Mục lục:

Nội soi can thiệp đường tiêu hóa và Những điều cần biết

Những can thiệp trên các bộ phận cơ thể được hạn chế đến mức thấp nhất, đặc biệt là mảng nội soi can thiệp đường tiêu hóa. Kỹ thuật này đang áp dụng phổ biến để điều trị nhiều bệnh lý thay vì phải cần đến phẫu thuật.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nội soi can thiệp đường tiêu hóa là gì?

Nội soi can thiệp đường tiêu hóa là bước tiếp theo phía sau của nội soi chẩn đoán. Điều này có nghĩa là sau khi bệnh nhân được chẩn đoán ra các bệnh lý thông qua con đường nội soi trên ống tiêu hóa, nếu bệnh lý này có chỉ định can thiệp điều trị được qua nội soi, các bác sĩ thực sẽ hiện thủ thuật ngay tại thời điểm này.

Mọi can thiệp trên các tổn thương thấy được trên bề mặt ống tiêu hóa đều thực hiện từ xa thông qua một ống soi mềm đi vào bằng đường tự nhiên (qua miệng hay lỗ hậu môn). Ống này có đường kính nhỏ, vừa gắn một nguồn chiếu sáng, camera quay hình và trực tiếp trình chiếu lên màn hình lớn bên ngoài. Nhờ đó, các kỹ thuật viên quan sát rõ ràng, giúp thao tác các dụng cụ can thiệp được chính xác trên những tổn thương nhỏ chỉ vài milimet cho đến các khối u lớn vài centimet trên niêm mạc hệ tiêu hóa.

Toàn bộ quá trình bao gồm chẩn đoán và điều trị đều diễn ra thuận lợi trong một thì, hạn chế xâm lấn quá mức trên cơ thể, giảm đau đớn cũng như rút ngắn được thời gian nằm viện.

Nội soi can thiệp đường tiêu hóa và Những điều cần biết - ảnh 1
Nội soi can thiệp đường tiêu hóa giúp việc điều trị dễ dàng hơn

2. Khi nào cần nội soi can thiệp đường tiêu hóa?

Nội soi can thiệp đường tiêu hóa có chỉ định thực hiện đối với các bệnh lý tổn thương khu trú thấy được trên bề mặt ống tiêu hóa. Các chỉ định đó là:

  • Cắt đơn polyp, đa polyp, u dưới niêm mạc trong dạ dày, tá tràng và đại tràng
  • Cắt trọn niêm mạc điều trị ung thư giai đoạn sớm
  • Bấm sinh thiết trên niêm mạc
  • Gắp dị vật đường tiêu hóa
  • Các thủ thuật cầm máu qua nội soi
  • Thắt Giãn tĩnh mạch thực quản
  • Thắt trĩ bằng vòng cao su

3. Nội soi can thiệp đường tiêu hóa được thực hiện như thế nào?

Quy trình nội soi can thiệp đường tiêu hóa về mặt cơ bản cũng tương tự như quy trình nội soi chẩn đoán đường tiêu hóa nói chung. Điều đó có nghĩa là trước khi vào phòng thủ thuật can thiệp, mọi bệnh nhân đều được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các Xét nghiệm thường quy. Công việc này không chỉ tập trung vào nhóm bệnh lý chuyên khoa tiêu hóa mà còn giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát nói chung cũng như khả năng chịu đựng được cuộc nội soi. Đồng thời, chỉ những bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ hay nhiều yếu tố nguy cơ, đã từng xác định bằng nhiều phương tiện cận lâm sàng không xâm lấn nhưng chưa rõ ràng mới được chỉ định nội soi.

Để thực hiện các thủ thuật nói chung, bệnh nhân và thân nhân đều được tư vấn, giải thích về sự cần thiết của nội soi đường tiêu hóa trong chẩn đoán kết hợp điều trị bệnh nếu đúng chỉ định.

Ngoài ra, cách thức thực hiện và cả những nguy cơ có thể xảy ra cũng được trình bày kỹ lưỡng để người bệnh hiểu rõ và chấp thuận. Sau đó, những chuẩn bị trước nội soi như nhịn ăn hoặc thụt tháo và các phương tiện theo dõi được sắp xếp sẵn sàng trước khi cuộc nội soi chính thức bắt đầu. Trong trường hợp bệnh nhân quá nhạy cảm, kích thích, bác sĩ sẽ bổ sung thuốc Gây tê tại chỗ hay tiền mê phù hợp tình hình.

Nội soi can thiệp đường tiêu hóa và Những điều cần biết - ảnh 2
Trao đổi với bác sĩ những vấn đề về tiêu hóa cũng như quy trình thực hiện trước khi nội soi đường tiêu hóa

Ống tiêu hóa có hai đường vào tự nhiên để thực hiện nội soi. Với những bệnh lý thuộc ống tiêu hóa trên (thực quản – dạ dày – tá tràng), bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm nghiêng về bên trái, không gồng người, cố gắng hít thở sâu và đều đặn bằng mũi và miệng phối hợp với động tác nuốt xuống khi kỹ thuật viên đưa ống nội soi vào đường miệng. Bề mặt các đoạn ống tiêu hóa sẽ được quan sát và đánh giá kỹ lưỡng và can thiệp ngay khi phát hiện ra.

Cụ thể là bệnh nhân nhập viện do bệnh cảnh nôn ói ra máu ồ ạt, nội soi thấy tĩnh mạch thực quản đang giãn vỡ hay ổ loét xuất huyết trên niêm mạc dạ dày thì sẽ được nhanh chóng đưa dụng cụ vào để cầm máu tại chỗ bằng cách chích xơ, cột thắt, kẹp clip... nhằm bít tắc ngòi chảy máu. Nếu bệnh nhân đến vì nuốt dị vật, nhất là trẻ nhỏ, thông qua ống nội soi , bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm dị vật và đưa kẹp gắp vào để đưa dị vật ra ngoài, giải phóng tắc nghẽn. Đối với các trường hợp nghi ngờ viêm Loét dạ dày – tá tràng do Helicobacter Pylori, một mẫu niêm mạc sẽ được gắp lấy và đưa ra ngoài, làm xét nghiệm kiểm tra đánh giá sự có mặt của vi khuẩn này ngay tại phòng nội soi.

Với những bệnh lý thuộc ống tiêu hóa dưới (khung đại tràng), con đường tiếp cận sẽ đi vào lỗ hậu môn và kỹ thuật này nhìn chung cũng sẽ dễ dàng hơn cho người bệnh so với ống tiêu hóa trên. Các bệnh lý thường can thiệp bằng nội soi là cắt trọn polyp cũng như các u nhú nghi ngờ, đồng thời lấy mẫu sinh thiết quan sát dưới kính hiển vi để xác định khả năng ác tính. Nội soi can thiệp cũng được chỉ định trong các trường hợp chảy máu đường tiêu hóa dưới như viêm loét đại tràng, thắt búi trĩ nội xuất huyết...

4. Những điều cần lưu ý khi nội soi can thiệp đường tiêu hóa?

Để cuộc nội soi can thiệp đường tiêu hóa diễn ra thành công, có một số điều lưu ý trước và sau thủ thuật cần phải nắm rõ trước khi tiến hành.

Vì đây là một thủ thuật xâm lấn, tất cả các bệnh nhân đều phải được thăm khám sức khỏe tổng quát, nhất là đánh giá chức năng tim mạch, Hô hấp để đảm bảo khả năng chịu được nội soi. Đồng thời, phòng nội soi cũng cần trang bị đủ các phương tiện theo dõi sinh hiệu cũng như các phương tiện cấp cứu - hồi sức, bác sĩ đã được huấn luyện các kỹ năng này để ứng phó kịp thời khi có biến cố xảy ra.

Đối với nội soi can thiệp cấp cứu như để cầm máu khi bị xuất huyết tiêu hóa hay gắp dị vật, bệnh nhân có thể được tiến hành ngay mà không cần sự chuẩn bị trước. Tuy nhiên, trong các trường hợp có thể lên chương trình, mọi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó trên bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ nội soi thăm dò toàn diện hơn và can thiệp chính xác hơn.

Sau nội soi, không thể tránh khỏi những khó chịu nhất định; tuy vậy, những điều này sẽ mau chóng thuyên giảm vài giờ sau đó, người bệnh nên được khuyến khích ăn uống và sinh hoạt lại như bình thường. Bởi nội soi can thiệp là thủ thuật xâm lấn đòi hỏi sự tinh vi trong không gian vô cùng nhỏ hẹp, hoàn toàn không tránh được những biến cố xảy ra như làm thủng rách ống tiêu hóa, gây chảy máu, tổn thương các tạng xung quanh,...

Chính vì thế, cần lưu giữ theo dõi bệnh nhân tối thiểu vài giờ cho đến một ngày sau can thiệp. Trong trường hợp bệnh nhân mệt nhiều, khó thở nhiều không giảm, đau bụng quặn từng cơn, Sốt hay nôn ói, tiêu ra máu..., đây là những dấu hiệu bất thường, cần báo lại với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung