Mục lục:

Những câu hỏi thường gặp về bệnh hô hấp ở trẻ

Theo số liệu nghiên cứu của các tổ chức Y tế Hoa Kỳ, mỗi năm người lớn mắc các bệnh đường hô hấp từ 2 – 3 lần, còn trẻ em có thể lên tới 10 lần. Nhất là vào mùa đông, các bệnh liên quan đến hô hấp ở trẻ như cảm cúm, viêm phổi...chiếm 70% trong số các bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ. Vậy, làm cách nào để phòng và xử trí bệnh hô hấp cho trẻ?
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Câu hỏi 1: Nguyên nhân gây các bệnh hô hấp là gì, tại sao cháu nhà tôi đi đâu đều che chắn cẩn thận nhưng vẫn mắc bệnh về hô hấp?

Trả lời:

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ:

  • Hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển toàn diện, sức đề kháng yếu, đường thở ngắn, hít thở nhiều lần trong một phút dẫn đến virus gây bệnh dễ xâm nhập.
  • Các yếu tố môi trường do mật độ dân số đông, khói thuốc lá, tái phát, cơ địa, một số trẻ bệnh mạn tính trước
  • Các yếu tố dinh dưỡng: Sử dụng thức ăn lạnh, thức ăn xào rán, nướng tương đối khô cứng do họng miệng trẻ dễ tổn thương. Ăn quá nhiều đường, uống nước có gas. Vitamin D trong thực phẩm rất nghèo nàn nên hãy tổng hợp thêm từ ánh nắng mặt trời.

Việc che chắn, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài là cần thiết nhưng điều này không hoàn toàn bảo vệ được trẻ vì chúng chỉ ngăn chặn được khói bụi nhìn thấy bằng mắt thường, trong khi virus, vi khuẩn siêu nhỏ thì vẫn “thản nhiên” ra vào các lỗ lọc li ti của khẩu trang. Thậm chí không khí ở trong nhà cũng cần đảm bảo bằng cách sử dụng máy lọc không khí.

Câu hỏi 2: Cách đây 3 ngày cháu đã hết Sốt nhưng lại Ho nhiều hơn, có đờm. Em đưa cháu đi khám BS kết luận là cháu bị Viêm họng và kê thuốc nhưng uống đã 2 ngày rồi mà cháu vẫn chưa khỏi. Cháu hay bị ho về đêm, ban ngày thỉnh thoảng cũng ho, tiếng Ho nặng, có đờm. BS có thể tư vấn cho em cách điều trị như thế nào được không?

Trả lời:

  • Trong bất kỳ đơn thuốc nào cũng kèm theo dòng chữ: Tái khám nếu có bất thường hoặc bệnh không thuyên giảm sau 2-3 ngày dùng thuốc. Vậy như thế nào là bất thường? Với bệnh lý về hô hấp, bất thường khi bé ho nhiều lên, ho cơn dài khiến bé tím tái, nôn sau ho, bỏ ăn, không uống được, Sốt cao, khò khè, khó thở, thở nhanh, trẻ nhỏ thấy lồng ngực rút lõm khi thở. Cần phải cho khám lại ngay, để bác sỹ xác định tình trạng nặng của bệnh.
  • Trường hợp bé nhà bạn là 2 ngày uống thuốc mà bệnh không thuyên giảm, bạn cũng cần đưa bé tái khám để bác sĩ có thay đổi phương thức điều trị hợp lý, tránh bệnh chuyển nặng.

Câu hỏi 3: Thưa bác sĩ, làm thế nào để phân biệt cháu bị Cảm lạnh do thời tiết hay là mắc các bệnh về đường hô hấp để chữa trị kịp thời ạ?

Trả lời:

Cảm lạnh do thời tiết hay Cảm cúm thông thường theo cách gọi của dân gian đều có thể có các biểu hiện như: sốt, trẻ lớn kêu đau mình mẩy, đau đầu, trẻ nhỏ quấy khóc, khó chịu bỏ ăn, một số trẻ đau bụng, tiêu chảy và thường kèm theo hội chứng viêm long đường hô hấp như hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt mũi, ho. Viêm long đường hô hấp có thể chỉ là một dấu hiệu khi trẻ bị Cảm cúm nhưng cũng có thể là khởi đầu cho bệnh về đường hô hấp nặng vài ngày sau đó.

Bố mẹ trẻ không có chuyên môn, không thể phân biệt chắc chắn là trẻ bị Cảm lạnh hay bệnh về đường hô hấp, có thể chăm sóc tại nhà cho trẻ bước đầu như sau:

  • Hạ sốt cho trẻ bằng nhóm thuốc có chứa Acetaminophen với liều 10-15 mg/kg/lần, mỗi 4-6 giờ/lần khi trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên, không quá 6 lần/ngày.
  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý (chú ý làm ấm khi trời lạnh): trẻ nhỏ xịt rửa mũi, trẻ lớn có thể kết hợp xúc miệng bằng nước muối sinh lý ấm ngày 3-4 lần.
  • Cho ăn thức ăn lỏng, nguội, đủ dinh dưỡng, chia nhỏ bữa.
  • Uống nước hoa quả, nước ấm theo nhu cầu của trẻ.
  • Dùng các biện pháp dân gian giúp trẻ giảm ho, long đờm: quất hấp mật ong, húng chanh hấp đường phèn, hoa hồng bạch hấp mật ong, ngâm chân nước ngừng ấm, bôi dầu tràm vào lòng bàn chân trẻ...

Nếu sau 2-3 ngày, trẻ không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng lên thì cho trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được khám và điều trị:

  • Sốt cao, uống thuốc hạ sốt không hạ hoặc co giật do sốt
  • Li bì, mệt mỏi, nôn nhiều, bỏ ăn, không uống được
  • Ho nhiều, khò khè, khó thở, tím tái
  • Thở nhanh (trên 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng, trên 50 lần/phút ở trẻ 2 tháng-12 tháng, trên 40 lần ở trẻ từ 12 tháng-60 tháng)
  • Rút lõm lồng ngực, thở rít khi nằm yên

Câu hỏi 4: Cháu sốt nhẹ, ho từng cơn. Mỗi cơn ho là đỏ mặt, chảy nước mắt. Sau cơn ho, trẻ hít thở từng hơi dài nên nghe có những tiếng rít. Ðôi khi miệng trẻ có nhiều đờm dãi dính không nhổ ra được. Mỗi ngày trẻ có thể ho vài chục cơn, kéo dài từ 2 - 3 tuần rồi. Không biết cháu bị bệnh gì về đường hô hấp và làm sao để chữa trị thưa bác sĩ?

Trả lời:

Những thông tin gia đình cung cấp là một trường hợp HO GÀ điển hình. Để tránh gây biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan như: viêm phế quản phổi; hạ đường huyết; co giật; xuất huyết; suy dinh dưỡng,.. hãy đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được khám, theo dõi, điều trị.

Câu hỏi 5: Chào bác sĩ, bé nhà tôi được 1 tuổi, hay bị nôn trớ có nhiều đờm nhưng không ho. Em có mua thuốc cho cháu uống nhưng không khỏi, mong bác sĩ có cách hay thuốc nào để trị khỏi giúp bé không ạ? Xin cám ơn!

Trả lời:

  • Thực tế hiện nay, có nhiều bố mẹ tự mua thuốc điều trị triệu chứng cho con mà không tìm hiểu nguyên nhân. Điều này là hết sức nguy hiểm cho trẻ vì tác dụng phụ không mong muốn của thuốc, vì bệnh nặng lên do không được điều trị đúng. Với bé 1 tuổi, hay nôn trớ ra đờm nhưng không ho: chất dịch nhầy mà bé nôn ra không hẳn là đờm, có thể là dịch dạ dày do cơn trào ngược dạ dày thực quản. Đây là bệnh lý tiêu hóa, có thể được chẩn đoán chính xác khi khám bác sỹ chuyên khoa, xét nghiệm, siêu âm tìm luồng trào ngược...
  • Khi bố mẹ mặc định là nôn ra đờm, nghĩa là định hướng tới bệnh lý hô hấp thì thuốc điều trị hẳn nhiên sẽ theo chiều hướng đó. Câu trả lời dứt khoát là mang bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi ở cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện phục vụ chẩn đoán bệnh.

Câu hỏi 6: Bs ơi, bé gái nhà tôi 4 tuổi, bị khò khè cũng 2 tháng rồi. Em bé đi khám thì bác sĩ bảo bị viêm mũi họng cấp rồi kê thuốc nhưng bé uống đc 1 ngày thì thấy đờm mũi nhiều hơn và đặc hơn, bé hay quấy khóc hơn, e vẫn nhỏ nước muối sinh lí cho bé mà vẫn không thấy đỡ, e lo để lâu dẫn tới viêm phổi thì khổ. Mong bs tư vấn giúp e ạ. Cảm ơn bs nhiều ạ

Trả lời:

Trước tiên, bác sĩ muốn phân biệt lại với bố mẹ về 2 khái niệm mà bố mẹ rất hay nhầm lẫn: Khò khè và khụt khịt

  • Khò khè : là tiếng thở bất thường xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Nghe rõ khi trẻ thở ra, là dấu hiệu nặng ở trẻ sơ sinh hay gặp trong viêm tiểu phế quản, hen phế quản, viêm phế quản, viêm phổi)
  • Khụt khịt : là tình trạng phổ biến hơn, thường do tắc nghẽn mũi. Tiếng khụt khịt tăng lên khi trẻ bú, trẻ hay ngừng bú để thở. Thường kéo dài nhưng không nguy hiểm.

Bé 4 tuổi, bác sĩ đã chẩn đoán viêm mũi họng cấp thì âm thanh mẹ miêu Tả là khò khè có thể chỉ là tiếng khụt khịt do tắc mũi. Nhưng từ viêm đường hô hấp trên tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi) là rất có nhiều khả năng. Nếu thấy bé đờm nhiều hơn, đờm đặc hơn, quấy khóc hơn-bố mẹ nên cho bé tái khám để xác định diễn biến nặng hơn của bệnh.

Câu hỏi 7: Bé nhà cháu gần 3 tuổi. 3 hôm nay bé ho nhiều, sổ mũi ít. Cháu cho đi khám thì bs chuẩn đoán viêm hô hấp trên. Nhưng uống thuốc không thấy bớt và vẫn ho nhiều hơn. Bác sĩ tư vấn cho cháu với ạ.

Trả lời:

Viêm đường hô hấp trên thì cũng phải 5-7 ngày mới khỏi, không có thuốc tiên dược gì uống 1-2 liều là bệnh thuyên giảm ngay. Ho thực chất là phản ứng có lợi của cơ thể để tống dị vật, đờm dãi ra ngoài. Nên nếu ho không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bé như nôn nhiều, ho không ngủ được, ho đến mệt lả thì không cần lo lắng. Sau 3 ngày mà bệnh không có chiều hướng thuyên giảm thì cho bé tái khám bạn nhé, tùy tình hình thực tế, bác sỹ có thể thay thuốc, bổ sung thuốc hoặc có những tư vấn hợp lý.

Câu hỏi 8: Chào bác sĩ, bé nhà em được 2 tuổi. Bé bị ho nhiều, có đờm và chảy nước mũi, lúc đầu thì nước mũi trắng sau đó sang màu xanh xanh. Bé đã bị 10 ngày rồi. Em đã vệ sinh mũi thường xuyên mà không hết. Trước đó bé có sốt khoảng 4 ngày. Mong bs tư vấn.

Trả lời:

Bạn thân mến! Việc vệ sinh mũi cho bé là rất cần thiết trong khi bé có biểu hiện viêm mũi họng. Nhưng nếu đã 10 ngày mà bé vẫn ho nhiều, có đờm, nước mũi chuyển xanh thì bạn phải cho bé đến gặp bác sỹ đi ạ! Thứ nhất là mũi chuyển xanh, nghĩa là có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn rồi. Thứ 2, tai mũi họng thông nhau, nên viêm mũi họng dài ngày có thể gây viêm tai giữa, bác sỹ sẽ chỉ định Nội soi Tai mũi họng để xác định bạn nhé!

Lưu ý : Cũng cần làm rõ một quan điểm gây tranh cãi hiện nay: “ Rửa mũi gây viêm tai giữa” , bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sỹ về phương pháp rửa mũi để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi, gây sặc cho trẻ hay 1 số trường hợp mũi ngạt tắc, nước rửa không chảy ra được, xì lên tai gây ứ dịch ở tai, rất nguy hiểm.

Câu hỏi 9: Cháu nhà tôi được 7 tháng. Lúc trước bé bị ho, sổ mũi và sốt . Em có cho bé đi khám và uống thuốc thì hết sốt . Nhưng vẫn còn ho và sổ mũi . E có nên cho bé uống thêm kháng sinh không bác sĩ?

Trả lời:

  • Thực tế, nhiều cha mẹ chữa ho cho trẻ bằng cách dùng thuốc kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị ho cho trẻ lâu ngày sẽ gặp tác dụng phụ lớn. Tùy cơ địa, trẻ có thể bị các triệu chứng như: tiêu chảy, sốc phản vệ. Sử dụng một số loại kháng sinh liều cao hoặc dùng lâu có thể gây tổn thương gan, thận. Đối với những bé có tiền sử về gan, thận, nếu sử dụng kháng sinh, bác sĩ thường điều chỉnh liều lượng và kiểm soát chức năng gan trước và sau khi dùng.
  • Theo nghiên cứu, mỗi năm trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc 4-12 lần các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp như cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang... phần lớn trong số đó là do virus. Có 1 câu kinh điển mà giới bác sĩ hay truyền tai nhau: “Virus thì uống thuốc 7 ngày khỏi, không uống thuốc thì 1 tuần khỏi” để nói về bản chất không cần, không thể can thiệp thuốc vào virus. Lúc đó chỉ cần hỗ trợ điều trị triệu chứng như vệ sinh mũi họng, giảm ho, chống viêm, hạ sốt, nâng cao sức đề kháng bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng – Kháng sinh không có vai trò gì!

Câu hỏi 10: Thưa bs, từ khi sinh ra, hệ hô hấp của cháu đã yếu hơn những đứa trẻ bình thường khác, nên chỉ cần bị lạnh hoặc không đeo khẩu trang cẩn thận cho con khi ra ngoài là y như rằng, con bị tái phát bệnh ngay. Nặng nhất là con hay bị “tắc” mũi, thở khò khè, nhất là ban đêm. Vậy làm sao có thể cải thiện vấn đề này cho cháu ạ?

Trả lời:

  • Đầu tiên, hãy cho bé đến gặp bác sỹ Tai mũi họng để nội soi xem bé có bất thường gì về đường thở không (hẹp lỗ mũi sau, polyp mũi, phì đại cuốn mũi...)
  • Tiêm phòng đầy đủ cho bé để tạo miễn dịch chủ động
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho bé
  • Tạo cho bé thói quen vệ sinh thân thể, mũi họng, răng miệng hàng ngày. Vệ sinh tay cũng là cách phòng bệnh hữu hiệu và đơn giản, dễ thực hiện.
  • Giữ ấm cho trẻ vào màu đông, thoáng mát vào màu hè
  • Môi trường sống của bé cần tránh khói than, khói thuốc lá, lông chó mèo...
  • Không tự ý dùng bất cứ loại thuốc gì cho trẻ. Hãy cho trẻ đến gặp bác sỹ khi bé có vấn đề về sức khỏe.

Hy vọng những giải đáp trên đây sẽ giúp các bố mẹ hiểu phần nào về những căn bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ và đỡ bối rối khi xử trí bệnh cho con.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Nếu bạn có thêm bất kỳ câu hỏi nào thì bạn đến mục hỏi bác sĩ chuyên khoa nhi trên bcare.vn

Tổng hợp theo: Vinmec.com

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung