1. Xoắn đại tràng là gì?
Xoắn đại tràng là một bệnh lý cấp cứu của đường tiêu hóa, gây tắc nghẽn lưu thông dịch tiêu hóa trong lòng ruột và ngăn cản dòng máu nuôi dưỡng ruột. Xoắn đại tràng có thể xảy ra ở nhiều đoạn ruột khác nhau, trong đó phổ biến nhất là xoắn đại tràng sigma và xoắn manh tràng. Bệnh cảnh của xoắn đại tràng có thể diễn ra một cách cấp tính, mãn tính hoặc bán cấp.
Xoắn đại tràng sigma có tần suất tương đối cao trên lâm sàng, khoảng 8% trong tổng số các trường hợp tắc ruột. Bệnh phổ biến ở người lớn trên 50 tuổi và trẻ em cũng có khả năng mắc bệnh. Xoắn đại tràng thường xuất hiện ở vị trí cách lỗ hậu môn khoảng 25cm, với các góc xoắn ruột thay đổi từ 180 độ đến 540 độ.
Xoắn manh tràng là một bệnh cảnh xoắn ruột gây tắc gặp khoảng 1% đến 3%. Nhóm bệnh nhân nguy cơ thường là người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 40. Đoạn ruột manh tràng có thể xoay quanh trục và xoắn thực sự hoặc bị gập góc lên trên do dày dính các dây chằng. Xoắn manh tràng thực sự thường gặp hơn trong tổng số các ca bệnh trên lâm sàng.
2. Nguyên nhân gây xoắn đại tràng
Tùy vào vị trí xoắn đại tràng mà có những nguyên nhân đặc hiệu khác nhau gây ra. Xoắn đại tràng sigma hiện vẫn chưa được hiểu do nguyên nhân cụ thể gì và thường xuất hiện trong những bối cảnh sau:
- Chiều dài của đại tràng sigma lớn
- Tồn tại nhiều dây dính quanh đại tràng sigma, thứ phát sau viêm nhiễm hoặc các thủ thuật can thiệp vùng chậu.
- Táo bón kéo dài
- Mắc bệnh Hirschsprung hay Phình đại tràng bẩm sinh vô hạch.
Nguyên nhân gây xoắn manh tràng được cho rằng có liên quan đến những bất thường trong việc cố định manh tràng vào thành bụng. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến dính, dây chằng, tăng áp lực ổ bụng do có khối u hoặc trong thai kỳ, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh dù vai trò chỉ phụ trợ.
3. Xoắn đại tràng có nguy hiểm không?
Xoắn đại tràng là một bệnh lý cấp cứu bụng cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh nhân bị xoắn đại tràng cấp tính xuất hiện những triệu chứng một cách đột ngột, bao gồm:
- Đau bụng cấp, từng cơn
- Chướng bụng xảy ra nhanh do tắc nghẽn lưu thông dịch tiêu hóa. Chướng bụng không đều, ít khi xuất hiện chướng bụng toàn bộ. Xoắn đại tràng sigma gây chướng bụng bên trái, trong khi xoắn manh tràng gây chướng bụng bên phải. Bệnh diễn tiến nhiều giờ gây chướng toàn bộ vùng bụng.
- Nôn mửa nhiều, đôi khi nôn ra cả mật có màu vàng xanh và vị đắng
- Không trung tiện và đại tiện được
Khi xoắn đại tràng diễn tiến mãn tính, hội chứng bán tắc ruột là biểu hiện lâm sàng chính. Người bệnh cảm thấy đau bụng râm ran, căng tức vùng bụng dưới, táo bón, đôi khi trung tiện được. Nếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng, rất khó để phân biệt được xoắn đại tràng sigma với xoắn manh tràng.
