Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 2

26/05/2021
Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 2

Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường do hệ miễn dịch của bạn đáp ứng quá mức với thuốc hoặc các thành phần tá dược trong thuốc. Tất cả các thuốc đều có nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng bao gồm thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc và vacxin. Tuy nhiên, có một vài loại thuốc thường hay gây ra phản ứng dị ứng hơn đó là kháng sinh, các thuốc giảm viêm chống đau, thuộc nhóm gây tê-gây mê và nhóm thuốc cản quang dùng trong chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ).

1. Các thuốc nào hay gây ra phản ứng dị ứng?

Biết được những thuốc hay gây ra phản ứng dị ứng, đặc biệt là các phản ứng dị ứng nặng để chúng ta có những thận trọng khi dùng. Tốt nhất nên được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nếu chúng ta có nghi ngờ và nguy cơ cao có phản ứng dị ứng với thuốc và uống những thuốc có nguy cơ cao. Các thuốc hay gây Dị ứng bao gồm:

  • Kháng sinh nói chung, đặc biệt nhóm betalactam (penicillin, amoxicillin, cephalosporin...)
  • Các thuốc giảm đau, chống viêm như aspirin, ibuprofen, voltaren...các thuốc giảm đau có opiate (morphin)...
  • Các hóa chất điều trị ung thư
  • Các thuốc cản quang, Gây tê - gây mê
Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 2 - ảnh 1
Một số loại kháng sinh thuộc nhóm betalactam thường gây ra phản ứng dị ứng

2. Bạn sẽ được làm gì nếu đi khám bác sĩ chuyên khoa?

  • Nếu như bạn có tiền sử dị ứng thuốc, mà bạn cần uống thuốc;
  • Nếu bạn đang uống thuốc mà xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ bị Dị ứng thuốc thì bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng để được chẩn đoán, điều trị nếu cần và tư vấn dự phòng Dị ứng thuốc hiệu quả.

2.1 Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử dụng thuốc và các dấu hiệu liên quan để có định hướng chẩn đoán

  • Bạn đã gặp phải vấn đề gì liên quan đến thuốc?
  • Dấu hiệu bất thường xuất hiện khi nào? Sau bao lâu dùng thuốc?
  • Triệu chứng kéo dài bao lâu?
  • Bạn có uống thuốc gì mới không?
  • Bạn đã dùng thuốc khi có bất thường sau dùng thuốc không?
  • Bạn đã uống thuốc gì để điều trị chưa? Thuốc có làm giảm triệu chứng không?
  • Trước đây đã bao giờ bạn có những biểu hiện tương tự sau khi dùng thuốc không?
  • Bạn có tiền sử mắc bệnh dị ứng gì không? Viêm mũi dị ứng? Hen phế quản? Viêm da atopy?
  • Gia đình bạn có ai bị bệnh dị ứng hay không?
  • Nếu bạn có chụp lại ảnh tổn thương da thì có thể là một tư liệu rất hữu ích cho bác sĩ có thêm thông tin để định hướng đến chẩn đoán.

Sau khi hỏi bệnh xong, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám để đánh giá các tổn thương do dị ứng thuốc gây ra cho bạn nếu có.

Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 2 - ảnh 2
Người bệnh cần thông báo với bác sĩ những triệu trứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc

2.2 Bác sĩ sẽ thực hiện một số Xét nghiệm để chẩn đoán

Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân là cực kỳ quan trọng. Rất nhiều trường hợp gặp phải là tình trạng chẩn đoán dị ứng thuốc quá mức làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị và gia tăng chi phí y tế. Để chẩn đoán nguyên nhân gây dị ứng thuốc, bác sĩ có thể cho bạn làm một số xét nghiệm để chẩn đoán.

Kết thúc quá trình này, bác sĩ có thể kết luận cho bạn là bạn bị dị ứng thuốc hay không? Dị ứng thuốc gì?

Xét nghiệm trên da:

  • Để kiểm tra xem bạn có dị ứng với một thuốc nghi ngờ nào đó, bác sĩ chuyên khoa Dị ứng-MDLS hoặc điều dưỡng được đào tạo sẽ nhỏ lên da bạn một lượng nhỏ thuốc (đã được pha loãng theo một nồng độ nhất định) rối dùng kim nhỏ chuyên dụng lẩy trên đó (lẩy da). Mục đích để thuốc ngấm vào da. Nếu cơ thể có kháng thể chống lại thuốc thì sẽ có một phản ứng tại chỗ xảy ra, hậu quả là một sẩn phù, kèm theo ngứa, có thể bao gồm một quầng đỏ xung quanh. Kết quả này được đọc là “dương tính” và gợi ý là bạn có thể dị ứng với thuốc đó. Về mặt nguyên tắc, xét nghiệm này là tìm kháng thể IgE trong các lớp da của bạn.
  • Nếu trường hợp lẩy da mà âm tính thì bước tiếp theo bác sĩ hoặc điều dưỡng chuyên khoa có thể tiêm một lượng rất nhỏ thuốc cần thử vào sâu hơn bên trong da của bạn. Mục đích của việc này là để thuốc có thể tiếp xúc được với kháng thể IgE ở sâu hơn trong da vì ở đây có thể có nhiều hơn trên bề mặt da. Do đó, xét nghiệm trong da này thường cho kết quả dương tính cao hơn so với xét nghiệm lẩy da tuy nhiên có thể gặp do thuốc gây kích ứng do tiêm vào sâu.
Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 2 - ảnh 3
Xét nghiệm trên da
  • Đối với nhóm thuốc gây ra phản ứng chậm sau vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần, thì bác sĩ có thể áp dụng test áp da. Test áp da được thực hiện bằng cách trộn thuốc với vaseline hoặc cồn rồi áp lên trên da. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu vị trí da tiếp xúc với thuốc có bị đỏ lên không, có nổi Mụn nước hay không? Nếu có thì xét nghiệm cho kết quả dương tính và có thể bạn dị ứng với thuốc đã được thử.
  • Nếu kết quả xét nghiệm trên da được bác sĩ kết luận là âm tính thì bạn có thể dùng được thuốc đã thử. Tuy nhiên xét nghiệm này không loại trừ hoàn toàn nguy cơ dị ứng của bạn vì điều này còn phụ thuộc vào bạn thử thuốc gì? Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cụ thể và đầy đủ cho các bạn.
Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 2 - ảnh 4
Trước và Sau 15 phút (Dương tính với amoxicillin)

Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm máu được xét nghiệm để giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như các phản ứng dị ứng thuốc như trong trường hợp ban da do virus, ban da do nhiễm vi khuẩn.

Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp bác sĩ tìm kháng thể IgE đặc hiệu trong máu của bạn với một số loại thuốc kháng sinh. Trong trường hợp sốc phản vệ, xét nghiệm máu còn giúp tìm các hóa chất được giải phóng ra. Đặc biệt Xét nghiệm máu còn được bác sĩ cho bạn kiểm tra trong trường hợp bạn không thể làm được các xét nghiệm trên da.

Test kích thích

Trong vài trường hợp mà xét nghiệm trên da và xét nghiệm máu không thể kết luận được bạn có bị dị ứng hay không và nguyên nhân là gì thì bác sĩ có thể cho bạn uống lại hoặc tiêm lại thuốc nghi ngờ gây ra phản ứng. Đây là tiêu chuẩn vàng để kết luận cho bạn. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ được chỉ định nếu trước đó bạn có triệu chứng không rõ ràng hoặc những biểu hiện nhẹ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để quyết định có thực hiện cho bạn hay không sau khi đã giải thích đầy đủ các thông tin cho bạn và được bạn đồng ý.

2.3 Bác sĩ sẽ điều trị cho bạn như thế nào?

Sau khi thăm khám kĩ càng từ hỏi bệnh, khám lâm sàng phát hiện các triệu chứng, làm các xét nghiệm để chẩn đoán cho bạn, bước tiếp theo bác sĩ có thể phải điều trị cho bạn.

  • Ngừng thuốc: Tùy thuộc vào các biểu hiện khác nhau mà bác sĩ có thể có các điều trị khác nhau. Tuy nhiên việc ngừng ngay thuốc nghi ngờ là biện pháp có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp.
  • Kháng histamine: bác sĩ có thể cho bạn thuốc kháng histamine vì thuốc này có tác dụng đối kháng lại histamine là một chất hóa học được giải phóng ra trong phản ứng dị ứng, theo đó có thể làm giảm phù nề, giãn mạch và giảm ngứa.
  • Corticosteroid: trong một số trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể điều trị cho bạn bằng các thuốc corticoid để giảm phản ứng dị ứng và chống viêm. Có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống.
Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 2 - ảnh 5
Thuốc tiêm sẽ được bác sĩ điều trị chỉ định dựa trên tình trạng phản ứng dị ứng của người bệnh

Trường hợp bạn bị Sốc phản vệ thì chắc chắn bạn phải được điều trị nhanh nhất có thể tại khoa cấp cứu và sau đó nếu ổn định có thể chuyển điều trị nội trú tại bệnh viện trong vòng ít nhất 24h để tránh nguy cơ tái phát triệu chứng. Trong sốc phản vệ, các bác sĩ sẽ phải dùng adrenalin, dịch truyền, corticoid và kháng histamine và thở oxy nếu cần.

Giảm mẫn cảm nhanh

Trong một số trường hợp đặc biệt, mặc dù bạn được chẩn đoán rõ ràng là bị dị ứng thuốc nào đó. Nhưng do tình trạng bệnh tình của bạn bắt buộc phải điều trị duy nhất với thuốc đó thì bác sĩ chuyên khoa phải làm giảm mẫn cảm cho bạn. Giảm mẫn cảm là một liệu pháp điều trị đặc biệt và rất chuyên khoa do đó chỉ được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và cơ sở điều trị chuyên khoa có sự hỗ trợ tốt của cấp cứu.

3. Dự phòng dị ứng thuốc

Nếu bạn được chẩn đoán là dị ứng với thuốc nào đó thì cách tốt nhất là tránh dùng lại thuốc đó. Nếu bạn phải điều trị một bệnh nào đó thì cần phải được đánh giá và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Các bước có thể như sau:

  • Bạn sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc bạn dị ứng trong bệnh án. Tại Vinmec, bạn được cấp thẻ ghi nhận dị ứng thuốc. Theo đó bạn có thể thông tin đến các bác sĩ điều trị cho bạn để tránh sử dụng lại thuốc đó hoặc các thuốc có thể gây ra tình trạng dị ứng chéo.
  • Đối với cá nhân bạn, không nên dùng thuốc bừa bãi, cần phải dùng thuốc theo đơn. Tốt nhất nên được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org