1. Polyp dạ dày là gì?
Dạ dày là cơ quan nhận thức ăn sau quá trình nhai và nuốt. Dạ dày chứa nhiều axit, nhằm tiêu diệt vi khuẩn trong thức ăn nuốt vào cũng như phân cắt thức ăn thành từng mảnh nhỏ hơn, hỗ trợ tiêu hóa. Lớp trong cùng của dạ dày có một lớp tế bào gọi là biểu mô. Hầu hết các polyp dạ dày là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào trên bề mặt biểu mô.
Nói cách khác, polyp dạ dày là những khối tăng trưởng bất thường xảy ra ở trên lớp lót bên trong thành dạ dày. Những sang thương này là hoàn toàn vô hại và không gây ra bất kỳ triệu chứng gì mà chỉ tình cờ phát hiện trong quá trình Nội soi đường tiêu hóa trên vì một bệnh lý khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có thể là những tổn thương tiềm ẩn của ung thư, nhất là trên các đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ.
2. Ai có thể có polyp dạ dày và nguyên nhân gây ra polyp dạ dày là gì?
Polyp dạ dày có thể gặp phải đồng đều ở nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chúng có khuynh hướng trở nên phổ biến hơn ở người già và đặc biệt ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi. Trong khi đó, một số loại polyp nhất định, chẳng hạn như polyp tuyến thường được tìm thấy ở phụ nữ trung niên.
Về nguyên nhân gây ra polyp dạ dày, có thể có nhiều lý do khác nhau. Theo đó, bất cứ yếu tố gì làm cho các tế bào dạ dày trở nên phát triển bất thường đều có thể dẫn đến hình thành polyp. Một số nguyên nhân gây ra polyp dạ dày đã ghi nhận nhiều bằng chứng ủng hộ, bao gồm:
- Tình trạng Viêm dạ dày mãn tính
- Nhiễm H. pylori
- Thiếu máu ác tính
- Tổn thương niêm mạc dạ dày kéo dài, chẳng hạn như do loét
- Sử dụng thuốc ức chế bơm proton kéo dài, như omeprazole
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò hình thành polyp. Một người có thể có nguy cơ mắc polyp dạ dày cao hơn nếu trong gia đình đã có người từng mắc. Đồng thời, khả năng mắc bệnh cũng tăng nếu có các bệnh lý di truyền trên đường tiêu hóa khác.
3. Các triệu chứng của polyp dạ dày là gì?
Hầu hết các polyp dạ dày là không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thông thường, một người biết đến sự hiện diện của polyp dạ dày sau khi đi nội soi đường tiêu hóa vì một bệnh lý khác. Trong đó, bác sĩ sử dụng một ống nhỏ, có gắn nguồn sáng và máy thu hình, đưa vào miệng, nhằm quan sát toàn bộ niêm mạc của đường tiêu hóa trên, từ thực quản, qua dạ dày đến đoạn đầu của ruột non.
Tuy vậy, tỷ lệ gặp phải triệu chứng còn phụ thuộc vào loại polyp mắc phải và polyp có kích thước lớn hơn thì có thể dễ gây ra các triệu chứng hơn, mặc dù các triệu chứng này thường không đặc hiệu:
- Đau bụng
- Buồn nôn, nôn ói
- Thiếu máu mạn
- Các triệu chứng do tắc nghẽn dạ dày, chẳng hạn như sụt cân hoặc nôn ói dữ dội
- Hội chứng tiền ung khi polyp dạ dày trở thành ung thư thực sự
4. Cách chẩn đoán và điều trị polyp dạ dày
Polyp dạ dày thường ít khi là chẩn đoán được nghĩ đến hàng đầu. Chúng chỉ được tìm thấy trong khi nội soi do một vấn đề nào khác tại dạ dày. Với một ống nhỏ linh hoạt, có gắn nguồn sáng và máy thu hình, đưa vào miệng người bệnh, bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ niêm mạc của đường tiêu hóa trên, từ thực quản, qua dạ dày đến đoạn đầu của ruột non và phát hiện ra các polyp dạ dày.
Mặc dù đại đa số các polyp dạ dày, hơn 90%, là không dẫn đến ung thư, một số loại polyp nhất định cần kiểm tra thêm để đảm bảo không có tế bào tiền ung hay có nguy cơ cao chuyển dạng ác tính thực sự. Lúc này, bác sĩ sẽ kết hợp lấy mẫu mô nhỏ để sinh thiết bằng dụng cụ được thực hiện trong khi nội soi. Những mô này sau đó được xử lý, nhuộm màu và kiểm tra trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư.
Về việc điều trị, nếu chỉ là một sang thương đơn độc, kích thước nhỏ, polyp dạ dày có thể được loại bỏ ngay trong lúc nội soi. Nếu các polyp có số lượng nhiều, kích thước lớn hoặc hình dạng đại thể khác biệt, chẩn đoán ung thư khó loại trừ, việc loại bỏ trong khi nội soi là khó thực hiện, bác sĩ sẽ xem xét đến chỉ định phẫu thuật.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần các điều trị nội khoa khác để nâng đỡ đường tiêu hóa như thuốc chống axit, hạn chế viêm loét mạn tính tại niêm mạc dạ dày. Đồng thời, sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori trong dạ dày cũng có thể làm tăng nguy cơ tiến triển của polyp dạ dày và phác đồ diệt trừ H. pylori hoạt động là cần thiết.
5. Theo dõi tiếp tục polyp dạ dày như thế nào?
Tùy thuộc vào kết quả loại polyp dạ dày ghi nhận được qua giải phẫu bệnh, bác sĩ có thể đề nghị các lần nội soi khác trong vòng một năm để tìm kiếm sự xuất hiện của bất kỳ polyp mới nào. Đối với những bệnh nhân đã bị polyp chuyển dạng ung thư, việc nội soi theo dõi nên diễn ra mỗi sáu tháng một lần trong ba năm đầu.
Nếu bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân cần nội soi thường xuyên hơn, cứ sau 1-2 năm.
Đối với những bệnh nhân dưới 40 tuổi nhưng có nhiều polyp, bác sĩ cũng có thể đề nghị thêm thủ thuật nội soi đường tiêu hóa dưới nhằm khảo sát phần còn lại của ống tiêu hóa là đại tràng, trực tràng.
Trong trường hợp nghi ngờ các chất ức chế bơm proton là nguyên nhân gây ra polyp dạ dày, người bệnh cần được bác sĩ chỉ định thay thế với các thuốc kháng tiết axit khác. Ngoài ra, xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đúng cữ, hạn chế chất kích thích cũng là điều nên làm, vừa giữ sức khỏe đường tiêu hóa và sức khỏe tổng quát nói chung.
Tóm lại, polyp dạ dày là những khối tăng trưởng bất thường tại lớp niêm mạc trong thành dạ dày. Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày hiện vẫn chưa rõ, mặc dù không gây ra triệu chứng gì nhưng một số trường hợp có thể tiến triển đến ung thư. Do đó, việc thăm khám định kỳ và tầm soát, nhất là các đối tượng từ tuổi trung niên hay có nguy cơ cao, là cần thiết để điều trị sớm và cải thiện dự hậu về lâu dài.