1. Chỉ định và chống chỉ định Nội soi gắp dị vật bàng quang
- Chỉ định: Sỏi, dị vật bàng quang.
- Chống chỉ định: Nhiễm trùng đường niệu thấp đang tiến triển. Phì đại lành tính tuyến tiền liệt có kích thước to. U vùng tiểu khung có chèn ép tắc nghẽn đường niệu.
2. Các bước chuẩn bị nội soi gắp dị vật bàng quang
Người thực hiện : 01 bác sĩ, 01 điều dưỡng.
Phương tiện:
- Máy nội soi bàng quang cứng (kim loại) hoặc mềm(sợi).
- Bộ cáp quang dẫn truyền hình ảnh và màn hình video.
- Nguồn ánh sáng lạnh.
- Nguồn nước vô trùng và hệ thống dẫn nước vào máy.
- Dụng cụ gắp sỏi, gắp dị vật bàng quang: Dùng kẹp hoặc dùng rọ dormia: 01 bộ.
- Găng vô trùng: 02 đôi-Giường kiểu khám Phụ khoa có thể điều chỉnh lên xuống tự động.
- Cồn betadin sát trùng: 01 lọ
- Gạc vô khuẩn: 02 gói
- Kẹp vô trùng: 01 cái
- Quần áo mổ: 02 bộ
- Mũ, khẩu trang: 02 bộ
- Thuốc giảm đau (Feldene, mobic...), Gây tê tại chỗ (Xylocain).
Người bệnh : Cần được giải thích kỹ trước khi làm thủ thuật, tiêm thuốc giảm đau trước khi tiến hành thủ thuật (Feldene, mobic..) và cần được Gây tê tại chỗ bằng xylocain (thường dùng loại gel) bơm qua đường niệu đạo.
3. Các bước tiến hành nội soi gắp dị vật bàng quang
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ
Bước 2: Kiểm tra người bệnh
Bước 3: Thực hiện kỹ thuật
- Giảm đau cho người bệnh: tiêm thuốc giảm đau trước khi tiến hành thủ thuật (Feldene, mobic..), gây tê tại chỗ bằng xylocain (thường dùng loại gel) bơm qua đường niệu đạo.
- Tư thế người bệnh nằm theo tư thế sản khoa.
- Soi kiểm tra: đặt máy soi bàng quang, cho nước vào bàng quang kiểm tra tình trạng bàng quang, xác định vị trí, kích thước của sỏi, dị vật trong bàng quang.
- Đưa kẹp để gắp sỏi hoặc luồn sỏi vào rọ dormia kéo ra ngoài.
- Đối với sỏi quá to nhiều khi phải phá vỡ nhỏ sỏi ra bằng sóng xung động siêu âm hoặc laser rồi lấy sỏi.
4. Tai biến và cách xử trí
- Thủng bàng quang: Rất ít xảy ra, xử trí ngoại khoa.
- Chảy máu: Theo dõi, dùng thuốc cầm máu, truyền máu trong trường hợp mất quá nhiều máu.
- Nhiễm khuẩn: Do có nhiễm khuẩn cũ hoặc nhiễm khuẩn do làm thủ tục kéo dài và không vô khuẩn tuyệt đối. Điều trị kháng sinh và theo dõi.
5. Phòng ngừa sỏi bàng quang
5.1 Uống nhiều nước
Nên uống từ 8 – 12 ly nước để đảm bảo lượng nước tiểu tối thiểu được thải ra ngoài khoảng 1.5 lít/ngày. Người bệnh có thể thay nước lọc bằng các loại nước trái cây như cam, chanh, việt quất...
5.2 Ăn nhạt hơn
Lượng muối tối đa mỗi ngày không quá 2,3g, bởi ăn nhiều muối có thể làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu gây hình thành sỏi.
5.3 Cân bằng thực phẩm chứa canxi và oxalat
Kiêng khem quá mức các thực phẩm chứa canxi không phải ý tưởng hay, người bệnh nên bổ sung từ 800 đến 1200 mg canxi mỗi ngày thông qua một số loại thực phẩm như: tôm, cua, cá, hải sản,... Đồng thời, cân bằng với thực phẩm giàu oxalat như khoai tây, khoai lang, cà phê, rau chân vịt... Việc bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi giúp cơ thể giảm hấp thu các chất có thể hình thành nên sỏi bàng quang.
5.4 Hạn chế tối đa nguồn đạm động vật
Hạn chế tối đa nguồn đạm động vật bởi chúng gây tăng nguy cơ sỏi urat. Người bệnh không nên ăn quá 150g/ngày, cần cắt giảm thịt lợn, thịt bò, nội tạng động vật,... trong khẩu phần ăn.
Ngoài ra, cần tránh ngồi lâu ở một chỗ, nhịn tiểu, người bệnh nên tăng cường vận động hằng ngày và kiểm soát cân nặng hợp lý.
Sỏi bàng quang nếu không sớm điều trị có thể gây nhiều biến chứng khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, hiểu rõ sỏi bàng quang là gì để sớm phát hiện và có hướng can thiệp thời là rất quan trọng để phòng tránh những biến chứng về sau.