Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Trào ngược axit và trào ngược thanh quản khác nhau như thế nào?

27/05/2021
Trào ngược axit và trào ngược thanh quản khác nhau như thế nào?

Có 2 loại trào ngược khác nhau là trào ngược axit và trào ngược thanh quản. Mặc dù cả 2 bệnh lý trên đều có sự liên quan tới bệnh trào ngược dạ dày - thực quản nhưng chúng vẫn có nhiều điểm khác biệt về triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.

1. Sự khác biệt về cơ quan chịu tổn thương

1.1 Trào ngược axit gây tổn thương mô thực quản

Trào ngược axit (trào ngược axit dạ dày) là tình trạng liên quan tới bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, là hiện tượng axit từ dạ dày bị đẩy lên đi vào lòng ống thực quản, gây kích thích, nóng rát ở ngực.

Tình trạng này xảy ra khi cơ thắt dưới thực quản không được đóng đúng cách nên không tạo thành một hàng rào kín giữa dạ dày và thực quản. Trong khi đó, axit dạ dày (HCl) là một loại axit mạnh. Khi chúng trào lên thực quản sẽ gây tổn thương cho các mô thực quản.

1.2 Trào ngược thanh quản gây tổn thương thanh quản, hộp thanh quản và phổi

Trào ngược thanh quản (trào ngược thầm lặng) cũng có cơ chế tương tự trào ngược dạ dày - thực quản: Xảy ra khi axit dạ dày thoát ra khỏi cơ thắt thực quản dưới.

Tuy nhiên, trong trào ngược thanh quản, axit dạ dày trào ngược qua thực quản vào phía sau cổ họng (khác với trào ngược axit là axit dạ dày chỉ trào lên thực quản). Điều này gây tổn thương thanh quản, hộp thanh quản và phổi.

Vì vậy, trào ngược thanh quản làm tổn thương đường tiêu hóa trên, vùng hầu và họng hoặc đường mũi. Trong khi đó, trào ngược axit chỉ làm tổn thương thực quản.

2. Sự khác biệt về triệu chứng

2.1 Trào ngược axit dạ dày

Bệnh nhân bị trào ngược axit dạ dày sẽ gặp các triệu chứng rất rõ ràng, có thể được phát hiện và kiểm soát sớm. Các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Ợ nóng, đầy hơi, buồn nôn, nôn ói
Trào ngược axit và trào ngược thanh quản khác nhau như thế nào? - ảnh 1
Trào ngược axit dạ dày thường có biểu hiện ợ nóng, buồn nôn
  • Hồi lưu thực quản, khó nuốt
  • Ho khan, hen suyễn, khó thở gián đoạn giấc ngủ

2.2 Trào ngược thanh quản

Bệnh còn được gọi là trào ngược thầm lặng vì các triệu chứng biểu hiện ở bệnh nhân không điển hình cho tình trạng trào ngược. Điều này là do axit trong dạ dày không lưu trong thực quản quá lâu nên nó không có đủ thời gian gây tổn thương cho thực quản.

Các triệu chứng khác gặp ở bệnh nhân trào ngược thanh quản bao gồm:

  • Khàn tiếng, kích thích họng,
  • Có vị đắng ở cổ họng, viêm họng, nóng rát cổ họng, hắng giọng liên tục, nghẹn.
  • Khó thở, khó nuốt, Ho mãn tính và nhiễm trùng xoang,
  • Chảy nước mũi mãn tính hoặc có cảm giác nước mũi chảy từ cổ họng, hen suyễn.

Bệnh trào ngược thanh quản dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh đường hô hấp, viêm amidan, Viêm họng mãn tính,... Đồng thời, bệnh có nguy cơ gây ra những biến chứng trầm trọng hơn so với trào ngược axit điển hình.

3. Sự khác biệt về đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

3.1 Trào ngược axit

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là:

Người bị béo phì

Mắc hội chứng Zollinger-Ellison, hàm lượng canxi trong máu cao

Xơ cứng bì và xơ cứng hệ thống, hút thuốc lá

Mang thai, sử dụng một số loại thuốc (thuốc kháng sinh histamin, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm)

3.2 Trào ngược thanh quản

Trào ngược thanh quản phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh vì cơ vòng của trẻ chưa được phát triển đầy đủ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh còn có thực quản ngắn và hầu hết thời gian bé đều được đặt nằm nên dịch dạ dày dễ bị trào ngược lên thanh quản, hầu họng.

4. Sự khác biệt về biến chứng của bệnh

4.1 Trào ngược axit

Trào ngược axit dạ dày rất nguy hiểm nếu người bệnh không chủ động điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách. Các biến chứng có thể là:

  • Chít hẹp thực quản: Với các triệu chứng ban đầu gồm khó nuốt, đau tức ngực, đau khi ăn, dẫn tới lười ăn,...;
  • Viêm thực quản: Thường gặp ở người bị trào ngược axit dạ dày trong một thời gian dài. Dấu hiệu của tình trạng này là đau khi nuốt, nóng rát thực quản, đặc biệt là vùng sau xương ức;
Trào ngược axit và trào ngược thanh quản khác nhau như thế nào? - ảnh 2
Thường đau, nóng rát thực quản khi nuốt thức ăn
  • Barrett thực quản: Thông thường không có dấu hiệu đặc trưng mà chỉ có các biểu hiện của tình trạng trào ngược thông thường. Cần thực hiện nhiều xét nghiệm, đặc biệt là Nội soi và sinh thiết tế bào để chẩn đoán chính xác;
  • Ung thư thực quản: Là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân. Ung thư thực quản thường xuất hiện nhiều ở người trên 50 tuổi với những biểu hiện như khó nuốt, đau âm ỉ sau xương ức, khàn tiếng, sụt cân không rõ nguyên nhân,...

4.2 Trào ngược thanh quản

Khi axit dạ dày tấn công cổ họng và thanh quản, sẽ gây kích ứng, tổn thương lâu dài ở các cơ quan này. Ở người lớn, trào ngược thanh quản có thể làm hình thành Sẹo ở cổ họng và hộp thanh quản.

Ngoài ra, trào ngược thầm lặng còn làm tăng nguy cơ ung thư vùng họng và hộp thanh quản, ảnh hưởng tới phổi, làm trầm trọng hơn ở người mắc các bệnh lý hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thũng.

Về phương pháp điều trị, 2 hình thức trào ngược axit dạ dày và trào ngược thanh quản có phương pháp điều trị tương tự nhau. Với trường hợp ít nghiêm trọng, bệnh nhân thường được khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, nên tránh một số thực phẩm gây triệu chứng trào ngược. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật trong từng trường hợp cụ thể. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh để đẩy lùi bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống.