Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Người bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe

11/09/2020
Người bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe

Nhồi máu cơ tim nên ăn gì? Cũng như những bệnh tim mạch khác, chế độ dinh dưỡng với người bệnh nhồi máu cơ tim là rất quan trọng. Tuân thủ chế độ ăn khoa học sẽ góp phần giảm nhẹ bệnh, cải thiện triệu chứng.

1. Nguyên tắc Dinh dưỡng và sinh hoạt cơ cần biết

  • Nhồi máu cơ tim là bệnh lý Tim mạch nguy hiểm do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Khi các mảng xơ vữa trong lòng động Mạch vành bị đứt, rách, vữa ra và kích thích tiểu cầu kết tập lại. Từ đó hình thành nên cục máu đông gây tắc nghẽn.
  • Chế độ ăn giàu chất béo lại là nguyên nhân chính hình thành nên các mảng xơ vữa này. Do đó để điều trị hiệu quả nhồi máu cơ tim, nhìn chung bệnh nhân cần giảm hấp thu chất béo “xấu” và tăng cường các thực phẩm có lợi cho tim mạch.
  • Bên cạnh đó, cơn nhồi máu cơ tim khiến sức khỏe người bệnh suy yếu nhiều. Do vậy mà các hoạt động thể lực nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, trồng cây cảnh,… sẽ giúp cơ thể người bệnh dần thích nghi trở lại.

2. Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì?

Bên dưới là 9 lời khuyên cực kỳ hữu ích của bác sĩ Tim mạch Pham Văn Hùng dành cho người bị nhồi máu cơ tim và người nhà bệnh nhân có thể tự thiết lập được chế độ ăn uống một cách khoa học và phù hợp.

2.1. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và rau đậu

Những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang có vấn đề về tim mạch. Với vị thanh đạm tự nhiên và nguồn chất xơ dồi dào, các loại rau củ này có thể chế biến thành vô vàn món ngon, như salad, món ăn phụ, hoặc món khai vị. Đặc biệt lưu ý đối với người bị nhồi máu cơ tim thì không nên sử dụng quá nhiều chất béo dạng dầu mỡ hoặc phô mai trong quá trình chuẩn bị các món ăn này nhé.

2.2. Sử dụng chất béo một cách có chọn lọc

Không phải tất cả các loại chất béo đều có hại cho sức khỏe. Một số thông tin sau đây sẽ giúp cho người bị nhồi máu cơ tim biết cách sử dụng chất béo có chọn lọc:

  • Hạn chế chất béo bão hòa (chất béo có nguồn gốc từ động vật).
  • Tránh xa các loại chất béo nhân tạo dạng trans (trans fat). Trên danh sách các thành phần có trong loại dầu mà bạn sử dụng, trans fat chính là chất béo kèm theo đặc tính "được hydro hóa một phần".
  • Khi sử dụng dầu béo trong nấu nướng, hãy ưu tiên chọn các loại dầu có hàm lượng cao chất béo không bão hòa (ví dụ, dầu ô liu, dầu lạc, dầu đậu tương, dầu hướng dương).

2.3. Đa dạng hóa các loại thực phẩm giàu protein

Người bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe - ảnh 1
Các loại thực phẩm giàu protein dành cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Đây là một trong những lời khuyên tốt nhất dành cho câu hỏi “ nhồi máu cơ tim nên ăn gì? ”. Theo đó, hãy cân bằng những bữa ăn trong tuần với thịt nạc, cá và các nguồn thực vật giàu protein.

2.4. Hạn chế cholesterol

Cholesterol được tìm thấy trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao. Các sản phẩm này có thể làm tăng mức cholesterol trong máu, đặc biệt là ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, bệnh tim mạch.

2.5. Loại carbohydrate dành cho người bị nhồi máu cơ tim

Các loại thực phẩm như gạo lứt, bột yến mạch và khoai lang cung cấp nhiều chất xơ và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Đây chính là loại carbohydrate mà chúng ta nên bổ sung hàng ngày. Bên cạnh đó, tránh tiêu thụ các thức ăn ngọt chứa nhiều đường, bởi vì chúng sẽ làm cho đường huyết tăng lên nhanh chóng, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

2.6. Ăn uống đều đặn

Một điều đơn giản như vậy thôi nhưng có thể giúp cho người bị bệnh nhồi máu cơ tim kiểm soát lượng đường trong máu, đốt cháy chất béo hiệu quả hơn và điều chỉnh mức cholesterol luôn ở mức vừa phải.

2.7. Ăn nhạt và hạn chế sử dụng nhiều muối

Người bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe - ảnh 2
Chế độ ăn ít muối làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp

Muối có lẽ là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, thậm chí đối với nhiều người, thịt có thể không có chứ không thể thiếu muối trong mỗi bữa ăn. Chế độ ăn mặn, dùng quá nhiều muối đã được chứng minh là có hại đối với sức khỏe tim mạch và huyết áp.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng tại Vinmec, đối với người bình thường khỏe mạnh, không bị tăng huyết áp, không béo phì, chỉ nên ăn từ 6 - 8g muối trong một ngày (bao gồm muối trong muối ăn, nước mắm, hạt nêm canh,...). Đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim giai đoạn bán cấp tính và sau khi đặt stent, chỉ cho phép sử dụng muối không quá 5g một ngày. Thay vì dùng muối, hãy sử dụng các loại thảo mộc, gia vị tự nhiên để tạo hương vị cho món ăn.

2.8. Bệnh nhồi máu cơ tim nên uống đủ nước

Cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng, giúp cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa nhiều căn bệnh khác nhau. 2 lít nước mỗi ngày là vừa đủ cho mọi hoạt động thể chất và tinh thần, trừ khi bác sĩ yêu cầu hạn chế bổ sung chất lỏng. Ngoài ra, chất lượng nước cũng là điều mà chúng ta cần phải quan tâm. Các loại nước đạt chất lượng có thể kể đến như nước khoáng, nước đun sôi để nguội, nước ion hóa.

2.9. Điều chỉnh mức năng lượng trong mỗi khẩu phần ăn

Mỗi bữa ăn khác nhau sẽ cung cấp mức năng lượng khác nhau. Đặc biệt đối với người bị nhồi máu cơ tim, cần phải tính toán và điều chỉnh mức năng lượng bổ sung hàng ngày để lên kế hoạch phù hợp cho mỗi khẩu phần ăn.

3. Những món ăn dành cho người bệnh nhồi máu cơ tim

Người bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe - ảnh 3
15 loại “thực phẩm vàng” bảo vệ sức khỏe trái tim

Thực đơn hàng ngày đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và có thể ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng bệnh. Vậy đối với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thì nên ănững món nào ? Hãy cùng Vinmec điểm qua 15 loại “thực phẩm vàng” sau đây để bảo vệ sức khỏe trái tim.

  • Các loại rau có màu xanh đậm (cải bó xôi, cải xoăn,...): giàu vitamin K và nitrat, giúp giảm huyết áp và cải thiện chức năng của hệ mạch máu.
  • Ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì, gạo lứt, yến mạch, lúa mạch, kiều mạch,...): nguồn chất xơ dồi dào, giúp giảm cholesterol xấu và ổn định huyết áp tâm thu.
  • Các loại quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi): giàu chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể, chống lại các tác nhân gây stress và viêm
  • Trái bơ : với hàm lượng cao các chất béo tốt và kali, bơ giúp giảm cholesterol, huyết áp và ngăn ngừa Hội chứng chuyển hóa - yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường.
  • Cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ,...) và dầu cá : giàu axit béo omega-3, ngăn ngừa các biến cố tim mạch, bao gồm tai biến mạch máu Não và nhồi máu cơ tim.
  • Quả óc chó : giàu chất xơ và các khoáng chất như magiê, đồng và mangan, giúp giảm cholesterol xấu
  • Đậu : ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa, giảm cholesterol và triglycerid.
  • Chocolate đen : giàu flavonoid, chất chống oxy hóa quan trọng giúp ngăn ngừa Xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
  • Cà chua : hàm lượng lycopen cao được tìm thấy trong cà chua giúp tăng cholesterol tốt, giảm nguy cơ tim mạch và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư.
  • Quả hạnh nhân : giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp giảm Xơ vữa động mạch và kiểm soát mỡ bụng.
  • Các loại hạt (hạt chia, hạt lanh,...): giàu chất xơ và omega-3, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, chống viêm, ổn định huyết áp, giảm cholesterol và triglycerid.
  • Tỏi : ức chế hình thành cục máu đông, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ.
  • Dầu oliu: với khoảng 2 muỗng dầu oliu mỗi ngày sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Đậu nành : chứa nhiều isoflavone, giúp giảm cholesterol xấu và cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Trà xanh (hoặc matcha) : giàu polyphenol và catechin, giúp giảm cholesterol, triglycerid và ổn định huyết áp.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý, người bệnh nhồi máu cơ tim cần phải tuân thủ các biện pháp khác để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Cũng theo bác sĩ tim mạch Phạm Văn Hùng, bệnh nhân nên tập thể dục điều độ hàng tuần, duy trì những thói quen tốt, cũng như loại bỏ các thói quen xấu đối với sức khỏe tim mạch, điển hình là hút thuốc lá, uống rượu bia. Ngoài ra, hãy theo dõi và thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên, uống đủ thuốc theo toa bác sĩ để việc điều trị bệnh là tối ưu nhất và phòng ngừa nguy cơ suy tim sau nhồi máu cơ tim.

Người bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe - ảnh 4

Ngoài chế độ dinh dưỡng, hãy theo dõi và thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên với bác sĩ. Đây là cách điều trị tối ưu nhất để phòng ngừa nguy cơ suy tim sau nhồi máu cơ tim.

4. Nhồi máu cơ tim nên kiêng gì?

Ngoài vấn đề người mắc nhồi máu cơ tim nên ăn gì thì nhồi máu cơ tim nên kiêng gì cũng là thắc mắc chung của nhiều người. Sau đây là danh sách các thực phẩm mà người bị nhồi máu cơ tim không nên ăn. nhòo

4.1. Chất béo trans và chất béo bão hòa

Với những bệnh nhân nhồi máu cơ tim, cần hạn chế thực phẩm giàu chất béo trans và chất béo bão hòa đến mức tối đa. Chính lượng chất béo “xấu” này là nguyên nhân chính hình thành nên những mảng xơ vữa. Do đó mà hạn chế chúng sẽ giảm thiểu rất nhiều nguy cơ bệnh tái phát. Các chất béo này rất dễ gặp trong các món ăn vặt như bắp rang bơ, bơ thực vật, đồ đóng hộp,… hay thịt đỏ, thịt gà có da, thực phẩm qua nhiều lần chiên rán.

4.2. Thực phẩm giàu cholesterol

Ở bệnh nhân sau cơn đau tim không được dùng quá 300mg cholesterol mỗi ngày. Hàm lượng cholesterol cao trong trứng, bơ, sữa, pho-mát và thịt, đặc biệt là thịt nội tạng như gan.

4.3. Thực phẩm giàu muối và đường

Cần duy trì huyết áp và lượng đường trong máu trong giới hạn bình thường, đặc biệt là ở bệnh nhân đái tháo đường. Điều này rất quan trọng cho việc phục hồi cơ thể sau một cơn đau tim. Lượng muối tăng có thể dẫn đến tăng huyết áp và gây hại cho sức khỏe tim mạch. Khuyến cáo không dùng quá 2.300mg natri (muối) hàng ngày và khi có các yếu tố nguy cơ khác kèm theo, bạn nên hạn chế thấp hơn với mức 1.500mg.

Hạn chế ăn khoai tây chiên, bánh quy, các loại hạt có thêm muối và thực phẩm chế biến với mức natri cao. Sau khi bị cơn đau tim, bệnh nhân nên sử dụng ít đường tinh hơn chế để tránh tăng cân và rối loạn đường huyết. Tránh xa các món tráng miệng, đồ uống có ga, bánh ngọt và bánh kẹo.