Mục lục:

Siêu âm có thể chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai?

Siêu âm tuyến nước bọt là phương tiện chẩn đoán đầu tay, tuy đơn giản nhưng đem lại hiệu quả chẩn đoán xác định cũng như phân biệt viêm tuyến nước bọt mang tai với các bệnh lý khác.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai là gì?

Hệ thống tuyến nước bọt xung quanh khoang miệng có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể như: giúp tiêu hóa thức ăn và điều tiết môi trường miệng, giúp bài tiết và chống quá trình lên men. Đặc biệt, trong nước bọt có các enzym như lysozyme, bacteriolyzym giúp chống viêm nhiễm do ức chế quá trình phát triển của tụ cầu, Não mô cầu, trực khuẩn Salmonella và các loại vi khuẩn đường ruột khác.

Viêm tuyến nước bọt mang tai là một bệnh lý có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt thường gặp vào mùa đông xuân khi thời tiết thay đổi đột ngột. Viêm tuyến nước bọt mang tai được chia làm hai loại và viêm tuyến cấp và viêm tuyến mạn. Trong Viêm tuyến nước bọt mang tai cấp được chia ra viêm tuyến cấp thanh dịch (còn gọi là quai bị) và viêm tuyến cấp không đặc hiệu. Triệu chứng lâm sàng chung thường gặp của bệnh là vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh, da ở vùng tuyến bị sưng có biểu hiện tấy đỏ, đau. Người bệnh rất đau khi nói và nuốt. Về toàn thân, người bệnh thường sốt, buồn nôn, người mệt mỏi.

Siêu âm có thể chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai? - ảnh 1
Quai bị có thể gây viêm tuyến nước bọt mang tai

Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm tuyến nước bọt mang tai. Một số nguyên nhân thường gặp là:

  • Virus quai bị: quai bị là một bệnh lý gây bởi virus Paramyxoviridae. Đây là một bệnh lý toàn thân nhưng biểu hiện tại chỗ ở tuyến mang tai. Sau khi tiếp xúc với virus quai bị 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn uống kém, sốt, đau họng, đau dưới hàm. Sau đó, tuyến mang tai to dần trong 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể to 1 bên hoặc cả 2 bên. Bệnh quai bị có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm buồng trứng, viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm phổi, viêm đa khớp,...Viêm tuyến nước bọt mang tai do quai bị chiếm 24% tổng số các nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mang tai
  • Các vi khuẩn như Staphylococcus, Streptococcus, Parainfluenza, Coxsackie,....Viêm tuyến nước bọt đơn thuần do vi khuẩn thường xuất hiện sau các bệnh lý Nhiễm trùng răng miệng, Viêm khớp thái dương hàm, viêm tai giữa,... Bệnh thường chỉ gây ra các tổn thương tại tuyến nước bọt và có diễn biến lành tính, đa số tự khỏi, tuy nhiên có một số ít trường hợp chuyển sang viêm mạn tính phì đại tuyến.
  • Do người bệnh Dị ứng với một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, các thuốc hóa trị liệu, thuốc kháng histamin,....

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như: người bệnh mắc các bệnh lý toàn thân gây suy kiệt cơ thể làm ảnh hưởng đến chức năng của tuyến nước bọt, viêm tuyến nước bọt sau phẫu thuật,...

2. siêu âm có thể chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai?

Viêm tuyến nước bọt mang tai là một bệnh lý thường gặp, có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể lây thành dịch. Do đó, phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm để điều trị kịp thời đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Nhiều phương tiện Chẩn đoán hình ảnh có thể dùng để chẩn đoán bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai, trong đó siêu âm tuyến nước bọt là phương tiện chẩn đoán đầu tay, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán xác định cũng như phân biệt viêm tuyến nước bọt mang tai với các bệnh lý khác.

Bác sĩ sẽ siêu âm toàn bộ vùng cổ để phát hiện các tổn thương kết hợp. Về phương tiện, có thể dùng máy siêu âm 2D, 3D-4D. Bệnh nhân khi siêu âm tuyến nước bọt không cần chuẩn bị trước như khi siêu âm Nội soi hay siêu âm ổ bụng. Để thực hiện siêu âm mang tai, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh nằm ngửa cổ, gối đặt dưới vai. Sau đó, bác sĩ bôi gel siêu âm vào đầu dò và dùng đầu dò khảo sát xung quanh vòm họng dọc theo tuyến nước bọt. Siêu âm mang tai là phương pháp rất đơn giản, an toàn, không gây đau đớn hay khó chịu cho bệnh nhân.

Siêu âm có thể chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai? - ảnh 2
Hình ảnh siêu âm có thể chẩn đoán viêm tuyến nước bọt

3. Các hình ảnh thường gặp trong siêu âm tuyến nước bọt

3.1. Hình ảnh siêu âm viêm tuyến nước bọt mang tai cấp tính

Khi viêm tuyến nước bọt cấp tính, hình ảnh siêu âm đó là các tuyến nước bọt thường to lên và giảm âm, cấu trúc giảm âm có thể không đồng nhất, có thể xuất hiện nhiều vùng giảm âm nhỏ hình bầu dục. Hình ảnh các hạch bạch huyết to lên với dòng chảy trung tâm tăng, sự tăng sinh mạch trong nhu mô tuyến.

3.2. Hình ảnh siêu âm viêm tuyến nước bọt mang tai mạn tính

Đặc trưng lâm sàng của viêm tuyến nước bọt mang tai mạn tính là tuyến mang tai sưng nhiều đợt, gây đau nhức. Hình ảnh siêu âm là kích thước các tuyến nước bọt bình thường hoặc nhỏ đi, giảm âm, không đồng nhất, thường không có tăng các dòng chảy của mạch máu trên siêu âm Doppler màu.

Siêu âm có thể chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai? - ảnh 3
Tai sưng đau là dấu hiệu của viêm tuyến nước bọt mang tai mạn tính

3.3. Hình ảnh siêu âm áp-xe tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt mang tai cấp có thể hình thành áp-xe. Áp-xe tuyến nước bọt có biểu hiện sưng đau tuyến nước bọt có đỏ da, tuy nhiên khó phát hiện khi khám lâm sàng. Khi siêu âm, đặc trưng của áp xe tuyến nước bọt là tổn thương giảm âm hoặc trống âm có tăng âm phía sau, các bờ không rõ. Các chấm tăng âm do các bọt khí nhỏ có thể nhìn thấy bên trong ổ áp xe. Dịch hóa trung tâm có thể nhận ra dưới dạng một vùng vô mạch hoặc các mảnh lắng di động. Các ổ áp xe được tổ chức hóa có thể có một quầng tăng âm bao quanh.

Việc phát hiện bệnh và chẩn đoán, điều trị sớm bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Siêu âm chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai là một phương pháp đầu tay, đơn giản và dễ thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để chẩn đoán viêm tuyến nước bọt, góp phần chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung