1. Nước muối sinh lý là gì?
Nước muối sinh lý có tên hóa học là Natri clorid 0,9%. Trong Dung dịch nước muối sinh lý, có chứa 0,9% nồng độ NaCl và 1 lít nước. Đây là dung dịch đẳng trương có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể người.
Nước muối sinh lý đem lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, tuy nhiên đây không phải là thuốc chữa bệnh. Có thể dùng nước muối sinh lý cho mọi lứa tuổi, kể cả em bé sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Nước muối được chia làm 2 dạng:
- Dạng 1: nước muối sinh lý được dùng làm thuốc dùng trong – tức là thuốc tiêm truyền tĩnh mạch đưa vào cơ thể hay còn gọi là nước biển. Nước muối sinh lý dùng trong tiêm truyền được bào chế trong điều kiện vô trùng hết sức nghiêm ngặt, tiêm nhỏ giọt vào tĩnh mạch với khối lượng lớn.
- Dạng 2: nước muối sinh lý được dùng để làm thuốc dùng ngoài như: thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, nhỏ tai và làm dung dịch để rửa vết thương, súc miệng, họng...
2. Nước muối sinh lý có sát khuẩn không?
Làm sạch vết thương là tác dụng được biết đến nhiều nhất của nước muối sinh lý. Với nồng độ muối thấp, ít gây xót như một số dung dịch sát khuẩn khác, nên nếu trong trường hợp bạn bị chảy máu, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý dội lên Vết thương hở để rửa sạch bụi bẩn, vết máu... rồi thực hiện các bước sơ cứu tiếp theo.
Trên thực tế, nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) được sử dụng để làm sạch vết thương, loại bỏ chất bẩn chứ không có tác dụng sát khuẩn. Bác sĩ sẽ cho dùng dung dịch sát khuẩn kèm theo nếu muốn thực hiện sát khuẩn, hoặc có khi không cho dùng kèm theo nếu không cần thiết.
3. Tác dụng của nước muối sinh lý
Dưới đây là một số tác dụng của nước muối sinh lý, bao gồm:
Dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt: dùng nước muối sinh lý hàng ngày, sáng và tối để nhỏ mắt, giúp làm trôi các bụi bẩn, mầm bệnh, nhằm ngăn ngừa lây lan bệnh đau mắt đỏ... Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý có tác dụng giúp mắt đỡ bị khô và rát do dùng máy tính, xem tivi nhiều, dùng điện thoại hay mắt phải hoạt động trong một thời gian dài. Bạn nên dùng nước muối dành riêng cho mắt khi sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, có vẽ biểu tượng con Mắt trên nhãn chai nước muối. Không sử dụng nước muối sinh lý súc miệng để nhỏ mắt.
Dùng nước muối sinh lý để nhỏ vào tai: bạn chỉ cần nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý để làm mềm ráy tai trước khi loại bỏ ráy tai do ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Với cách làm này, ráy tai được loại bỏ dễ dàng và sạch sẽ hơn rất nhiều. Trong trường hợp tai không quá bẩn hay ngứa, bạn chỉ cần nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý, chờ 1-2 phút rồi dốc ngược nước muối sinh lý ra ngoài cũng có tác dụng làm sạch tai vô cùng hữu hiệu, có thể giúp tai đỡ bị ù giảm thính lực.
Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và họng: Bạn có thể làm sạch mũi và họng theo một cách vô cùng đơn giản là súc rửa bằng nước muối sinh lý, trước khi quyết định dùng các loại thuốc. Nước muối sinh lý giúp làm sạch lớp vảy cứng đóng trong niêm mạc mũi, rửa trôi dịch nhầy có trong mũi và họng cũng như các loại bụi bẩn, phấn hoa khác bám vào.
Sử dụng nước muối sinh lý súc miệng hàng ngày giúp bạn vệ sinh răng miệng, vòm họng, sát khuẩn, hạn chế sự sinh sôi của các vi khuẩn có hại trong khoang miệng, giảm viêm họng.
Nước muối sinh lý cũng có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ mũi khỏi bị viêm. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng dùng hàng ngày, chỉ nên dùng khi mũi có dấu hiệu tắc nghẹt, sụt sịt, nước mũi chảy nhiều, mũi có mủ xanh. Sử dụng nước muối sinh lý giúp nước mũi, mủ không bị chảy vào họng, phế quản gây viêm nhiễm.
Dùng nước muối sinh lý để súc miệng: súc miệng bằng nước muối sinh lý có thể giúp bạn tạo môi trường khoang miệng sạch sẽ, nhanh khỏi bệnh hơn rất nhiều, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Bên cạnh tác dụng bảo vệ hệ Hô hấp của chúng ta, tác dụng của nước muối sinh lý còn là một trong những giải pháp để trị mụn và tẩy tế bào chết nữa cơ.
Làm sạch vết thương: Đây là tác dụng được nhiều người biết đến của nước muối sinh lý. Dùng nước muối sinh lý để rửa trôi vi khuẩn, vết bụi bẩn...ở những vết thương hở. Nước muối sinh lý không có tác dụng sát khuẩn.
Giải độc cho cơ thể: Hoàn toàn có thể uống được nước muối sinh lý bởi nó có độ mặn ít. Trong trường hợp bạn bị Mất nước nhiều do tiêu chảy, do đổ mồ hôi nhiều, Ngộ độc thực phẩm nhẹ, sử dụng nước muối sinh lý giúp giải độc cấp tốc cho cơ thể bằng cách uống hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch.
Tuy nhiên, khi dùng để tiêm truyền, phải chọn cẩn thận đúng loại nước muối sinh lý dùng cho tiêm truyền chứ không phải là bất cứ loại nước muối sinh lý nào cũng có thể dùng được..
Tác dụng của nước muối sinh lý đối với da mụn, tế bào chết
Do khả năng kiềm dầu và tẩy tế bào chết, rửa mặt bằng nước muối sinh lý là một phương pháp trị mụn cực kỳ đơn giản và có thể thực hiện tại nhà. Nguyên nhân hàng đầu gây ra mụn là do dầu nhờn. Bụi bẩn, bã nhờn sẽ được làm sạch, khi dùng nước muối sinh lý để rửa mặt. Mụn không thể phát triển được khi bạn có một làn da sạch sẽ, lỗ chân lông thông thoáng.
Tẩy tế bào da chết bằng nước muối sinh lý là sử dụng nước muối sinh lý trong khi tắm, mát xa nhẹ nhàng lên vùng cơ thể cần tẩy tế bào da chết, đây là cách đơn giản để loại bỏ tế bào da chết. Da bạn trở nên tươi sáng và mịn màng hơn bởi thành phần muối trong dung dịch sẽ kích thích máu lưu thông.
Sử dụng làm dịch tiêm truyền
Yêu cầu sử dụng nước muối sinh lý làm dịch tiêm truyền vào cơ thể rất khắt khe. Do đó, không phải bất kỳ loại nước muối sinh lý nào cũng được dùng để tiêm truyền tĩnh mạch. Bên cạnh đó, Khi thực hiện tiêm truyền bằng nước muối sinh lý cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
4. Lưu ý khi sử dụng nước muối sinh lý
- Không nên tự ý pha chế Dung dịch nước muối để rửa mắt bằng cách sử dụng muối ăn với nước. Bởi nếu bạn sử dụng nguồn nước không đảm bảo có thể gây hại cho mắt.
- Sử dụng nước muối sinh lý có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời gian sử dụng, đặc biệt là công dụng của nó.
- Với loại da khô, không nên dùng nước muối sinh lý để rửa mặt
- Nước muối sinh lý không có tác dụng sát khuẩn, chỉ có tác dụng làm sạch vết thương, vì vậy nếu muốn sát khuẩn vết thương bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được chỉ định loại dung dịch phù hợp. Đôi khi, vết thương nhẹ không cần dùng thêm chất sát khuẩn. Nhờ sức đề kháng của cơ thể, vết thương sau khi được rửa sạch cũng có thể tự khỏi.
- Không dùng nước muối sinh lý rửa vết thương để nhỏ mắt, mũi, tai, họng và ngược lại.
Nguồn: Healthline.com