1. Tầm quan trọng của việc nuôi ăn qua ống thông dạ dày
Trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, bệnh nhân nặng thường được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên phương pháp này có nhiều bất lợi, đặc biệt là khi nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch hoàn toàn. Một trong những bất lợi lớn nhất đó là đường ruột bị bỏ trống sẽ tạo điều kiện cho hiện tượng thẩm Lậu vi khuẩn xảy ra, gây nhiễm trùng, nhiễm độc máu.
Vì vậy, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia đã khuyến khích việc quay trở lại phương pháp nuôi dưỡng qua đường ruột sớm cho các bệnh nhân nặng. Vì vậy, việc ăn qua ống thông là một phương pháp nuôi dưỡng bệnh nhân nặng ở hầu hết các bệnh viện.
2. Mở thông dạ dày để nuôi dưỡng bệnh nhân ung thư thực quản
Việc lựa chọn đường nuôi dưỡng qua ống thông dựa vào bốn yếu tố: tình trạng sinh lý của đường tiêu hóa, nguy cơ hít sặc của bệnh nhân, thời gian phải nuôi qua ống thông, kỹ thuật phù hợp nhất với bệnh nhân (phẫu thuật, nội soi, soi ổ bụng).
Nuôi qua mở thông dạ dày được chỉ định khi thực quản bị tổn thương trong khi dạ dày bình thường, hoặc khi có trào ngược thực quản mà không có rối loạn nhu động dạ dày, tá tràng, hoặc khi cần nuôi qua ống thông dài ngày trên 3 tuần, đặc biệt là trường hợp ung thư đường tiêu hóa trên như ung thư thực quản.
Mở thông dạ dày mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư thực quản: giảm nguy cơ nhiễm trùng so với việc sử dụng đường truyền tĩnh mạch, sử dụng chức năng ruột một cách bình thường, tránh được teo nhung mao, giảm được khả năng mất cân bằng điện giải, an toàn, sinh lý và tiết kiệm kinh tế.
Trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn IV: việc mở thông dạ dày mang tính chất nuôi dưỡng, không còn khả năng điều trị có hiệu quả nữa.
3. Chống chỉ định mở thông dạ dày
- Tất cả các trường hợp thành trước dạ dày không áp sát vào thành bụng: Cổ trướng mức độ vừa và nặng, Gan to đặc biệt là gan trái, lách to, người bệnh đã cắt dạ dày.
- Các bệnh lý thâm nhiễm dạ dày
- Tắc ruột (trừ trường hợp mở dạ dày ra da để giải áp), bán tắc ruột, hẹp khít môn vị.
- Tiêu chảy sau Viêm phúc mạc sau thủng tạng rỗng
- Người bệnh thẩm phân phúc mạc, bệnh lý dạ dày do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
4. Quy trình nuôi dưỡng qua mở thông dạ dày
Kiểm tra ống mở thông dạ dày còn ở đúng vị trí trong dạ dày hay không (bơm khí và nghe vùng thượng vị hoặc dùng bơm hút thử thấy ra dịch vị). Nối túi đựng thức ăn lỏng với ống thông, điều chỉnh giọt sao cho phù hợp với lượng calo. Thời gian mỗi lần cho ăn khoảng 3 - 6 tiếng. Sau mỗi lần cho ăn, bơm nước sôi để nguội hoặc nước vô khuẩn rửa ống thông. Chú ý khi bơm nước và thức ăn vào dạ dày tránh đưa không khí vào dạ dày.
Bắt đầu nuôi ăn 8 - 24 giờ sau thủ thuật. Số lượng dịch nuôi ăn bắt đầu với 40ml/4 giờ, sau đó tăng dần 25ml/mỗi 12 giờ để đạt 250ml/4 giờ. Ống nuôi ăn có thể sử dụng từ 6 - 12 tháng, nếu có chỉ định tiếp tục nuôi ăn thì thay ống nuôi ăn mới.
5. Cẩn trọng khi nuôi dưỡng bệnh nhân Ung thư thực quản thông qua mở thông dạ dày
- Tiêu chảy: giảm bớt chế độ ăn, giảm bớt tốc độ truyền dịch, kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường, kiểm tra các thao tác của điều dưỡng.
- Nôn: đôi khi xảy ra do ăn quá nhanh, quá nhiều trong 1 lần, do chỉ định không đúng: khi đó người bệnh nằm đầu nghiêng hoặc tư thế an toàn. Hút dịch ở họng và phế quản.
- Bệnh nhân sụt cân, tăng cân: điều chỉnh lượng thức ăn.
- Viêm phổi hít: do bơm quá nhiều trong mỗi lần hoặc do hiện tượng không dung nạp ống nuôi ăn. Xử trí bằng cách giảm lượng dịch bơm nuôi ăn cho mỗi lần bơm, nằm đầu cao khi bơm qua ống cho đến 1 giờ sau bơm thức ăn.