1. Chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao là gì?
Chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao là kỹ thuật sử dụng tia X chiếu vào vùng phổi theo các lát cắt để thu được hình ảnh nhu mô phổi với độ phân giải cao, giúp chẩn đoán bệnh lý phế quản và phổi kẽ.
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao là phương pháp Chẩn đoán hình ảnh an toàn, không xâm lấn, nhưng lại cho kết quả có độ chính xác cao. Có thể chẩn đoán các bệnh lý nguy hiểm như: Viêm phổi, ung thư phổi, xác định tình trạng ung thư các cơ quan khác di căn tới phổi.
2. Chỉ định, chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao
2.1 Chỉ định của chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao
● Mục đích tìm các tổn thương phế quản như: Tình trạng giãn phế quản, giãn phế nang, bụi phổi...
● Xác định bệnh phổi kẽ.
2.2 Chống chỉ định
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao không tiêm thước đối quang nên không có chống chỉ định tuyệt đối. Chỉ có chống chỉ định tương đối như:
● Phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng Mang thai của mình. Trường hợp phụ nữ nghi ngờ có thai cần làm Xét nghiệm phát hiện tình trạng mang thai trước khi quyết định chụp. Khi chụp cho phụ nữ Mang thai cần mặc áo bằng chị để che chắn, bảo vệ vùng bụng..
● Mắc bệnh hen phế quản; cơ địa Dị ứng thuốc hoặc với các dị nguyên khác; có bệnh lý thận như bệnh thận mạn tính, suy thận...
3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính phổi có độ phân giải cao
3.1 Chuẩn bị
Người thực hiện: Bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
Phương tiện chụp cắt lớp vi tính gồm có:
● Máy chụp cắt lớp vi tính
● Phim, máy in, hệ thống lưu trữ hình ảnh.
Người bệnh
● Người bệnh được giải thích rõ ràng về cách thực hiện thủ thuật để phối hợp với người chụp.
● Cần tháo bỏ vòng cổ, áo ngực nếu có.
● Cần nhịn ăn chất đặc, có thể sử dụng các thức ăn lỏng như uống sữa hoặc nước hoa quả với thể tích không quá 100ml.
● Người bệnh quá kích thích, không nằm yên cần cho thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
3.2 Các bước tiến hành chụp
Bước 1: Đặt người bệnh nằm ngửa, hai tay giơ cao qua đầu, hướng dẫn người bệnh hít vào và nín thở nhiều lần với mức độ giống nhau để có được đúng các lớp cắt liên tiếp cân xứng.
Bước 2: Chụp định vị lấy toàn bộ lồng ngực từ nền cổ đến hết cơ hoành. Chụp các lớp cắt liên tiếp có thể xoắn ốc hoặc không, từ đỉnh phổi đến hết góc sườn hoành, độ dày lớp cắt khoảng 1-2mm, bước chuyển bàn 10 -15mm. Lần lượt thay đổi các cửa sổ để quan sát kỹ những tổn thương phổi.
Bước 3: Sau khi chụp tiến hành in phim hoặc chuyển hình ảnh sang trạm làm việc của bác sĩ để bác sĩ đọc kết quả.
3.3 Nhận định kết quả
● Tiêu chuẩn phìm: Các lớp cắt cân xứng, độ phân giải hình ảnh tốt, phù hợp, có phân biệt được nhu mô phổi, các thành phần của phế nang, phế quản, tổ chức kẽ. Hiển thị được những thay đổi bất thường về tỷ trọng, hình thái phổi, phế quản, phế nang và tổ chức kẽ.
● Bác sĩ đọc tổn thương, mô Tả đầy đủ tổn thương, đưa ra định hướng chẩn đoán và in kết quả chẩn đoán.
● Nếu tổn thương chưa rõ hoặc cần thêm các phương pháp cận lâm sàng khác để chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp chẩn đoán khác.
● Bác sĩ có thể tư vấn thêm chuyên môn về tình trạng bệnh nếu như bệnh nhân có thắc mắc.
4. Những tai biến khi chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao
Phương pháp này không có tai biến nguy hiểm nào xảy ra. Đôi khi có thể xảy ra một số những tai biến với những bệnh nhân có chứng sợ không gian hẹp hoặc đối với trẻ nhỏ.
Trường hợp người bệnh không hợp tác, quá kích thích, sợ hãi hoặc lo lắng quá mức hay trẻ em khóc, cử động gây ảnh hưởng tới hình ảnh thì có thể xử trí bằng cách chụp lúc ngủ, dùng thuốc an thần hoặc một số trường hợp phải gây mê nếu cần.
Chụp cắt lớp vi tính phổi có độ phân giải cao được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý phổi và mô kẽ. Hình ảnh có độ phân giải cao thì khả năng nhận định và chẩn đoán tổn thương càng dễ dàng, để có thể đưa ra được chẩn đoán chính xác cần có máy chụp đạt chất lượng và nhân viên y tế có chuyên môn cao.