1. Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài nội mạc tử cung.
Hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn kẽ). 5% trường hợp còn lại xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc Sẹo mổ trước đó.
Nếu không can thiệp, diễn tiến tự nhiên của thai ngoài tử cung ở ống dẫn trứng sẽ theo 3 hướng sau:
- Sảy qua loa
- Thoái triển tự nhiên.
- Vỡ ống dẫn trứng
2. Thai ngoài tử cung có sinh được không và điều trị như thế nào?
Một thai ngoài tử cung không thể di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung, vì vậy thai ngoài tử cung chắc chắn không thể sinh được mà bắt buộc phải điều trị. Việc lựa chọn 3 phương pháp là tùy thuộc vào tình trạng người bệnh, dựa vào các yếu tố như như: Có sốc, có xuất huyết nội hay chưa; nồng độ beta βhCG và kích thước túi thai/siêu âm...
Có ba phương pháp:
- Sử dụng thuốc: Một thai ngoài tử cung được chẩn đoán sớm đôi khi có thể được điều trị bằng cách tiêm methotrexate. Cơ chế tác động của thuốc là: ngăn chặn sự phân chia của các tế bào, khối thai sau đó sẽ được cơ thể hấp thu sau 4-6 tuần và ống dẫn trứng vẫn được bảo tồn. Tùy thuộc vào nồng độ βhCG ban đầu mà bệnh nhân sẽ được lựa chọn phác đồ đơn liều hay đa liều. Bệnh nhân sẽ được theo dõi cho đến khi βhCG trở về âm tính, trong quá trình theo dõi nếu βhCG tăng hoặc giảm không như mong đợi sẽ được bổ sung liều MTX lặp lại hoặc can thiệp phẫu thuật tùy trường hợp.
- Phẫu thuật: Nếu thai lớn, có tim thai hoặc βhCG quá cao, người phụ nữ có thể sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ thai bất thường. Trước đây, đây là một ca phẫu thuật lớn, đòi hỏi một vết mổ lớn trên vùng xương chậu và điều này vẫn có thể cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp hoặc Chấn thương bên trong rộng. Nhưng thông thường, mô ngoài tử cung có thể được loại bỏ bằng nội soi, một thủ tục phẫu thuật ít xâm lấn. Bác sĩ phẫu thuật tạo ra những vết mổ nhỏ ở bụng dưới và sau đó chèn một máy quay video nhỏ và dụng cụ thông qua những vết mổ này. Hình ảnh từ camera được hiển thị trên màn hình trong phòng phẫu thuật, cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy những gì đang diễn ra bên trong cơ thể mà không cần rạch lớn. Các mô ngoài tử cung sau đó được phẫu thuật cắt bỏ và bất kỳ cơ quan bị hư hỏng nào được sửa chữa hoặc loại bỏ.
- Quản lý dự kiến: nếu thai ngoài tử cung không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và thai rất nhỏ hoặc không thể tìm thấy, những trường hợp đó chỉ cần theo dõi chặt chẽ vì rất có thể thai sẽ tự tan. Cần theo dõi thường xuyên βhCG, chảy máu âm đạo và triệu chứng đau bụng để biết được là quản lý có khả quan hay không, nếu không thuận lợi lựa chọn điệu trị khác là cần thiết.
Tóm lại, một khi đã có tiền căn bị thai ngoài tử cung, sản phụ có nguy cơ bị thai ngoài tử cung ở lần Mang thai sau cao hơn người bình thường. Do đó ở lần Mang thai tiếp theo, hãy cảnh giác về các dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung đồng thời cần khám thai sớm để xác định vị trí túi thai tùy thuộc vào phương pháp điều trị và tình trạng ống dẫn trứng. Khi có những dấu hiệu gợi ý thai ngoài tử cung, sản phụ cần đến bác sĩ chuyên khoa sản để được tư vấn và điều trị kịp thời.