1. siêu âm ổ bụng là gì?
Siêu âm ổ bụng là phương pháp thăm khám, kiểm tra, đánh giá những tổn thương ở các cơ quan trong ổ bụng như: gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng, u phúc mác và u sau phúc mạc... Siêu âm ổ bụng còn giúp phát hiện các vấn đề về đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm ruột thừa, viêm ruột non, Lồng ruột ở trẻ em, phì đại cơ môn vị.
Đây là một trong những hoạt động kiểm tra sức khỏe mà bạn cần tiến hành định kỳ, giúp phát hiện và tầm soát bệnh lý.
2. Những lưu ý khi siêu âm ổ bụng
2.1. Siêu âm ổ bụng có cần nhịn ăn không?
Trước khi siêu âm ổ bụng, bạn nên nhịn ăn ít nhất 6 - 8 giờ. Nên siêu âm buổi sáng vì thời gian ngủ qua đêm sẽ giúp bữa ăn trước đó tiêu hóa hết, bụng đói sẽ giúp cho kết quả siêu âm được chính xác hơn.
Trước khi siêu âm khoảng 30 - 60 phút bạn nên uống nhiều nước và nhịn tiểu căng. Nhịn tiểu làm căng bàng quang, giúp ích nhiều cho việc quan sát tốt hình ảnh trong tiểu khung như tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt, túi tinh và các u vùng tiểu khung.
Khi siêu âm ổ bụng, bạn sẽ được nằm lên trên giường khám, kéo áo cao lên ngang ngực và kéo quần thấp xuống ngang xương mu.
2.2. Cần siêu âm ổ bụng khi nào?
Siêu âm ổ bụng rất an toàn và không gây hại cho sức khỏe con người. Siêu âm ổ bụng giúp kiểm tra rất nhiều cơ quan bên trong ổ bụng. Đây là một trong những hoạt động thăm khám khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bạn nên siêu âm ổ bụng từ 3 - 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện bệnh và những biểu hiện ban đầu của bệnh (nếu có).
Ngoài ra, bạn nên siêu âm ổ bụng khi thấy các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, sờ hoặc cảm nhận thấy có khối trong ổ bụng...
2.3. Siêu âm ổ bụng là siêu âm những bộ phận nào?
Siêu âm ổ bụng là siêu âm kiểm tra các cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng như: gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tử cung-phần phụ, tuyến tiền liệt... từ đó các hình ảnh thu được phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý như:
- Các bệnh về gan: gan nhiễm mỡ, áp xe gan, viêm gan mãn tính, xơ gan, các loại u gan lành tính và ác tính.
- Các bệnh về đường mật: viêm túi mật, polyp túi mật, sỏi mật, u đường mật, dị dạng đường mật.
- Các bệnh về tuyến tụy: viêm tụy cấp và mạn, các loại u tụy, bất thường tụy bẩm sinh như tụy vòng.
- Bệnh lý lách: lách to, lympho lách, áp xe lách, các u lách.
- Các bệnh ở hệ tiết niệu: sỏi thận, viêm thận, ung thư thận. Viêm bàng quang, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang. Tắc nghẽn đường bài xuất như sỏi niệu quản, chít hiệu niệu quản, u đường bài xuất...
- Các bệnh về tiêu hóa: viêm ruột non, viêm ruột thừa, các khối u, lồng ruột, xoắn ruột.
- Các bệnh về sinh dục nam và nữ: u xơ tử cung, U nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, ứ mủ vòi trứng, viêm tiền liệt tuyến, ung thư tuyến tiền liệt.
- Các bệnh lý sau phúc mạc: u sau phúc mạc, xơ hóa sau phúc mạc.
- Kiểm tra dịch ổ bụng, khoang màng phổi...