1. Bệnh lây nhiễm qua đường Tình dục là gì?
Bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI) là những bệnh xuất hiện và lây lan thông qua quan hệ tình dục. Có nhiều loại bệnh STI, nhưng có lẽ phổ biến hơn cả là chlamydia, Lậu và giang mai. Những STI này không chỉ gây ra các vấn đề lâu dài về sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới những người đang trong giai đoạn mang thai . Bị nhiễm STI cũng làm tăng nguy cơ nhiễm vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) nếu bạn tiếp xúc với nó.
2. Bệnh Chlamydia
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, Chlamydia là STI phổ biến nhất. Chlamydia được gây ra bởi một loại vi khuẩn nội bào Chlamydia trachomatis, có thể truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở miệng, mắt, cơ quan sinh sản, niệu đạo và trực tràng. Ở phụ nữ, nơi nhiễm trùng phổ biến nhất là cổ tử cung.
Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh chlamydia:
- Có bạn tình mới
- Có nhiều bạn tình
- Bạn tình của bạn có nhiều bạn tình khác
- Quan hệ tình dục với người bị STI
- Có tiền sử bị mắc STI
- Không sử dụng bao cao su một cách nhất quán khi không có mối quan hệ một vợ một chồng.
Chlamydia thường rất kín đáo và ít có biểu hiện hay triệu chứng rõ ràng. Nếu các triệu chứng xảy ra, chúng có thể xuất hiện trong khoảng vài ngày đến vài tuần sau khi bị nhiễm. Các triệu trứng thường rất nhẹ và có thể bị nhầm lẫn với đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng âm đạo. Các triệu chứng phổ biến nhất ở phụ nữ bao gồm:
- Tiết ra chất dịch màu vàng từ âm đạo hoặc niệu đạo
- Đi tiểu thường xuyên và có cảm giác đau.
- Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Chảy máu trực tràng, chảy mủ hoặc đau
Ở phụ nữ, xét nghiệm chlamydia có thể được thực hiện trên mẫu nước tiểu hoặc trên các mẫu được lấy bằng tăm bông từ âm đạo, miệng, cổ họng, trực tràng hoặc khu vực xung quanh cổ tử cung, xét nghiệm mẫu máu cũng có thể phát hiện bạn bị nhiễm Chlamydia nhưng hiện nay ít dùng. Bạn có thể tự làm sạch âm đạo hoặc trực tràng của mình tại phòng khám của một bác sĩ phụ khoa sản khoa (ob-gyn) hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp khác. Đối với những phụ nữ dưới 25 tuổi và phụ nữ từ 25 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh chlamydia được khuyến nghị nên làm xét nghiệm sàng lọc hàng năm.
Chlamydia được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối tác tình dục của bạn (bất kỳ ai mà bạn có quan hệ tình dục trong vòng 60 ngày qua hoặc bạn tình cuối cùng của bạn) cũng cần phải được kiểm tra và điều trị. Bạn nên sử dụng tất cả các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chlamydia có thể lây cho bạn tình ngay cả trong khi điều trị. Bạn nên tránh tiếp xúc tình dục cho đến khi bạn điều trị khỏi hoàn toàn, và bạn tình của bạn cũng vậy. Sau 3 tháng điều trị, bạn cũng nên đi kiểm tra lại để xác định bệnh đã khỏi hoàn toàn hay chưa.
Nếu không được điều trị, chlamydia có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (pelvic inflammation disease - PID). PID có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài và ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn.
3. Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là STI phổ biến thứ hai ở Hoa Kỳ. Bệnh lậu và chlamydia thường hay song hành cùng nhau. Bệnh lậu gây ra bởi vi khuẩn lậu có thể truyền sang bạn tình khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lậu cũng giống như các yếu tố gây mắc bệnh chlamydia.
Ở phụ nữ bệnh lậu thường ít gây ra triệu chứng điển hình hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ và họ có thể nghĩ rằng họ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng âm đạo. Các triệu chứng và xét nghiệm bệnh lậu cũng tương tự như chlamydia.
Ở nam giới bệnh lậu thường biểu hiện thường rất điển hình như đái buốt, ra mủ niệu đạo, sưng đau dương vật, nổi hạch...
Bệnh lậu được điều trị bằng hai loại kháng sinh. Phương pháp điều trị được đề nghị là tiêm một trong các loại kháng sinh và theo sau là một viên thuốc kháng sinh khác. Nếu không tiêm, bạn có thể dùng cả hai loại thuốc kháng sinh. Điều trị này cũng có hiệu quả chống lại chlamydia. Đối tác tình dục của bạn cũng cần được kiểm tra bệnh lậu và điều trị.
