi đặt sonde JJ

Không thể báo trước được các tác dụng phụ của việc đặt sonde JJ sẽ xảy ra trên từng người bệnh. Một số người không có biểu hiện gì. Số khác lại gặp một số vấn đề như mô Tả ở dưới. Các tác dụng phụ này có thể chỉ tồn tại trong vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên sau khi đặt sonde. Một số bệnh nhân khác lại cho biết các triệu chứng này kéo dài trong suốt thời gian sonde hiện diện trong cơ thể họ.

  • Sonde JJ có thể gây Tiểu máu ở nhiều thời điểm khác nhau. Thông thường, vận động thể lực khiến sonde di chuyển cọ xát vào thành niệu quản và nước tiểu có thể có máu.
  • Người bệnh cảm thấy đau tức ở vùng hông lưng, vùng bàng quang, vùng bẹn, dương vật ở nam hoặc niệu đạo ở nữ, đôi khi đau lan xuống hai tinh hoàn. Đau và khó chịu có thể rõ rệt khi bị tăng áp lực trong bàng quang như sau các hoạt động thể lực hoặc khi đi tiểu.
  • Sonde có thể gây kích thích bàng quang và khiến bệnh nhân phải đi tiểu thường xuyên hơn, có thể phải thức dậy ban đêm để đi tiểu. Các triệu chứng này sẽ được cải thiện sau khi dùng thuốc. Sonde hiếm khi gây són tiểu ở phụ nữ.

Sonde JJ được lấy ra bằng ống Nội soi bàng quang sau khi Gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Một ống Nội soi đặc biệt được đưa vào bàng quang qua niệu đạo. Bác sĩ sẽ đánh giá và dùng pince gắp và rút ra.