Mục lục:

Nội soi dạ dày đường mũi thực hiện thế nào?

Nội soi dạ dày đường mũi là phương pháp chẩn đoán giúp bác sĩ có thể nhìn dạ dày trực tiếp qua camera, dễ dàng phát hiện các bệnh lý như ung bướu, viêm loét, dị vật hay dị dạng mạch máu niêm mạc,... để từ đó có phương án điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nội soi dạ dày đường mũi là gì?

Nội soi dạ dày là phương pháp thăm khám trực tiếp dạ dày nhờ một ống soi mềm nhỏ, có đường kính khoảng 9mm, đưa vào qua đường miệng hoặc mũi. Nhờ quan sát hình ảnh trên máy soi, bác sĩ có thể nhận biết các dấu hiệu bất thường xảy ra bên trong dạ dày, từ đó chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị thích hợp, hiệu quả.

Có nhiều phương pháp nội soi dạ dày như: nội soi qua đường miệng, nội soi qua đường mũi, nội soi gây mê – không đau hoặc nội soi viên nang. Trong đó, Nội soi qua đường mũi đang được áp dụng ngày càng phổ biến hiện nay.

Trong thủ thuật nội soi dạ dày qua đường mũi, bác sĩ sẽ đưa ống soi kích thước nhỏ (đường kính khoảng 5,9 mm) qua mũi, xuống thực quản, đến dạ dày – hành tá tràng và tá tràng để quan sát tổn thương và làm Xét nghiệm vi khuẩn HP phục vụ việc chẩn đoán bệnh.

2. Vì sao phải nội soi dạ dày?

Thực tế, các phương pháp hiện đại như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ đều khó có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác cho các bệnh lý dạ dày nói riêng, bệnh trên ống tiêu hóa nói chung. Trong khi đó, qua máy nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương rất nhỏ (chỉ vài mm) trong dạ dày, có thể sinh thiết tìm ung thư hoặc Xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori gây bệnh,... Không chỉ vậy, nội soi dạ dày còn dùng để theo dõi quá trình điều trị các tổn thương viêm loét, nhiễm khuẩn trong dạ dày. Với các trường hợp xuất huyết dạ dày, nội soi có thể được tiến hành khẩn cấp để phát hiện và điều trị vị trí chảy máu, tránh can thiệp bằng phẫu thuật.

Nội soi dạ dày là thủ thuật an toàn, ít khi có tai biến. Triệu chứng thường gặp sau nội soi chỉ là cảm giác đau rát mũi, họng. Do tính chất an toàn của thủ thuật, nội soi dạ dày có thể thực hiện cho những bệnh nhân điều trị nội trú, không cần phải nhập viện.

3. Ưu, nhược điểm của phương pháp nội soi dạ dày qua đường mũi

3.1 Ưu điểm

Phương pháp nội soi dạ dày qua đường mũi đang được áp dụng rộng rãi vì những ưu điểm sau:

  • Giảm khó chịu: Sử dụng ống nội soi nhỏ đi qua đường mũi, ít gây kích thích lưỡi gà, đáy lưỡi, vòm khẩu cái,... từ đó giảm phản xạ nôn ói. Bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường với bác sĩ và quan sát toàn bộ hình ảnh nội soi;
  • An toàn: Không gây mê, ít gây thay đổi về huyết áp hay nhịp tim của bệnh nhân;
  • Nhanh chóng: Toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện chỉ khoảng 15 phút;
  • Hiệu quả chẩn đoán cao: Vì Tâm lý bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật dễ dàng hơn, hạn chế nguy cơ xảy ra những biến chứng không mong muốn, giúp việc quan sát hình ảnh trong dạ dày rõ ràng và nhanh chóng hơn, từ đó làm tăng độ chính xác của việc chẩn đoán.
3.2 Nhược điểm

Phương pháp nội soi dạ dày đường mũi không thực hiện được nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý vùng mũi, bị hẹp khe mũi và có chi phí cao hơn so với nội soi qua đường miệng.

