Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

15/04/2021
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Ung thư vú là một trong số loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Tỷ lệ ung thư vú nói chung sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040 và thường xảy ra ở những phụ nữ trẻ hơn. Chính vì vậy, mỗi phụ nữ cần nắm rõ yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú để xây dựng biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn.

1. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

1.1. Là con gái

Đây là yếu tố nguy cơ chính của bệnh ung thư vú vì tỷ lệ bị ung thư vú ở nữ cao hơn hàng trăm lần so với nam giới.

1.2. Lão hóa

Khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú càng tăng. Đa số bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở tuổi 55 trở đi.

1.3. Sinh ra trong một gia đình có bệnh sử ung thư vú

Khoảng 15% bệnh nhân ung thư vú có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của một người có mẹ, chị, hoặc con gái cao hơn hai lần so với người không có bệnh sử gia đình. Nguy cơ này sẽ cao gấp 3 lần nếu trong gia đình có hai người bị ung thư vú. Nguy cơ của phụ nữ mà trong gia đình có bố, anh, hoặc em trai cũng cao hơn mức quần thể.

1.4. Bệnh nhân ung thư vú 

Bệnh nhân bị ung thư ở một bên vú cũng có nguy cơ bị ung thư vú ở bên còn lại hoặc ở phần khác của cùng một bên vú cũng cao hơn so với quần thể.

1.5. Chủng tộc

Phụ nữ châu Á, gốc Tây Ban Nha, và da đỏ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn người Mỹ da trắng, và gốc phi.

1.6. Chiều cao

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có chiều cao hơn chiều cao trung bình thường có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người có chiều cao thấp hơn chiều cao trung bình.

1.7. Mật độ mô

Phụ nữ có mật độ mô tuyến và mô sợi dày đặc hơn mật độ trung bình có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng hai lần so với người có mật độ thấp.

1.8. U lành 

Phụ nữ được chẩn đoán có u lành ở tuyến vú cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn quần thể.

1.9. Chu kỳ kinh nguyệt sớm

Phụ nữ bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt trước 12 tuổi cũng tăng nguy cơ bị ung thư vú.

1.10. Kết thúc chu kỳ kinh muộn

Phụ nữ kết thúc chu kỳ kinh ở tuổi 55 trở đi cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.

1.11. Đột biến di truyền 

Đột biến di truyền trên những gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Khoảng 10% bệnh nhân ung thư vú được cho là có nguyên nhân từ di truyền, nghĩa là bệnh ung thư vú của những bệnh nhân này được gây ra bởi đột biến di truyền mà bệnh nhân được thừa hưởng từ bố, mẹ, hoặc trong quá trình hình thành hợp tử.

  • Đột biến trên gen BRCA1 và BRCA2 là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú di truyền phổ biến nhất. Chức năng bình thường của hai gen này là sửa chữa những sai hỏng khi DNA bị tổn thương. Đột biến trên hai gen này làm mất hoặc giảm chức năng sửa chữa DNA của chúng, dẫn đến việc tích tụ sai hỏng trong tế bào. Khi tế bào chứa một lượng DNA sai hỏng đủ lớn thì chúng có thể bị biến đổi thành các tế bào ung thư. Trung bình, một người được sinh ra với một bản sao bị lỗi của gen BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người bình thường từ 5-7 lần (tính cho đến khi họ 80 tuổi). Khi càng có nhiều người trong gia định bị ung thư vú thì tỷ lệ này càng tăng. Phụ nữ mang đột biến di truyền trên gen BRCA1 hoặc BRCA2 thường bị ung thư vú ở tuổi trẻ hơn tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư vú, thường bị cả hai bên vú, và có nguy cơ bị mắc Ung thư buồng trứng và một vài loại ung thư khác. Nam giới mang đột biến di truyền cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú, Ung thư tuyến tiền liệt và một vài loại ung thư khác.

