Mục lục:

Tổng hợp những kiến thức cần biết về sinh thiết vú

Sinh thiết vú là một kỹ thuật lấy mô tế bào vú rồi kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm ra ung thư vú. Sinh thiết vú cần được thực hiện để kiểm tra khối u này nếu như nghi ngờ người bệnh bị ung thư vú. Hiện đang có rất nhiều biện pháp sinh thiết vú mang lại hiệu quả cao.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ và đưa đi kiểm tra dưới kính hiển vi tại phòng thí nghiệm để phát hiện những bất thường của một số căn bệnh.

Đối với sinh thiết vú, mô vú có thể được loại bỏ bằng kim sinh thiết đặc biệt hoặc trong khi phẫu thuật. Thực hiện sinh thiết vú giúp bác sĩ kiểm tra xem liệu khối u ở vú có phải là ung thư hay không.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải khối u nào cũng là ung thư. Các khối u ở vú có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, không nhất thiết là do ung thư. Vì vậy phương pháp sinh thiết vú giúp xác định khối u đó là u ác tính (ung thư) hay U lành tính (không phải ung thư).

2. Vì sao cần thực hiện sinh thiết vú?

Sinh thiết vú có thể được thực hiện để:

  • Kiểm tra một khối u có thể cảm nhận được hoặc sờ thấy ở trong vú.
  • Kiểm tra một bất thường được tìm thấy qua hình ảnh chụp quang tuyến vú, chẳng hạn như lắng đọng canxi trong mô vú (vôi hóa tuyến vú) hoặc khối u chứa đầy chất lỏng (u nang)
  • Giúp đánh giá các vấn đề về núm vú, chẳng hạn như chảy máu từ núm vú
  • Tìm hiểu xem khối u vú là ung thư vú (ác tính) hay không phải ung thư (lành tính)
  • Xác định nguyên nhân gây ra một khối u hay một khu vực đáng ngờ khác trong vú (gây ra do ung thư hay một vấn đề khác ít nghiêm trọng hơn).

3. Các trường hợp được chỉ định thực hiện sinh thiết vú

Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết vú nếu kết quả khám lâm sàng, chụp X-quang vú hoặc siêu âm vú phát hiện ra một trong số các bất thường dưới đây:

  • Trong vú xuất hiện một khối u
  • Rối loạn cấu trúc mô tuyến vú
  • Xuất hiện các triệu chứng bất thường ở núm vú, như da đóng vảy, tiết ra máu, căng ra hoặc lõm vào

4. Các loại sinh thiết vú

Có nhiều loại sinh thiết vú khác nhau. Loại sinh thiết được chỉ định thực hiện sẽ phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u vú hoặc khu vực nghi ngờ.

Các loại sinh thiết vú bao gồm:

  • Phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: Được bác sĩ chọc một cây kim vào khối u và lấy ra một ít chất dịch để mang đi xét nghiệm. Sinh thiết FNA giúp kiểm tra xem khối u đó là U nang (chứa chất lỏng) hay u rắn.
  • Sinh thiết kim lõi (CNB): Lấy mẫu xét nghiệm bằng một cây kim có lõi rỗng, mỗi mẫu sẽ có kích thước bằng hạt gạo.
  • Sinh thiết kim định vị không gian: bệnh nhân sẽ được đặt nằm sấp trên một chiếc bàn có lỗ chạy bằng điện và có thể nâng lên được. Phần ngực của bệnh nhân được đặt cố định giữa hai tấm kim loại dưới bàn. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ và lấy mẫu xét nghiệm bằng kim chuyên dụng hoặc máy dò hút.
  • Sinh thiết kim lấy lõi theo chỉ dẫn của ảnh chụp MRI: Bệnh nhân trong tư thế nằm sấp và ngực đặt trong một chỗ lõm ở trên bàn. Các hình ảnh tuyến vú sẽ được chụp bởi máy MRI, từ đó giúp bác sĩ xác định được khối u. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch nhỏ và lấy mẫu xét nghiệm bằng cây kim lấy lõi.
  • Sinh thiết mở (phẫu thuật): Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên vú và loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u. Phần mô vú bị cắt đi sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm sẽ cho biết khối ung thư đã được cắt bỏ đủ chưa. Vị trí khối u sẽ được đánh dấu bằng một miếng kim loại nhỏ để có thể dễ dàng theo dõi trong tương lai.
  • Sinh thiết lập thể: Với phương pháp này, hình ảnh 3D của vú được tạo ra bằng máy tính và kết quả chụp quang tuyến vú. Hình ảnh 3D sau đó sẽ hướng dẫn kim sinh thiết đến vị trí chính xác của khối u vú hoặc khu vực đáng ngờ. Những mẫu mô được lấy ra sẽ đem đi xét nghiệm để tìm kiếm tế bào ung thư.
  • Sinh thiết có hướng dẫn siêu âm: Phương pháp này sử dụng hình ảnh siêu âm của khối u vú, giúp hướng dẫn kim đến vị trí sinh thiết chính xác.

5. Những rủi ro của sinh thiết vú

Bất kỳ một loại thủ thuật nào cũng đều có một số rủi ro nhất định. Sinh thiết vú được xem là một phương pháp khá an toàn, tuy nhiên chúng vẫn có thể gây ra một số nguy cơ sau:

  • Bầm tím và đau nhẹ tại vị trí sinh thiết
  • Chảy máu kéo dài từ vị trí sinh thiết
  • Nhiễm trùng gần nơi sinh thiết

6. Quy trình thực hiện sinh thiết vú

6.1 Chuẩn bị trước khi sinh thiết vú

  • Trước khi thực hiện sinh thiết vú, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh lý và thực hiện khám lâm sàng.
  • Bạn sẽ phải ký vào giấy chấp nhận thực hiện sinh thiết vú. Bạn nên đọc cẩn thận và hỏi bất cứ câu hỏi gì nếu không hiểu.
  • Trong trường hợp phải gây mê toàn thân, bạn không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì trong vòng từ 8-12 giờ trước khi thực hiện sinh thiết vú.
  • Không sử dụng kem dưỡng da, kem, bột, chất khử mùi hoặc nước hoa trên cánh tay, nách hoặc vú của bạn vào ngày làm thủ thuật
  • Nói với bác sĩ nếu bạn đang Mang thai hoặc nghi ngờ có thai
  • Báo với bác sĩ nếu bạn bị Dị ứng hoặc nhạy cảm với bất kỳ loại thuốc, latex, băng và thuốc gây mê.
  • Nếu bạn đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo toa, các loại thuốc chống đông máu như aspirin, ibuprofen, các loại vitamin, thảo dược và các chất bổ sung khác; hãy hỏi bác sĩ liệu bạn có phải ngừng thuốc trước khi thực hiện sinh thiết hay không.

6.2 Trong khi thực hiện sinh thiết vú

Sinh thiết vú có thể được thực hiện ở bệnh viện hoặc ngay tại phòng khám của bác sĩ. Một số loại sinh thiết chỉ cần Gây tê cục bộ, một số loại khác có thể cần đến gây mê toàn thân.

Sinh thiết vú sẽ được thực hiện theo quy trình sau đây:

  • Bạn sẽ được yêu cầu cởi bỏ phần quần áo từ thắt lưng trở lên và được mặc áo choàng hở phần mặt trước.
  • Sau đó, bạn sẽ được đặt nằm trên giường, bác sĩ sẽ thực hiện thao tác làm sạch, sát trùng vùng vú và tiêm thuốc tê cho bạn.
  • Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên vú, tại khu vực cần thực hiện sinh thiết. Sau đó, sử dụng máy siêu âm để hướng dẫn đưa kim sinh thiết đến vị trí cần lấy mẫu mô. Mẫu mô và các tế bào sau khi được lấy ra sẽ gửi tới phòng xét nghiệm để tìm kiếm ung thư.
  • Sau khi lấy xong mẫu mô, bác sĩ sẽ rút kim ra và ép băng tại vị trí sinh thiết để cầm máu. Vết sinh thiết có thể không cần phải khâu lại.

6.3 Sau khi thực hiện sinh thiết vú

Ngoại trừ sinh thiết phẫu thuật, các loại sinh thiết khác không yêu cầu bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để theo dõi. Sau khi thực hiện sinh thiết xong, bạn có thể trở về nhà và đợi kết quả xét nghiệm. Kết quả thường có chỉ sau vài ngày phân tích.