4. Chỉ định nội soi dạ dày đường mũi khi nào? Nội soi dạ dày đường mũi thực hiện thế nào? - ảnh 1

Người bệnh được chỉ định thủ thuật trong trường hợp có cảm giác trào ngược, chán ăn

Khi gặp những triệu chứng dưới đây, người bệnh được khuyên nên đi nội soi dạ dày:

  • Đau vùng xương ức – vị trí thượng vị dạ dày;
  • Chán ăn;
  • Có cảm giác bị trào ngược;
  • Thường xuyên ợ hơi, ợ chua;
  • Chậm tiêu, đầy hơi;
  • Buồn nôn hoặc nôn ói, nôn ra máu;
  • Đi ngoài ra máu;
  • Đau, nóng rát thượng vị dạ dày;
  • Nuốt đau hoặc khó nuốt, có cảm giác vướng ở cổ họng;
  • Ho liên tục, Viêm họng kéo dài, tái phát nhiều lần;
  • Sụt cân nhanh, không rõ nguyên nhân;
  • Gia đình có người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori;
  • Theo dõi định kỳ đối với người mắc Barrett thực quản.

Nội soi dạ dày giúp phát hiện các bệnh lý như: viêm dạ dày, loét dạ dày, loét hành tá tràng hay trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, nội soi còn giúp tầm soát sớm ung thư thực quản, ung thư dạ dày.

5. Nội soi dạ dày đường mũi thực hiện như thế nào?

5.1 Chuẩn bị trước khi nội soi

Trước khi nội soi dạ dày qua đường mũi, bệnh nhân cần nhịn ăn tối thiểu 6 giờ để bác sĩ có thể quan sát rõ lớp niêm mạc dạ dày, đồng thời tránh tình trạng trào ngược hoặc sặc thức ăn, bảo vệ đường thở. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không nên uống sữa, nước có màu như nước ngọt, cà phê, nước hoa quả,... trước khi nội soi vì sẽ ảnh hưởng tới khả năng quan sát cũng như kết quả chẩn đoán của bác sĩ.

Để thu được kết quả tốt nhất và đảm bảo an toàn cho chính mình, người bệnh nên thực hiện nội soi dạ dày vào buổi sáng vì thời gian ngủ qua đêm đã giúp tiêu hóa hết thức ăn. Trường hợp nội soi dạ dày khi bị Hẹp môn vị dạ dày, người bệnh nên nhịn ăn từ 12 – 24 tiếng hoặc phải đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi thực hiện nội soi.

Nếu bệnh nhân nội soi đang uống thuốc, cần thông báo cho bác sĩ về loại thuốc đang sử dụng.

Nội soi dạ dày đường mũi thực hiện thế nào? - ảnh 2
Nếu bệnh nhân nội soi đang uống thuốc, cần thông báo cho bác sĩ về loại thuốc đang sử dụng.

5.2 Thực hiện nội soi dạ dày đường mũi

  • Bệnh nhân nằm nghiêng trái hoặc ngồi thẳng trong trường hợp khó;
  • Thực hiện Gây tê bên lỗ mũi nội soi bằng Xylocain 2% hoặc Lidocain 10%;
  • Đưa máy nội soi qua mũi, họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng, bơm hơi và thực hiện quan sát. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để lấy một mẫu mô nhỏ (khoảng 1mm) để kiểm tra. Việc sinh thiết không gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân;
  • Rút máy, vệ sinh, khử khuẩn máy soi theo đúng quy định.

5.3 Sau khi nội soi dạ dày

  • Bệnh nhân có thể nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi ra về;
  • Không ăn uống trong vòng 1 giờ sau khi nội soi;
  • Có thể có cảm giác đau vùng mũi – họng, chướng bụng nhẹ.

Nội soi dạ dày đường mũi là phương pháp dễ thực hiện, có hiệu quả chẩn đoán cao nên đang được áp dụng rộng rãi hiện nay. Khi thực hiện nội soi dạ dày, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhân viên y tế để thu được kết quả chẩn đoán chính xác.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung