Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Mô vú đặc là gì? Nguyên nhân và chẩn đoán điều trị

28/04/2021
Mô vú đặc là gì? Nguyên nhân và chẩn đoán điều trị

Mô vú đặc là tình trạng một vùng trắng đặc ở vú xuất hiện trên nhũ ảnh khiến việc nhìn xuyên vô cùng khó khăn. Nếu quan sát trên nhũ ảnh, phụ nữ có bộ ngực lớn thì sẽ có mô vú đặc dày hơn mô mỡ. Phụ nữ xuất hiện mô vú đặc sẽ có nguy cơ cao bị ung thư vú.

1. Mô vú đặc là gì? 

Mô vú đặc xuất hiện dưới dạng một vùng trắng đặc trên nhũ ảnh, khiến cho việc nhìn xuyên qua khó khăn. Mô vú bao gồm các tuyến sữa, ống dẫn sữa, mô nâng đỡ (mô vú đặc) và mô mỡ (mô vú không đặc). Quan sát trên nhũ ảnh, phụ nữ có bộ ngực lớn có mô vú đặc dày hơn mô mỡ.

Mô vú đặc được quan sát và phát hiện dựa trên nhũ ảnh. Đó là một phát hiện bình thường hay gặp. Trên hình chụp nhũ ảnh, mô vú không màu, tối và trong suốt. Mô vú đặc xuất hiện dưới dạng một vùng trắng đặc trên nhũ ảnh, khiến cho việc nhìn xuyên qua khó khăn.

2. Xác định mô vú đặc bằng cách nào? 

Các bác sĩ X-quang phân tích hình ảnh chụp X-quang tuyến vú nhằm xác định tỷ lệ của mô không đặc với mô đặc để kết luận mức độ đặc của vú. Các mức mật độ vú được mô Tả bằng cách sử dụng một hệ thống báo cáo kết quả được gọi là Hệ thống dữ liệu và báo cáo hình ảnh vú (BI-RADS). Chúng thường được ghi lại trong báo cáo chụp X-quang tuyến vú bằng cách sử dụng các chữ cái, bao gồm:

  • A: Mô vú chứa phần lớn là chất béo: Kết quả này chỉ ra rằng ngực gần như chỉ chứa các mô mỡ. Khoảng 1 trong 10 phụ nữ có kết quả này
  • B: Mô vú phân tán rải rác: Kết quả này cho thấy một số khu vực có mô vú được phân tán rải rác, phần lớn các mô vú là không đặc. Khoảng 4 trong 10 phụ nữ có kết quả này
  • C: Mật độ không đồng nhất: Chỉ ra rằng có một số vùng mô không đặc, nhưng phần lớn các mô vú là đặc. Khoảng 4 trong 10 phụ nữ có kết quả này
  • D: Cực kỳ đặc: Cho thấy gần như tất cả các mô vú đều đặc. Khoảng 1 trong 10 phụ nữ có kết quả này.

Nhìn chung, phụ nữ có bộ ngực được phân loại là không đồng nhất hoặc cực kỳ đặc được coi là có bộ ngực đặc. Khoảng một nửa số phụ nữ trải qua chụp X-quang tuyến vú có mô vú đặc.

3. Nguyên nhân gây ra mô vú đặc 

Nguyên nhân một số phụ nữ có nhiều mô vú đặc trong khi những người khác thì không vẫn chưa được làm rõ. Bạn có thể có bộ ngực dày hơn khi:

  • Trẻ tuổi: Mô vú có xu hướng trở nên ít dày đặc hơn khi già đi, mặc dù một số phụ nữ có thể có mô vú dày đặc ở mọi lứa tuổi
  • Có chỉ số khối lượng cơ thể thấp: Phụ nữ có ít mỡ trong cơ thể có nhiều khả năng có mô vú đặc hơn so với phụ nữ béo phì
  • Dùng liệu pháp hormone cho thời kỳ mãn kinh: Phụ nữ dùng liệu pháp hormone kết hợp để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh có nhiều khả năng có bộ ngực dày hơn các phụ nữ bình thường khác.

4. Tại sao xác định mô vú đặc quan trọng?

Bộ ngực dày ảnh hưởng đến bạn theo hai cách:

  • Tăng nguy cơ mắc ung thư vú không được phát hiện khi chụp X-quang tuyến vú, vì mô vú đặc có thể che giấu các căn bệnh ung thư tiềm tàng
  • Tăng nguy cơ ung thư vú, mặc dù các bác sĩ không chắc chắn tại sao.

5. Các Xét nghiệm sàng lọc ung thư vú

5.1 Chụp X-quang tuyến vú

Hầu hết các tổ chức y tế khuyên phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú nên chụp X-quang tuyến vú thường xuyên bắt đầu ở tuổi 40 và thực hiện lặp lại sàng lọc hàng năm.

Phụ nữ có bộ ngực dày mặc dù không có yếu tố nguy cơ ung thư vú khác, vẫn được coi là có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn mức trung bình. Sàng lọc ung thư vú hàng năm có ý nghĩa quan trọng với những người này.

Mô vú đặc làm cho việc quan sát hình ảnh tuyến vú trở nên khó khăn hơn, vì ung thư và mô vú đặc đều xuất hiện với một màu trắng trên hình chụp nhũ ảnh. Ngực rất dày có nguy cơ mắc ung thư vú nhưng rất khó phát hiện dựa trên nhũ ảnh.

Mặc dù lo ngại về việc phát hiện ung thư ở những người có mô vú đặc, chụp X-quang tuyến vú vẫn là công cụ sàng lọc hiệu quả. Loại hình X-quang tuyến vú phổ biến nhất - chụp nhũ ảnh kỹ thuật số, giúp lưu hình ảnh của bộ ngực dưới dạng tệp kỹ thuật số thay vì phim và cho phép phân tích chi tiết hơn. Kỹ thuật này có hiệu quả hơn trong việc tìm ra ung thư ở mô vú đặc so với công Nghệ chụp nhũ ảnh phim cũ.

5.2 Các Xét nghiệm khác

Các xét nghiệm bổ sung để sàng lọc ung thư vú có thể bao gồm:

  • Chụp X-quang tuyến vú 3 chiều: Sử dụng tia X để thu thập nhiều hình ảnh của vú từ nhiều góc độ. Các hình ảnh được tổng hợp bởi một máy tính để tạo thành hình ảnh 3 chiều của vú. Nhiều trung tâm chụp quang tuyến vú đang chuyển đổi để kết hợp chụp X-quang 3 chiều như một phần của công Nghệ chụp X-quang chuẩn
  • MRI vú: MRI sử dụng nam châm để tạo ra hình ảnh của vú. MRI không sử dụng bức xạ. MRI vú được khuyến cáo cho những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú rất cao, chẳng hạn như những người có đột biến gen làm tăng nguy cơ bị ung thư
  • Siêu âm vú: Siêu âm sử dụng sóng âm để phân tích mô vú. siêu âm chẩn đoán thường được sử dụng để rà soát các khu vực đáng lo ngại được phát hiện trên nhũ ảnh
  • Chụp MRI vú phân tử: MBI, còn được gọi là hình ảnh gamma đặc trưng cho vú, sử dụng một camera đặc biệt (camera gamma) ghi lại hoạt động của chất đánh dấu phóng xạ. Chất đánh dấu được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay. Mô bình thường và mô ung thư phản ứng khác nhau với chất đánh dấu, có thể nhìn thấy trong các hình ảnh được tạo ra bởi máy ảnh gamma. MBI được thực hiện mỗi năm ngoài việc chụp X-quang tuyến vú hàng năm.

Thử nghiệm nào cũng có ưu và nhược điểm. Mặc dù mỗi xét nghiệm được chứng minh là tìm thấy nhiều bệnh ung thư vú hơn so với chụp X-quang tuyến vú, nhưng không có xét nghiệm hình ảnh mới nào trong số này được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú, như đã được thực hiện với chụp X-quang tuyến vú phim tiêu chuẩn.

6. Mối liên quan giữa mô vú dày đặc và ung thư vú

Gần đây các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã sử dụng phương pháp đo mật độ vú tự động bằng phần mềm có tên Phân tích thể tích tự động (automated volumetric analysis) và kết quả của họ đã xác nhận những phụ nữ có mô vú dày đặc đối mặt với nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Nghiên cứu vừa nêu được thực hiện trên hơn 100.000 phụ nữ và hơn 300.000 xét nghiệm sàng lọc. Những phụ nữ Thụy Điển trong nghiên cứu ở độ tuổi từ 50 tới 69 tuổi, và phần mềm tự động phát hiện ra mô vú dày đặc chiếm 28% các xét nghiệm sàng lọc. Tỉ lệ ung thư vú là 6,7 trong mỗi 1000 xét nghiệm đối với những phụ nữ có mô vú dày đặc, và 5,5 trong mỗi 1000 phụ nữ không có mô vú dày đặc.

Kết quả nghiên cứu, tuy không chênh lệch quá nhiều, nhưng đã cho thấy có sự sai khác rõ ràng về tỉ lệ mắc ung thư. Những phụ nữ có mô vú dày đặc có tỉ lệ ung thư vú cao hơn so với những phụ nữ không có mô vú dày đặc.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ có mô vú dày đặc thường phải làm nhiều xét nghiệm hơn do những nghi ngờ về bệnh lý ác tính, đồng thời những khối u vú xuất hiện ở phụ nữ có mô vú dày đặc thường có kích thước lớn hơn, trung bình là 17 mm, so với những phụ nữ không có mô vú dày đặc chỉ là 15 mm.

Nghiên cứu cũng xác nhận những phụ nữ có mô vú dày đặc khó xác định được chính xác tình trạng ung thư hơn. Ung thư vú được phát hiện chính xác ở những phụ nữ có mô vú dày đặc chỉ là 71%, so với 82% ở những phụ nữ không có mô vú dày đặc.

Tuy nhiên các tác giả của nghiên cứu này cũng lưu ý rằng phương pháp mà nghiên cứu sử dụng là một phương pháp mới, còn cần thêm những nghiên cứu sâu hơn về lợi ích và nguy cơ của phương pháp này. Trong tương lai rất có thể phương pháp này sẽ là tiêu chuẩn để tầm soát ung thư vú. Đồng thời các tác giả cũng cho rằng những phụ nữ có mô vú dày đặc cần được thực hiện một số kĩ thuật Chẩn đoán hình ảnh nhằm hỗ trợ phát hiện ung thư vú, chẳng hạn như siêu âm hay chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging - MRI), là những kĩ thuật cho phép phân biệt mô vú đặc và mô ung thư tốt hơn.