Bạn cần chăm sóc cẩn thận vị trí sinh thiết bằng cách làm sạch và thay băng thường xuyên để tránh bị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc vết thương cho bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng tránh hoạt động quá sức, gây áp lực lên vết thương. Điều này khiến vết thương lâu lành và có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng khác.

Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không chứa aspirin, ví dụ như paracetamol và chườm miếng dán lạnh để giảm sưng. Nếu xuất hiện các triệu chứng như Sốt trên 37°C, bị nóng, mẩn đỏ hoặc tiết dịch tại vị trí sinh thiết thì bạn cần báo ngay với bác sĩ vì đây là các dấu hiệu của sự nhiễm trùng.

7. Ý nghĩa của kết quả sinh thiết vú

Kết quả sinh thiết vú có thể cho thấy những điều sau:

7.1 Kết quả bình thường

Không tìm thấy bất cứ tế bào bất thường hay ung thư nào.

7.2 Kết quả bất thường

  • Có những thay đổi bất thường ở vú, tuy nhiên không phải là ung thư: U nang chứa chất lỏng, vôi hóa trong mô vú, tiểu thùy vú, phì đại tiểu thùy vú (khối u tròn, có thể sờ được bằng tay), u sợi và u tuyến trong vú, Hoại tử mỡ (khối u tròn, cứng xuất hiện do các mô mỡ bị tổn thương)

  • Có những thay đổi bất thường ở vú có thể làm tăng nguy cơ ung thư gồm: Tăng sản tuyến vú không điển hình (ADH); tăng sản tiểu thùy không điển hình (ALH); carcinôm tiểu thùy tại chỗ (LCIS)
  • Phát hiện các tế bào ung thư gồm hai dạng chính: Ung thư ở các ống dẫn sữa từ vú tới đầu vú, ung thư tiểu thùy ở các tiểu thùy của vú (nơi sản xuất ra sữa).

Để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, phụ nữ trên 20 tuổi nên thường xuyên tự kiểm tra vú bằng cách soi gương để kiểm tra tình trạng vú ở tư thế bình thường, rồi giơ hai tay lên và chống hai tay vào hông để xem tình trạng vú khi thay đổi tư thế. Bên cạnh đó là sờ, ấn vào vú để kiểm tra các u cục, sưng đau. Nếu thấy vú có hiện tượng bất thường thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Phụ nữ trên 35 tuổi nên đi khám vú định kỳ 3-6 tháng/lần.

8. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật sinh thiết vú

Ưu điểm:

  • So sánh với sinh thiết qua phẫu thuật, thủ thuật này nhẹ nhàng hơn, không để lại Sẹo và thời gian thực hiện không quá 1 giờ đồng hồ

  • Giúp lấy mẫu mô một cách đáng tin cậy để xác định tính chất lành hay ác tính của khối u vú.

  • Sinh thiết được tổn thương nằm sâu, sát thành ngực mà sinh thiết dưới X quang định vị ba chiều khó thực hiện.

  • Sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm rẻ hơn, nhanh hơn so với sinh thiết dưới X quang định vị ba chiều.

  • Thời gian hồi phục ngắn, bệnh nhân có thể sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

Nhược điểm:

  • Bất kỳ thủ thuật nào mà da bị đâm thủng đều có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nguy cơ nhiễm trùng cần điều trị kháng sinh thấp hơn 1/1.000.

  • Thực hiện sinh thiết mô nằm sâu bên trong vú có một nguy cơ nhỏ là kim đi qua thành ngực khiến khí thoát ra quanh phổi và gây xẹp phổi.

  • Sinh thiết vú đôi khi đánh giá không đầy đủ mức độ lan rộng của thương tổn. Nếu sau khi sinh thiết lõi bằng kim lớn mà kết quả chưa thể khẳng định, cần thiết tiến hành sinh thiết qua phẫu thuật.

  • Chỉ thực hiện thủ thuật này khi siêu âm cho thấy tổn thương một cách rõ rệt. Đối với các vi vôi hóa, ngay cả khi hiện diện dưới dạng chùm, siêu âm vẫn không cho thấy rõ bằng chụp X quang. Vì thế, đòi hỏi phải sinh thiết dưới X quang định vị ba chiều.

  • Kích thước quá nhỏ của tổn thương cũng là một khó khăn nhất định cho thủ thuật này.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung