Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su

10/06/2021
Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su

Giãn tĩnh mạch thực quản là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân xơ gan. Đây là một chứng bệnh khá nguy hiểm vì nguy cơ chảy máu cao. Nội soi thắt tĩnh mạch thực quản ra đời sau tiêm xơ và hiện được ưa chuộng hơn.

1. Thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su qua Nội soi là gì?

Thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su là phương pháp qua đường nội soi dạ dày dùng vòng cao su thắt các búi tĩnh mạch giãn to, làm cho máu không còn lưu thông trong tĩnh mạch vỡ và ngừng lại, dẫn đến hình thành huyết khối và xơ hóa thành tĩnh mạch. Mục đích là ngăn chặn chảy máu từ các tĩnh mạch thực quản bị giãn trong bệnh xơ gan. Kỹ thuật được thực hiện thông qua nội soi can thiệp thực quản - dạ dày.

2. Chỉ định thắt búi Giãn tĩnh mạch thực quản qua nội soi

  • Thắt để cấp cứu khi đang chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản.
  • Người bệnh Giãn tĩnh mạch thực quản trong tiền sử có chảy máu, dự phòng vỡ Giãn tĩnh mạch thực quản tái phát (ở người bệnh đã chảy máu và thất bại điều trị bằng beta -bloquants hoặc không dùng được beta - bloquants do có những chống chỉ định).
  • Người bệnh có giãn to tĩnh mạch thực quản, có nguy cơ vỡ.

3. Chống chỉ định thắt búi Giãn tĩnh mạch thực quản qua nội soi Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su - ảnh 1

Thủ thuật chống chỉ định với bệnh nhân rối loạn đông máu hay Giảm tiểu cầu nặng
  • Trụy tim mạch, suy hô hấp.
  • Thủng ruột, thủng rò thực quản, viêm phúc mạc.
  • Chấn thương đốt sống cổ.
  • Không có sự đồng thuận của cha mẹ hoặc người bảo hộ hợp pháp
  • Giãn tĩnh mạch thực quản chưa chảy máu.

Chống chỉ định tương đối:

  • Mới phẫu thuật đường tiêu hóa 1 tháng, tắc ruột.
  • Bệnh rối loạn đông máu, Giảm tiểu cầu nặng.

4. Chuẩn bị trước khi thắt tĩnh mạch thực quản qua nội soi

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ tình trạng về các bệnh lý tim mạch, huyết học hoặc đang sử dụng các thuốc chống đông máu, tình trạng Dị ứng (nếu có).

Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 - 8 giờ trước khi tiến hành thủ thuật.

Bệnh nhân được gây mê toàn thân khi thực hiện thủ thuật.

5. Quy trình thực hiện thắt tĩnh mạch thực quản qua nội soi

Gây mê nội khí quản (đề phòng hội chứng hít). Thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên để phân loại mức độ giãn tĩnh mạch thực quản, tìm các dấu hiệu vỡ của tĩnh mạch và tổn thương phối hợp gây chảy máu.

Bác sĩ đưa 1 ống nội soi qua miệng bệnh nhân vào tới thực quản. Một dụng cụ mang các vòng thắt cao su được đưa vào để thắt các búi tĩnh mạch giãn dự phòng chảy máu. Đặt đầu máy soi đã được gắn với súng bắn vào sát búi tĩnh mạch. Hút từ từ búi tĩnh mạch chui vào trong vòng nhựa, bắn vòng cao su ra thắt búi tĩnh mạch, sau đó tìm búi tĩnh mạch cần thắt khác.

Việc thắt tĩnh mạch thực quản được kiểm tra lại sau 2 tuần để đánh giá hiệu quả, nếu các bũi tĩnh mạch còn giãn, có nguy cơ chảy máu, bệnh nhân sẽ được thắt tiếp.

6. Các biến chứng có thể gặp phải khi nội soi can thiệp

Một số biến chứng có thể gặp trong và sau thắt tĩnh mạch thực quản bao gồm: đau ngực, nuốt đau, buồn nôn và nôn, chảy máu (nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen), nhiễm trùng tại nơi thắt.

Do tác dụng của thuốc gây mê nên bệnh nhân không vận hành máy móc, lái xe ít nhất 24 giờ sau can thiệp nội soi thắt tĩnh mạch thực quản. Sau khi thắt người bệnh nằm theo dõi trong 24 giờ, ăn thức ăn lỏng, mềm trong 24 giờ.

7. Xử trí tai biến Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su - ảnh 2

Tình trạng Sốt sau nội soi có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh
  • Chảy máu tại búi thắt: truyền máu kết hợp dùng thuốc.
  • Đau sau xương ức, khó nuốt: ăn lỏng, dùng thuốc giảm đau.
  • Loét thực quản: dùng thuốc giảm tiết axit.
  • Sốt: dùng kháng sinh.