1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là chất béo được sản xuất từ tế bào gan và một phần từ thức ăn có nguồn gốc động vật. Cholesterol là thành phần quan trọng của lipid máu, có vai trò trong cấu tạo màng tế bào, cân bằng hormon trong cơ thể và sản xuất vitamin. Cholesterol trong cơ thể gồm 2 loại chính là cholesterol “tốt” và cholesterol “xấu”, ngoài ra một thành phần khác của lipid máu cũng rất quan trọng là triglyceride
- Cholesterol tốt (HDL-C): chiếm khoảng 1⁄4-1⁄3 tổng số cholesterol trong máu, HDL-C được xem là cholesterol tốt bởi vì chúng vận chuyển cholesterol từ máu về gan, đồng thời đưa cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch, giúp làm giảm nguy cơ Xơ vữa động mạch cũng như các biến cố Tim mạch khác.
- Cholesterol xấu (LDL-C): dẫn đến sự gia tăng chất béo ở động mạch, nếu hàm lượng LDL cao trong máu, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Triglycerides là một chất béo trung tính trong máu, nếu có lượng triglyceride và LDL cao, nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu Não càng cao
Khi lượng cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride tăng cao sẽ gây lắng đọng ở thành mạch, lâu ngày trở thành các mảng xơ vữa khiến mạch máu bị xơ cứng và thu hẹp dần. Sự tuần hoàn máu qua thành mạch bị cản trở và có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Đó là nguyên nhân chính gia tăng các biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ.
2. Đái tháo đường ảnh hưởng đến cholesterol máu như thế nào?
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hoá glucid gây Tăng đường huyết mạn tính do thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối của tuỵ. Đái tháo đường là bệnh mạn tính thường gặp nhất trong số các bệnh rối loạn Nội tiết và là một trong ba bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới cùng với ung thư, tim mạch.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, có đến 70-90% bệnh nhân tiểu đường type 2 (tiểu đường không phụ thuộc insulin) có rối loạn mỡ máu. Vậy đái tháo đường và Rối loạn mỡ máu có mối liên quan như thế nào?
Khi đái tháo đường type 2 không được kiểm soát tốt, cả glucose và insulin đều tăng cao, insulin là hormon có vai trò chuyển hóa glucose thành glycogen (dạng dự trữ của glucose) và dự trữ tại gan. Khi gan bão hoà glycogen, Glucose được dùng để tạo ra các acid béo, giải phóng vào máu, các acid béo này được sử dụng để sản sinh triglycerides trong các tế bào mỡ, dẫn đến tăng lượng mỡ trong cơ thể.
Ngoài ra khi đường huyết tăng cao sẽ gây nên những thương tổn sớm ở tế bào nội mạc mạch máu. Bên cạnh đó, sự Tăng đường huyết khiến cho độ nhớt của máu sẽ tăng, làm tăng sự lắng đọng và bám dính của các tế bào mỡ vào thành mạch, tạo ra các mảng xơ vữa, làm hẹp lòng mạch, tắc nghẽn cục bộ. Tổn thương động Mạch vành sẽ làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Tổn thương động mạch máu Não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, đột quỵ.
3. Làm sao để kiểm soát đường máu tốt?
Khi được chẩn đoán đái tháo đường, bạn cần chú ý trong việc kiểm soát đường máu, cholesterol, triglycerid máu và cả huyết áp theo nguyên tắc ABC: A kiểm tra lượng đường máu thông qua huyết sắc tố A1C, B (Blood pressure) huyết áp, C cholesterol.
Để kiểm soát hiệu quả đường huyết và mỡ máu, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý đến những khuyến cáo sau:
- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, nhiều chất xơ, hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, chất béo.
- Thường xuyên tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có cồn
- Nói không với thuốc lá, các chất kích thích
- Duy trì việc sử dụng thuốc đúng liều, đủ liều
- Khám, kiểm tra các chỉ số đường huyết, mỡ máu định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát tốt đường máu và mỡ máu được xem chìa khóa then chốt giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Bên cạnh tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ, việc điều chỉnh lối sống, chế độ sinh hoạt cũng là nhân tố quan trọng giúp người bệnh ổn định đường huyết và giảm mỡ máu xấu.