Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Những bệnh nào không cần sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em?

19/10/2020
Những bệnh nào không cần sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em?

Hạn chế sử dụng kháng sinh khi không cần thiết vừa giúp hệ miễn dịch cho trẻ vừa giúp hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh trầm trọng ở trẻ em. Để tránh lạm dụng kháng sinh cho trẻ, cha mẹ cần biết những trường hợp trẻ mắc bệnh nhưng không cần thiết phải sử dụng kháng sinh sau đây:

1. Kháng sinh là gì?

Kháng sinh là thuốc được dùng để tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, không có tác dụng trên các loại vi sinh vật khác như: virus,..nên nếu chúng ta lạm dụng, sử dụng sai sẽ làm yếu đi loại vũ khí diệt khuẩn này.

Chúng ta đã biết lạm dụng kháng sinh sẽ tạo ra những siêu vi khuẩn kháng thuốc, làm cho thế hệ tương lai phải đầu hàng với với những bệnh nhiễm khuẩn thông thường, thậm chí con người có thể chết chỉ vì 1 vết đứt tay. Trẻ em do hệ miễn dịch còn non yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên càng dễ bị lạm dụng sử dụng kháng sinh hơn.

2. Những bệnh nào do virus gây ra?

Các bệnh cảm lạnh, cúm; hầu hết các trường hợp viêm họng, viêm phế quản (85-95 %) là do virus gây ra. Kháng sinh không có tác dụng điều trị với các trường hợp này.

3. Những bệnh gây ra bởi vi khuẩn?

Bệnh Viêm họng do liên cầu khuẩn là bệnh do vi khuẩn, chiếm 20-30 % các ca Viêm họng ở trẻ em và 5-15% các ca Viêm họng ở người lớn. Bệnh này cần được điều trị bằng kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn hiệu quả và không gây kháng kháng sinh.

4. Những bệnh dưới đây không cần sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em

4.1. Viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy. Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: Sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…

Bằng những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học, người ta thấy thủ phạm gây ra viêm đường hô hấp trên đa phần là các vi rút, ngoài ra, có các thủ phạm khác như vi khuẩn, nấm, bụi, khí độc. Một số loại vi rút điển hình như: virus Rhino, Corona, Á cúm Parainfluenza, Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV. Một số loại vi khuẩn cũng thường gặp trong bệnh viêm đường hô hấp trên là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm…

Viêm đường hô hấp trên đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần, vì vậy không cần thiết phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Khi trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên, cha mẹ nên chăm sóc tích cực như bù nước, bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ nghỉ ngơi, tăng sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ có thể dùng thêm 1 số thuốc để giảm triệu chứng như thuốc giảm sốt, giảm Ho tiêu đờm … nếu các triệu chứng cản trở giấc ngủ hoặc ăn uống của trẻ. Một số đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch, bệnh có thể biến chứng sang thể nặng với các triệu chứng tăng dần như khó thở, suy hô hấp … cần tới bệnh viện ngay để được khám và điều trị. Trong trường hợp trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn nhóm nguy hiểm cũng cần được phân lập xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh thì dùng kháng sinh mới có hiệu quả.

Những bệnh nào không cần sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em? - ảnh 1

4.2. Đau mắt

Các chứng viêm, đau và nhiễm trùng mắt có thể được gây ra bởi vi khuẩn, virus hoặc nấm. Khi mắt nhiễm trùng nhẹ, cảm giác khó chịu có thể điều trị với thuốc chứa các thành phần kháng khuẩn nhẹ, không thuộc nhóm kháng sinh, ví dụ như isetionate propamidine, Dipotassium Glycyrrhizinate … Thay vì giết chết các vi khuẩn, các thuốc này làm chậm sự tăng trưởng, cho phép miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Cần tuyệt đối tránh tự ý dùng các kháng sinh thông dụng để nhỏ mắt trước đây như chloramphenicol, gentamycin, tetracyclin, polymycin … để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm, đồng thời dùng không đúng các kháng sinh phổ rộng này chính là mối họa tạo ra vi khuẩn kháng thuốc.

Tuy nhiên, khi mắt có biểu hiện đau nặng, xuất hiện dấu hiệu của Viêm kết mạc do vi khuẩn thì việc dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh là cần thiết và lúc này cần tuân theo chỉ định của bác sĩ loại kháng sinh nào, thời gian và liều sử dụng.

4.3. Áp xe da

Trẻ em hiếu động dễ bị các vết thương ngoài da dẫn đến những vết mủ nhiễm trùng đau đớn còn gọi là Áp xe da. Bệnh có nguồn gốc từ vi khuẩn nhưng không nhất thiết phải dùng thuốc kháng sinh.

Cách điều trị áp xe đơn giản nhất là các bác sĩ rạch một đường rồi dùng dụng cụ lấy mủ ra ngoài. Chỉ nên dùng thuốc kháng sinh sau khi được bác sĩ chỉ định loại và đường dùng trong trường hợp vết áp xe tiếp tục mở rộng hoặc vùng da xung quanh sưng, đỏ lên.

4.4. Đau răng

Theo nghiên cứu của tờ British Dental Journal, 74% bệnh nhân đến nha sĩ với lý do đau răng được kê thuốc kháng sinh. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các biện pháp tại chỗ như trám bít hố rãnh bằng sealant hoặc hàn răng là đủ để giúp giải quyết tình trạng này mà không cần phải sử dụng kháng sinh.

4.5. Tiêu chảy

Tiêu chảy, thậm chí khi gây ra bởi vi khuẩn, không phải lúc nào cần dùng kháng sinh. Bù nước sớm thường là bước quan trọng nhất. Thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác có thể không có tác dụng trong những trường hợp nguyên nhân tiêu chảy gây ra bởi virus, như norovirus (nhóm virus gây bệnh tiêu chảy) hoặc rất nhiều trường hợp tiêu chảy ở trẻ em là hậu quả của tình trạng lạm dụng kháng sinh, gây Loạn khuẩn đường ruột và tiêu chảy kéo dài.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thuốc kháng sinh có tác dụng – đặc biệt là với các bệnh nhiễm trùng một loại vi khuẩn đã được xác định cụ thể. Do vậy, việc tuân thủ đơn của bác sỹ về việc sử dụng kháng sinh điều trị tiêu chảy là một việc vô cùng quan trọng.