1. Uống nhiều rượu có gây ung thư không?
Càng uống ít rượu, nguy cơ mắc bệnh ung thư càng thấp. Khi bạn uống rượu, cơ thể bạn sẽ phân hủy rượu thành một hóa chất gọi là acetaldehyd. Acetaldehyd làm hỏng ADN và ngăn cơ thể bạn sửa chữa tổn thương. ADN là vật liệu di truyền điều khiển sự phát triển và chức năng bình thường của tế bào. Khi ADN bị tổn thương, tế bào có thể bắt đầu mất kiểm soát và tạo ra khối u ung thư.
Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc sáu loại bệnh ung thư miệng và cổ họng, thanh quản, thực quản, đại tràng và trực tràng, gan và vú (ở phụ nữ).
Tất cả các loại đồ uống có cồn, bao gồm rượu vang đỏ và trắng, bia, cocktail và rượu, tất cả đều có liên quan đến ung thư. Càng uống nhiều, nguy cơ ung thư càng cao.
Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ 2015-2020 (The Dietary Guidelines for Americans 2015-2020) khuyên rằng, nếu bạn uống rượu, hãy uống điều độ không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và không quá hai ly mỗi ngày đối với nam giới. Nếu bạn không uống rượu, thì không nên sử dụng kể cả khi rượu có thể có bất kỳ lợi ích sức khỏe nào.
Không được sử dụng rượu trong các trường hợp:
- Chưa đến độ tuổi uống rượu.
- Đang Mang thai hoặc có thể mang thai.
- Có vấn đề về sức khỏe và nếu sử dụng rượu có thể được làm nặng tình trạng bệnh.
- Đang làm việc như lái xe.
- Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng rượu khi uống để điều trị bệnh, kể cả điều trị ung thư.
2. Nguy cơ ung thư phổi hút thuốc lá
Khi nhắc đến thuốc lá, bạn có thể liên tưởng đến hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Điều đó là chính xác khi hút thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá và xì gà) gây ra gần chín trong số 10 trường hợp ung thư phổi, nhưng hút thuốc lá có thể gây ung thư ở hầu hết mọi cơ quan khác trong cơ thể như:
- Bàng quang
- Máu (bệnh Bạch cầu cấp tính dòng tủy)
- Cổ tử cung
- Đại tràng và trực tràng
- Thực quản
- Thận và xương chậu
- Gan
- Phổi, phế quản và khí quản
- Miệng và cổ họng
- Tuyến tụy
- Dạ dày
- Thanh quản
Khói thuốc lá có ít nhất 70 hóa chất gây ung thư, còn được gọi là chất gây ung thư. Mỗi khi bạn hít phải khói thuốc lá, những hóa chất này sẽ xâm nhập vào máu của bạn, mang hóa chất đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Nhiều trong số các hóa chất này có thể làm hỏng ADN, ADN có chức năng điều khiển cách cơ thể bạn tạo ra các tế bào mới và chỉ đạo từng loại tế bào thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Nếu ADN bị tổn thương, có thể làm cho các tế bào phát triển khác với cách bình thường chúng vẫn thực hiện. Những tế bào bất thường này có thể biến thành ung thư.
Tuy nhiên, những người hút thuốc không phải là những người duy nhất có thể bị ung thư do khói thuốc lá. Mọi người xung quanh họ, trẻ em, bạn bè, đồng nghiệp cũng hít phải hơi thuốc lá do người hút thuốc lá tạo ra cũng đều có nguy cơ bị mắc ung thư, đó được gọi là hút thuốc lá thụ động.
Các sản phẩm thuốc lá không khói, chẳng hạn như hít và nhai thuốc lá, cũng có thể gây ung thư, bao gồm cả ung thư thực quản, miệng và cổ họng và tuyến tụy. Hút xì gà gây ung thư phổi và làm tăng nguy cơ ung thư miệng, cổ họng, thanh quản và thực quản.
Thuốc lá điện tử tạo ra sol khí (aerosol) bằng cách đun nóng một chất lỏng thường chứa nicotine, đây là chất gây nghiện trong thuốc lá, xì gà và các sản phẩm thuốc lá khác có hương vị, và các hóa chất khác giúp tạo ra sol khí. Người dùng hít sol khí này vào phổi. Những người xung quanh cũng có thể hít khí này khi người dùng thở ra ngoài không khí. Thuốc lá điện tử không an toàn cho thanh thiếu niên, thanh niên, phụ nữ mang thai hoặc người lớn hiện không sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
3. Virus HPV
Ung thư là căn bệnh mà các tế bào trong cơ thể phát triển ngoài tầm kiểm soát. Ung thư thường được đặt tên theo vị trí cơ thể nơi nó bắt đầu, ngay cả khi nó lan sang các bộ phận cơ thể khác sau đó.
Siêu vi papillon ở người (Human papillomavirus - HPV) là bệnh lây truyền qua đường Tình dục phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Có hơn 40 loại HPV có thể lây nhiễm vào các khu vực sinh dục của nam và nữ, bao gồm da dương vật, âm hộ (khu vực bên ngoài âm đạo) và hậu môn, niêm mạc âm đạo, cổ tử cung và trực tràng. Những loại virus này cũng có thể nhiễm trùng niêm mạc miệng và cổ họng.
Việc phân loại các loại virus ở nhóm nguy cơ thấp (gây ra mụn cóc) hoặc nguy cơ cao (gây ung thư) đều dựa trên việc các loại virus này có khiến người có nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không. Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC (The International Agency for Research on Cancer) của WHO đã phát hiện ra 13 loại HPV có thể gây Ung thư cổ tử cung và một trong những loại này có thể gây ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn và một số bệnh ung thư đầu và cổ (cụ thể là ung thư vòm họng mặt sau của cổ họng, gốc lưỡi và amidan). Các loại vi-rút có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục không giống với các loại có thể gây ung thư.
Hầu hết những người bị nhiễm vi-rút HPV đều không biết bản thân đang bị nhiễm loại virus này. Thông thường, hệ thống miễn dịch cơ thể có thể loại bỏ nhiễm trùng HPV một cách tự nhiên trong vòng hai năm. Điều này đúng với cả loại nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Ở tuổi 50, ít nhất 4 trong số 5 phụ nữ sẽ bị nhiễm vi rút HPV tại một thời điểm trong cuộc đời. HPV cũng rất phổ biến ở nam giới và thường không có triệu chứng.
Khi hệ thống miễn dịch cơ thể không xử lý được tình trạng nhiễm trùng HPV, nó có thể tồn tại theo thời gian và biến các tế bào bình thường thành các tế bào bất thường và sau đó là ung thư. Khoảng 10% phụ nữ bị nhiễm trùng HPV kéo dài khiến họ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Tương tự như vậy, khi HPV tồn tại lâu và lây nhiễm vào các tế bào của âm hộ, âm đạo, dương vật hoặc hậu môn, nó có thể gây ra những thay đổi tế bào được gọi là tiền ung thư. Cuối cùng có thể phát triển thành ung thư nếu chúng không được phát hiện và loại bỏ kịp thời.
4. Tiền sử gia đình
Các thành viên gia đình có thể chia sẻ gen, thói quen và môi trường sống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư. Do đó, khi khám bệnh, bác sĩ thường hỏi rất kỹ thông tin về các bệnh di truyền theo gia đình :
- Bản thân người đến khám
- Bố mẹ và ông bà
- Anh chị em
- Con cái
- Cô, chú và các cháu.
Thông tin thường bao gồm:
- Ai bị ung thư và bị loại ung thư nào?
- Người đó được chẩn đoán ung thư khi bao tuổi?
- Họ vẫn còn sống hay không? Nếu không, mất ở tuổi nào và nguyên nhân tử vong là gì?
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, buồng trứng, tử cung hoặc đại trực tràng, thì bạn có thể có nguy cơ mắc các bệnh ung thư này cao hơn so với người khác. Hãy cho bác sĩ của bạn nếu:
- Những người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) được chẩn đoán trước 50 tuổi bị ung thư buồng trứng, tử cung, vú hoặc ung thư đại trực tràng.
- Hai hoặc nhiều người thân khác (ông bà, cô dì, chú bác, cháu gái hoặc cháu trai) bên mẹ hoặc bố cha bị ung thư buồng trứng, tử cung, vú hoặc ung thư đại trực tràng.
- Có người thân là nam giới bị ung thư vú.
Nói với bác sĩ về tiền sử sức khỏe gia đình là bước đầu tiên để tìm hiểu xem liệu bạn có thể có nguy cơ ung thư cao hơn mặt bằng chung hay không. Biện pháp này rất hữu ích để giúp bác sĩ quyết định những loại xét nghiệm nào mà bạn cần thực hiện, khi nào bắt đầu và tần suất xét nghiệm ra sao. Biết tiền sử sức khỏe gia đình cũng giúp bạn và bác sĩ quyết định xem tư vấn di truyền hoặc Xét nghiệm di truyền có thể phù hợp với bạn hay không.
- Tư vấn và xét nghiệm di truyền là gì?
Nếu tiền sử sức khỏe gia đình cho thấy bạn có thể mang đột biến gen, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến tư vấn di truyền.
Cố vấn di truyền sẽ hỏi bạn về tiền sử sức khỏe của gia đình và giúp bạn quyết định xem xét nghiệm di truyền có phù hợp với bạn hay không. Xét nghiệm di truyền sử dụng nước bọt hoặc máu để xem xét ADN của bạn và kết quả của xét nghiệm này sẽ cho biết, liệu bạn có đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ ung thư hay không.
- Tôi nên làm gì nếu bị đột biến gen?
Có đột biến gen không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ bị ung thư. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm hoặc quản lý nguy cơ ung thư như:
- Các xét nghiệm. Bạn có thể cần bắt đầu kiểm tra sớm hơn và được kiểm tra thường xuyên hơn những người khác.
- Thuốc hoặc phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
- Thực hiện các lối sống lành mạnh như bỏ thuốc lá, không uống rượu, tập thể dục thường xuyên và giữ cân nặng khỏe mạnh.
- Bệnh lý di truyền nào làm tăng nguy cơ bị ung thư
Một số bệnh lý di truyền có thể làm tăng khả năng bị ung thư. Hai bệnh lý phổ biến nhất là hội chứng di truyền ung thư vú - buồng trứng (Hereditary Breast-Ovarian Cancer syndrome - HBOC) và hội chứng Lynch:
- Những người mắc hội chứng HBOC có nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt và Ung thư tuyến tụy cao. Khi mắc các hội chứng này có nghĩa là bạn có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
- Những người mắc hội chứng Lynch có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, tử cung và buồng trứng cao.
Nguồn tham khảo bài viết: cdc.gov