Bệnh xoắn đại tràng cấp tính nếu không được chẩn đoán sớm để điều trị tái thông tiêu hóa kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Dịch tiêu hóa ứ đọng làm giãn lớn đoạn ruột bên trên chỗ tắc làm tăng nguy cơ vỡ ruột. Thành ruột trong xoắn đại tràng không được nuôi dưỡng đủ nên dễ tổn thương, viêm hay hoại tử. Người bệnh có nguy cơ cao rơi vào trạng thái nhiễm trùng nhiễm độc. Nôn mửa nhiều trong bối cảnh tắc ruột đưa đến các rối loạn nước và điện giải, ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể, đáng sợ nhất là hệ tim mạch. Khi xuất hiện biến chứng, tổng trạng bệnh nhân thường suy kiệt, xuất hiện sốt, phản ứng thành bụng, co cứng thành bụng, rối loạn huyết động nếu nghi ngờ có sốc nhiễm trùng.
4. Chẩn đoán xoắn đại tràng
Xoắn đại tràng là một bệnh lý khó chẩn đoán trên lâm sàng. Việc xác định một bệnh nhân có xoắn đại tràng cần có sự phối hợp giữa việc khai thác các yếu tố nguy cơ, bệnh sử, thăm khám lâm sàng và kết hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Triệu chứng lâm sàng có vai trò định hướng bệnh và các bước xử trí hay chỉ định tiếp theo.
Trường hợp một bệnh nhân lớn tuổi vào viện vì đau bụng âm ỉ vùng dưới kéo dài kèm Táo bón cần được chỉ định thực hiện Nội soi đại tràng đầu tiên để phát hiện các tổn thương thực thể như khối u. Ngược lại, nếu bệnh nhân vào viện trong bối cảnh cấp tính với đau bụng cấp, nôn mửa nhiều và bí trung đại tiện, xquang bụng đứng sẽ là phương tiện Chẩn đoán hình ảnh được ưu tiên chỉ định.
Xquang bụng có khả năng phân biệt những bệnh lý cấp tính khác cũng như chẩn đoán được xoắn đại tràng sigma và xoắn manh tràng trong những trường hợp điển hình. Xoắn đại tràng sigma điển hình có hình ảnh mỏ chim, trong khi xoắn manh tràng cho hình ảnh cắt cụt hoặc nhọn. Nếu hình ảnh trên phim Xquang bụng không được rõ, bác sĩ sẽ yêu cầu chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để chẩn đoán xác định bệnh với hình ảnh các quai đại tràng giãn, thành ruột phù nề, hình xoắn hoặc hình mỏ chim tùy thuộc vào đoạn ruột bị xoắn.
Khi xoắn đại tràng có biến chứng Hoại tử ruột, phim chụp xquang bụng hoặc cắt lớp vi tính ổ bụng có thể phát hiện các túi hơi tại thành ruột, hơi bên trong tĩnh mạch cửa, quai ruột phù nề, có thể kèm theo hình ảnh thủng ruột nếu Hoại tử gây thủng.
5. Các phương pháp điều trị xoắn đại tràng
Nguyên tắc điều trị chính của xoắn đại tràng là tháo xoắn, tái lập lưu thông tiêu hóa, điều trị hỗ trợ và giải quyết các biến chứng nếu có. Tháo xoắn đại tràng có thể thực hiện qua ngã hậu môn trực tràng bằng thụt barium dưới màn hình tăng sáng hoặc qua Nội soi đại trực tràng. Khi thất bại hoặc bệnh nhân xuất hiện biến chứng như viêm phúc mạc, hoại tử ruột, rối loạn nước điện giải nặng, phẫu thuật tháo xoắn đoạn ruột cần được chỉ định cấp cứu.
Trong phẫu thuật, ngoài tái lập lưu thông tiêu hóa, các biến chứng hoặc nguyên nhân gây bệnh cũng được phối hợp giải quyết. Các phương pháp điều trị hỗ trợ toàn thân cần được thực hiện song song với việc giải quyết đoạn ruột bị xoắn. Điều chỉnh rối loạn điện giải, kháng sinh chống nhiễm trùng, đảm bảo Dinh dưỡng là những mục tiêu quan trọng khác.