Nếu không được điều trị, bệnh lậu có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe lâu dài tương tự như chlamydia, dẫn đến vô sinh do viêm tắc đường dẫn trứng, viêm dính buồng tử cung, viêm tắc đường dẫn tinh, Hẹp niệu đạo và bao gồm cả bệnh viêm phổi.
4. Bệnh Giang mai là gì?
Bệnh giang mai là do vi khuẩn Giang Mai gây ra. Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể thông qua vết tổn thương trên da hoặc qua tiếp xúc với chỗ loét của người bị mắc giang mai. Vết loét này thường xuất hiện trên âm đạo, hậu môn hoặc dương vật. Bệnh giang mai thường lây lan qua quan hệ tình dục. Các vết loét ở bộ phận sinh dục cũng làm cho việc truyền nhiễm HIV dễ dàng hơn. Bệnh Giang mai cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc với nốt phát ban xuất hiện ở giai đoạn sau của bệnh.
Các triệu chứng của bệnh giang mai khác nhau theo giai đoạn:
- Giai đoạn đầu tiên: bệnh giang mai xuất hiện dưới dạng săng (chancre) không đau. Vết tổn thương này biến mất mà không cần điều trị trong vòng từ 3 đến 6 tuần.
- Giai đoạn thứ hai: Nếu bệnh giang mai không được điều trị, giai đoạn tiếp theo bắt đầu khi chancre đang lành hoặc vài tuần sau khi chancre biến mất, phát ban có thể xuất hiện. Phát ban thường xuất hiện ở lòng bàn chân và lòng bàn tay, hoặc xuất hiện mụn cóc trên âm hộ. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng giống như cúm.
- Nhiễm trùng tiềm ẩn: Ở một số người, phát ban và các triệu chứng khác có thể hết sau vài tuần hoặc vài tháng, nhưng điều đó không có nghĩa là nhiễm trùng đã hết. Nó vẫn còn hiện diện trong cơ thể. Điều này được gọi là nhiễm trùng tiềm ẩn.
Xét nghiệm tại vị trí tổn thương săng giang mai có thể tìm thấy xoắn khuẩn Giang Mai tuy nhiên phương pháp này ít được áp dụng bởi sự tồn tại sang giang mai không nhiều. Chủ yếu xét nghiệm chẩn đoán giang mai là thông quan xét nghiệm máu. Tất cả phụ nữ mang thai nên được kiểm tra trong lần khám thai đầu tiên và được kiểm tra lại sau khi mang thai và khi sinh nếu họ có nguy cơ cao bị mắc bệnh.
Bệnh giang mai được điều trị bằng kháng sinh. Nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể được ngăn chặn. Thời gian điều trị tùy thuộc vào thời gian bạn bị nhiễm trùng. Bạn có thể được xét nghiệm máu định kỳ để xem liệu điều trị có hiệu quả không. Tiếp xúc tình dục nên tránh trong quá trình điều trị. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh giang mai, bạn cũng nên xét nghiệm HIV. Đối tác tình dục của bạn cũng nên được điều trị bệnh giang mai.
Nếu không được điều trị, bệnh giang mai có thể trở lại ở dạng nghiêm trọng nhất sau nhiều năm mắc phải. Bệnh Giang mai giai đoạn cuối là rất nghiêm trọng. Các vấn đề về tim, thần kinh và khối u có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương não, mù lòa, tê liệt và thậm chí tử vong. Ở bất kỳ giai đoạn nào, bệnh giang mai có thể ảnh hưởng đến não, dẫn đến viêm màng não, các vấn đề về thính giác và thị lực và các triệu chứng thần kinh khác.
5. Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm chlamydia, lậu và giang mai?
Những biện pháp sau có thể giúp ngăn ngừa những loại STI trên:
- Sử dụng bao cao su đều đặn.
- Hạn chế số lượng bạn tình của bạn.
- Xem bạn tình đã có tiền sử mắc bệnh hay họ đang mắc bệnh về STI hay không?
- Tránh tiếp xúc với bất kỳ vết loét trên bộ phận sinh dục.
- Nên đi kiểm tra, xét nghiệm nếu bạn có nguy cơ bị mắc bệnh.
- Điều trị triệt để tất cả những người mắc và các bạn tình của họ