  • Đột biến trên những gen khác như là ATM, TP53, CHEK2, PTEN, CDH1, STK11, và PALB2 cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, mức độ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú di truyền của các gen này không cao bằng gen BRCA1 và BRCA2. Bên cạnh những gen này, đột biến trên một số gen khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú di truyền, nhưng vì chúng chỉ xuất hiện ở một số lượng nhỏ bệnh nhân ung thư di truyền, nên không được đề cập ở đây.

1.12. Xét nghiệm gen giúp xác định ung thư vú di truyền

  • Xét nghiệm gen và tư vấn di truyền: Xét nghiệm gen là phương pháp duy nhất để xác định bệnh ung thư vú của một người có phải là di truyền hay không. Hiệp hội phẫu thuật vú quốc gia (Hoa Kỳ) khuyến cáo tất cả bệnh nhân ung thư vú và người nhà của bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính nên thực hiện xét nghiệm gen. Đối với bệnh nhân, xét nghiệm gen sẽ hữu ích trong việc lựa chọn liệu pháp điều trị đích phù hợp, và việc lên kế hoạch sàng lọc phát hiện sớm các bệnh ung thư khác. Đối với người nhà bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, xét nghiệm gen sẽ giúp lên kế hoạch theo dõi phát hiện sớm, và thực hiện các biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Đối với cộng đồng, Xét nghiệm gen sẽ làm giảm gánh nặng kinh tế và xã hội do bệnh ung thư vú gây ra.

1.13. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú bạn có thể thay đổi

  • Không hoạt động thể chất: phụ nữ không vận động, thể dục thường xuyên có nguy cơ bị ung thư vú cao

  • Thừa cân, Béo phì sau thời kì mãn kinh
  • Sử dụng thuốc tránh thai, một số hình thức điều trị thay thế hoocmon trong thời kì mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú
  • Có thai con đầu tiên sau 30 tuổi, không cho con bú, không Mang thai đủ tháng làm tăng nguy cơ bị ung thư vú
  • Uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, thức khuya, tiếp xúc với hóa chất thường xuyên.

 

2. Một số giải pháp giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh

 

Bất kỳ căn bệnh ung thư nào cũng để lại nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng như người thân. Đặc biệt, bệnh ung thư vú có thể ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Do đó, tốt nhất mọi người nên có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và thực hiện các biện pháp giúp phòng tránh bệnh. Tuy nhiên, đối với từng đối tượng mà các giải pháp phòng ngừa bệnh sẽ có sự khác nhau. Cụ thể như:

 

2.1. Đối với người có nguy cơ mắc bệnh thấp

 

Mặc dù không có nhiều nguy cơ mắc bệnh liên quan đến yếu tố di truyền hay biến đổi gen. Tuy nhiên, mọi người cũng không được chủ quan và nên thực hiện các giải pháp ngăn ngừa bệnh như:

 

  • Thường xuyên theo dõi, quan sát sự thay đổi của vú.

  • Tham gia thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để được được tầm soát bệnh.

  • Không nên sử dụng thức uống có chứa cồn thường xuyên.

  • Xây dựng và duy trì thói quen luyện tập thể dục, ít nhất 30 phút trong ngày. Một số bài tập nhẹ như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội,...

  • Đối với độ tuổi sau mãn kinh, không nên sử dụng nhiều liệu pháp Nội tiết tố.
  • Giữ trọng lượng cơ thể ở mức cho phép, không nên quá gầy hoặc quá thừa cân.

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.

 

2.2. Đối với người có nguy cơ mắc bệnh cao

 

Ngoài những giải pháp nêu trên, bạn cần kết hợp một số cách khác, chẳng hạn như:

 

  • Sử dụng thuốc: một số loại thuốc có khả năng ức chế nội sự tổng hợp hoặc sản sinh tiết tố estrogen, giúp giảm thiểu khả năng mắc bệnh ung thư vú.

  • Phẫu thuật: theo các bác sĩ, việc cắt bỏ tuyến vú có thể đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh ung thư.