1. Huyết thanh Viêm gan B là gì?
Huyết thanh kháng virus Viêm gan B là Globulin miễn dịch kháng virus viêm gan B tạo ra miễn dịch thụ động cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm virus viêm gan B. Ngoài mũi vắc xin ngừa viêm gan B, trẻ được tiêm thêm mũi Huyết thanh kháng viêm gan B ngay trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh.
Khi trẻ phát triển được 15 đến 18 tháng tuổi thì cha mẹ có thể cho bé đến bệnh viện để làm Xét nghiệm kiểm tra HBsAg và anti HBs lại đảm bảo chắc chắn là trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.
Khi trẻ được tiêm mũi sơ sinh (mũi 1) và huyết thanh (nếu có) thì trẻ còn được khuyến cáo tiêm 4 mũi vắc xin phòng viêm gan B. Có thể là vắc xin kết hợp dạng 5 trong 1 hay 6 trong 1 với lịch tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Ngoài ra, Vắc-xin viêm gan B còn có thể tiêm theo phác đồ 0, 1, 2 và mũi thứ 4 lúc trẻ 12 tháng tuổi gồm có mũi sơ sinh, mũi 2 lúc trẻ 1 tháng tuổi, mũi 3 lúc trẻ 2 tháng tuổi và mũi 4 lúc trẻ 12 tháng tuổi.
Phác đồ này thường áp dụng đối với trẻ sơ sinh có nguy cơ bị lây nhiễm viêm gan B cao do mẹ đã bị nhiễm viêm gan B trước đó. Đối chiếu với lịch tiêm chủng mở rộng thì phác đồ này tiêm sớm hơn 1 tháng và hoàn thành trước 1 tháng; sẽ giúp trẻ tạo ra đợt kháng thể nhanh và nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất để đủ chống lại virus viêm gan B giảm nguy cơ lây nhiễm.
Vắc-xin viêm gan B được tiêm cho trẻ là vắc xin đơn giá (chỉ phòng ngừa 1 bệnh) như Euvax B (Hàn Quốc), Hepavax Gene (Hàn Quốc), Engerix (Bỉ).
2. Vì sao cần tiêm vắc xin phối hợp cùng với huyết thanh kháng viêm gan B?
Viêm gan siêu vi B lây truyền qua các con đường là từ mẹ sang con, truyền máu, quan hệ tình dục. Tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thuộc vào thời điểm người mẹ bị bệnh.
Ví dụ: Như mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ có tỷ lệ truyền bệnh sang con là 1%, còn nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng giữa thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh sang con là 10%. Với trường hợp mắc bệnh ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh lên tới 60 đến 70%.
Về đường lây bệnh thì viêm gan B chủ yếu lây từ mẹ sang con trong lúc sinh sản. Nghĩa là máu từ nhau thai bong tróc truyền cho bé, sản dịch và máu của mẹ lây cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ sơ sinh hít hay nuốt phải dịch có virus viêm gan B từ người mẹ. Những người mẹ sinh thường hay Sinh mổ đều có thể truyền virus viêm gan B cho con của mình trong lúc chuyển dạ.
Hiện nay, tại Việt Nam có số bệnh nhân nhiễm Viêm gan B đáng báo động. Trong đó, các trường hợp trẻ có mẹ bị nhiễm viêm gan B cũng không ít nên khi trẻ vừa mới sinh ra sẽ được tiêm 1 mũi huyết thanh và 4 mũi vắc xin.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan B từ mẹ sang con, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, viêm gan B lây từ mẹ sang con với tỉ lệ thường không quá 2% nhưng trong giai đoạn chuyển dạ thì khả năng lây nhiễm rất cao. Vì vậy, nếu như người mẹ bị viêm gan B, cần tiêm vắc xin và huyết thanh kháng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và tốt nhất là 12 giờ để đảm bảo trẻ không bị lây bệnh.
3. Cách chăm sóc và theo dõi bé sơ sinh sau khi tiêm vắc xin
Việc theo dõi và chăm sóc trẻ 24 giờ sau tiêm nhằm phát hiện các phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả phòng bệnh cao.
Sau khi bé đã được tiêm vắc xin viêm gan B, ba mẹ cần chú ý theo dõi các dấu hiệu về tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm, ...
Trường hợp trẻ có các biểu hiện như:
- Co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì.
- Bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái.
- Nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím.
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C, dùng hạ Sốt không đỡ, Sốt trên 3 ngày, vị trí tiêm sưng, cứng, đau và hạn chế vận động, có quầng đỏ kích thước > 2cm, ... thì ba mẹ cần đưa bé đi khám để tránh biến chứng nguy hiểm đối với trẻ.