1. Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là phương pháp Xét nghiệm ống tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng.
Kỹ thuật này được thực hiện như sau: Bác sĩ sử dụng công cụ chuyên biệt là ống nội soi mềm có gắn đèn chiếu sáng và camera nhỏ ở đầu, đưa vào cơ thể bệnh nhân qua đường miệng hoặc mũi, xuống thực quản rồi đến dạ dày. Thông qua đầu camera, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp hình ảnh của bộ phận cần kiểm tra thông qua màn hình, từ đó đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh của bệnh nhân như dị vật, tổn thương niêm mạc, polyp dạ dày.
Hiện nay, ngoài phương pháp nội soi dạ dày truyền thống bằng đường miệng, người ta còn sử dụng phương pháp nội soi bằng đường mũi, nội soi gây mê, nội soi qua viên nang,... để khắc phục các nhược điểm của nội soi dạ dày truyền thống.
2. Khi nào nên thực hiện nội soi dạ dày?
Khi cơ thể bệnh nhân có những dấu hiệu bất ổn về hệ tiêu hóa. Các trường hợp nên thực hiện nội soi dạ dày là:
- Xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng buồn nôn và nôn ói, ợ hơi, đầy hơi, khó nuốt, khó tiêu, đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa,...;
- Chẩn đoán: Trong quá trình nội soi dạ dày, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ làm các Xét nghiệm như: Làm Clo-test để chẩn đoán nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (lấy mẫu mô nhỏ ở nơi viêm/loét, cho vào lọ đựng thuốc thử Clo-test, quan sát sự đổi màu) hoặc sinh thiết (lấy một mảnh mô nhỏ, quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra xem có sự tồn tại của tế bào ung thư hay không);
- Điều trị: Bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa như xuất huyết đường tiêu hóa, nong thực quản, lấy dị vật trong đường tiêu hóa, cắt polyp,...
3. Ưu điểm và nhược điểm của nội soi dạ dày
Hiện có nhiều kỹ thuật nội soi dạ dày và mỗi kỹ thuật lại có ưu, nhược điểm riêng. Cụ thể là:
3.1 Nội soi dạ dày đường miệng truyền thống
- Ưu điểm: Mang lại kết quả chẩn đoán chính xác, tiết kiệm thời gian thực hiện và chi phí thấp. Đồng thời, con đường từ miệng xuống dạ dày là con đường ngắn nhất nên giúp thao tác của bác sĩ dễ dàng và thuận lợi hơn;
- Nhược điểm: Gây cảm giác buồn nôn, khó chịu, đau rát họng cho người bệnh vì ống nội soi có đường kính lớn sẽ kích thích phần cuống họng và lưỡi gà của bệnh nhân. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể làm rách thực quản, gây đau họng, khó nuốt, thủng dạ dày nếu không được thực hiện một cách cẩn thận.
3.2 Nội soi dạ dày đường mũi
- Ưu điểm: Mang lại kết quả chẩn đoán bệnh chính xác, không gây cảm giác khó chịu, buồn nôn cho bệnh nhân;
- Nhược điểm: Gây khó khăn cho các thao tác của bác sĩ vì phải sử dụng ống nội soi có kích thước nhỏ hơn, con đường đi từ mũi xuống dạ dày dài hơn đường miệng và cũng phức tạp hơn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đối diện với nguy cơ biến chứng đau mũi, chảy máu mũi, Rách thực quản hay thủng dạ dày (ít xảy ra). Đồng thời, phương pháp này cũng không thể thực hiện với những bệnh nhân có bệnh lý vùng mũi hoặc hẹp khe mũi.
3.3 Nội soi dạ dày gây mê
- Ưu điểm: Kết quả chẩn đoán tương đương các phương pháp nội soi dạ dày khác, giúp khắc phục tình trạng khó chịu cho bệnh nhân trong quá trình nội soi. Đồng thời, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, không có phản xạ chống cự nên bác sĩ thực hiện nội soi dễ dàng và nhanh chóng hơn;
- Nhược điểm: Tăng nguy cơ bị sốc thuốc, Dị ứng thuốc, mệt mỏi,... cho bệnh nhân. Đồng thời, quy trình thực hiện cũng phức tạp hơn và chi phí nội soi cao hơn so với các phương pháp nội soi thông thường.
4. Lưu ý trước và sau khi nội soi dạ dày
Để quá trình nội soi dạ dày diễn ra thuận lợi, thu được kết quả chính xác, đồng thời đảm bảo an toàn cho bản thân, trước và sau khi nội soi bệnh nhân cần lưu ý tới những vấn đề sau:
- Không được ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi;
- Không được uống các loại nước có gas, có cồn, có màu và sữa trước khi nội soi dạ dày và chúng sẽ gây cản trở quá trình quan sát của bác sĩ. Đồng thời, chỉ nên uống nước lọc với lượng vừa đủ trước khi nội soi bởi nếu uống quá nhiều nước sẽ dễ gây trào ngược;
- Báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân đang sử dụng một loại thuốc khác hoặc nhạy cảm với bất kỳ chất gì được sử dụng trong nội soi dạ dày như cao su, thuốc mê, chất keo dính;
- Nên có người thân đi cùng khi nội soi để tiện cho việc chăm sóc, xuất viện;
- Sau khi nội soi dạ dày, đặc biệt là nội soi có gây mê, bệnh nhân nên được đưa qua phòng hồi sức để tiện theo dõi và nên báo ngay cho bác sĩ nếu thấy có dấu hiệu bất thường;
- Không nên ăn ngay sau khi nội soi mà cần chờ khoảng 1 - 2 tiếng sau để dạ dày trở lại bình thường. Đồng thời, nên ăn thức ăn lỏng như cháo, súp để tốt cho hệ tiêu hóa.
5. Thời gian nội soi dạ dày
- Nội soi không gây mê: Thời gian thực hiện khoảng 30 phút;
- Nội soi có gây mê: Thời gian thực hiện khoảng 15 - 20 phút.
Kết quả nội soi sẽ thu được ngay sau khi thực hiện nội soi dạ dày. Nếu trong quá trình nội soi có làm sinh thiết thì mẫu sinh thiết sẽ được gửi tới phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh để chẩn đoán dưới kính hiển vi và kết quả sinh thiết sẽ có sau khoảng 5 - 7 ngày. Bệnh nhân sẽ được xếp lịch hẹn tái khám hoặc bệnh viện thông báo kết quả sinh thiết cho bệnh nhân theo phương thức liên lạc phù hợp.
Các dấu hiệu cảnh báo biến chứng của nội soi dạ dày gồm: Đau ngực, khó thở, sốt, nuốt khó, nôn mửa, đau bụng nhiều và liên tục, đi ngoài phân đen hoặc phân sậm màu,... Khi gặp tình trạng này, người nhà nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay để được can thiệp xử trí kịp thời.
Nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu trong chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở dạ dày. Người mắc bệnh nên tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ trong quá trình thực hiện để thu được kết quả chính xác, nhanh chóng, giảm nguy cơ biến chứng.