Viêm họng là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Viêm họng có thể xảy ra riêng biệt hoặc xuất hiện đồng thời với viêm amidan, viêm VA, viêm mũi, viêm xoang,...
Nguyên nhân gây viêm họng có thể do virus hoặc vi khuẩn:
- Các virus thường gặp là Adenovirus, virus cúm, sởi,...
- Các vi khuẩn thường gặp là liên cầu, phế cầu, tụ cầu vàng,...
Các nguyên nhân khác như khói thuốc lá, bụi bẩn, Dị ứng mạn tính, môi trường sống không trong sạch, nhiệt độ phòng ngủ không phù hợp cũng có thể gây viêm họng, đặc biệt ở trẻ em.
Sốt là một triệu chứng của viêm họng cấp. Sốt viêm họng ở trẻ nhỏ và sốt viêm họng ở người lớn có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Có thể sốt vừa 38-39 độ hoặc có thể sốt cao. Các triệu chứng đi kèm với sốt là cảm giác ớn lạnh, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, mệt mỏi, chán ăn. Họng đau khi nuốt, kể cả nuốt chất lỏng, cảm giác đau nhói lên tai khi nuốt, có thể có Ho từng cơn, viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm sưng đau,... Đối với trẻ nhỏ còn bú mẹ, trẻ có thể có dấu hiệu bú ít, bỏ bú, há miệng khi ngủ, khó chịu, bứt rứt, khó ngủ. Sốt viêm họng ở trẻ nhỏ cùng với dấu hiệu đau vùng họng, chán ăn, dễ làm cha mẹ nhầm tưởng với những dấu hiệu khi trẻ mọc răng.
2. Xử lý khi sốt viêm họng
2.1. Xử lý sốt viêm họng ở trẻ nhỏ
Khi trẻ có triệu chứng sốt viêm họng, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hạ sốt và cho trẻ sử dụng kháng sinh nếu cần thiết.
Điều đặc biệt lưu ý khi chăm sóc cho trẻ tại nhà là cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, cho trẻ uống nhiều nước, chườm hạ nhiệt bằng nước ấm, lau người khi trẻ ra nhiều mồ hôi. Chú ý giữ ấm vùng mũi, cổ họng và ngực của trẻ, cho trẻ súc miệng bằng nước muối 2 lần mỗi ngày. Đối với trẻ còn bú mẹ, nên cho trẻ bú thường xuyên hơn.
Nếu dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ nhưng sau 24-48 giờ, các triệu chứng vẫn không cải thiện, cần cho trẻ nhập viện để theo dõi và điều trị.
2.2. Xử lý sốt viêm họng ở người lớn
Viêm họng là một bệnh rất thường gặp và dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm họng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, dù có là một người trưởng thành khỏe mạnh, khi bị sốt viêm họng cũng không được chủ quan với bệnh.
Khi có triệu chứng sốt viêm họng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị từ sớm. Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng giảm. Khi sử dụng thuốc trong một vài ngày mà Tình trạng viêm họng không cải thiện, người bệnh nên tái khám lại. Bác sĩ có thể xem xét tăng liều lượng kháng sinh, đổi thuốc hoặc phối hợp thuốc.
Trong thời gian điều trị, bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung các yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin,... để nhanh hồi phục.
3. Những lưu ý khi sốt viêm họng
Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus, sốt viêm họng và các triệu chứng khác của bệnh viêm họng sẽ tự khỏi sau khoảng 3-5 ngày.
Nếu nguyên nhân bệnh do vi khuẩn, đặc biệt là do liên cầu, bệnh thường kéo dài hơn và người bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh. Nếu bệnh kéo dài hơn 10 ngày và không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, các biến chứng có thể xảy ra vào tuần thứ hai, thứ ba như: viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, áp xe thành họng ở trẻ 1-2 tuổi, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm Mũi xoang cấp. Đặc biệt, nếu nguyên nhân viêm họng là liên cầu tan huyết có thể gây viêm thận, viêm khớp, Viêm cơ tim, choáng nhiễm độc, nhiễm trùng huyết,... Đây là các biến chứng rất nguy hiểm, khó điều trị, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh. Điều này nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị từ sớm sốt viêm họng ở trẻ nhỏ và cả người lớn.
Thực hiện một số biện pháp sau đây có thể giúp hạn chế nguy cơ bệnh viêm họng:
● Vệ sinh tốt răng miệng, đánh răng 2 lần mỗi ngày, súc họng bằng nước muối pha loãng. Khi có các bệnh răng miệng, mũi, xoang,... cần điều trị dứt điểm, tránh để mầm bệnh lây lan gây viêm họng.
● Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đeo khẩu trang khi ra đường để tránh khói bụi.
● Tránh uống nước quá nóng hoặc quá lạnh để không gây tổn thương niêm mạc họng.
● Nếu sử dụng điều hòa trong phòng ngủ, giữ nhiệt độ ở mức mát mẻ, dễ chịu (khoảng 26-28 độ) không nên để nhiệt độ quá thấp. Nếu sử dụng quạt cho trẻ, trong thời gian đầu có thể mở quạt ở tốc độ lớn cho trẻ dễ ngủ, sau đó giảm tốc độ quạt, quạt phải luôn thay đổi hướng gió.
● Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho trẻ em.
● Dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên vận động cơ thể giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, phòng chống tốt hơn với các tác nhân gây bệnh.