1. Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa các chất, cũng như dự trữ và thải độc cho toàn bộ cơ thể.
Đối với những người khỏe mạnh, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm 2-4% trọng lượng của bộ phận này. Và khi lượng mỡ này đã vượt quá xa chỉ số cho phép, có thể chiếm đến khoảng 5-10% trọng lượng của gan thì được cảnh báo nguy hiểm vì đây chính là tình trạng gan nhiễm mỡ.
Đây là một trong những căn bệnh cực kỳ phổ biến tại nước ta, có đến khoảng 10-20% dân số cả nước được xác định bị gan nhiễm mỡ, thường tập trung chủ yếu trong độ tuổi trung niên từ 40-55 tuổi.
2. Trẻ em mắc Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Gan nhiễm mỡ ở trẻ em là một bệnh lý rất nguy hiểm mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm. Hiện nay tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Bởi gan là một bộ phận đảm nhận cùng lúc nhiều chức năng quan trọng cho cơ thể của trẻ nhỏ, nếu như gan bị tổn thương có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động thông thường của những bộ phận khác.
Bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng đáng tiếc cho quá trình phát triển của bé.
Bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em thường rất khó phát hiện vì những triệu chứng không rõ ràng, do đó nếu cha mẹ phát hiện sự bất thường ở trẻ hãy cho con đi kiểm tra sức khỏe ngay lập tức.
3. Những nguyên nhân chính gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ ở trẻ em
Nhìn chung, bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ cũng tương tự như ở người lớn, khi trọng lượng của mỡ trong gan nhiều hơn mức cho phép. Và dưới đây chính là các nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ của trẻ em:
3.1 Thừa cân, béo phì
Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ. Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển cũng sẽ được trải qua sự phát triển mạnh mẽ của mỡ. Do đó, nếu như các bậc cha mẹ không tạo một chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý cho con em mình thì rất dễ gây nên tình trạng béo phì, thừa cân. Và từ đó dẫn đến căn bệnh gan nhiễm mỡ cực kỳ nguy hiểm.
3.2 Do những bệnh lý mãn tính
- Trẻ đang bị mắc các căn bệnh nguy hiểm như: nhiễm trùng máu, viêm xương tủy, Lao phổi hoặc tiêu chảy mãn tính, tiểu đường, ... có thể dẫn đến hiện tượng chán ăn, gây sụt cân đột ngột ở bé. Cùng với đó là sự chuyển hóa các chất một cách bất thường cũng khiến cho nhu cầu năng lượng trong cơ thể không được đảm bảo.
- Lúc này, mỡ trong cơ thể sẽ tự phân giải nhanh thành các acid béo, di chuyển đến gan, nhưng gan không thể chuyển hóa những acid thành năng lượng nên toàn bộ sẽ được chuyển hóa thành mỡ thừa.
- Ngộ độc thuốc: trẻ em được khi sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh như: carbon tetraclorid, phosphor, ... cũng có thể làm cho mỡ đọng lại trong những tế bào gan, gây ra gan nhiễm mỡ ở trẻ em.
3.3 Thực phẩm
Những loại thực phẩm nhiều đường hoặc các chất bảo quản cũng là một trong những thủ phạm nguy hiểm dẫn đến tình trạng mỡ đọng lại trong tế bào gan, lâu dần gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
4. Những dấu hiệu điển hình của bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ
Bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em không có những dấu hiệu rõ ràng để nhận biết, do đó bệnh lý này rất khó để phát hiện kịp thời.
Nếu ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị đau sườn phải, nhưng các bé lại rất dễ dàng quên đi khi đang vui chơi nên không thể thông báo kịp thời cho bố mẹ về tình trạng này.
Nếu bệnh phát triển đến mức độ nặng hơn có thể xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng hơn như chán ăn, mệt mỏi, sưng bụng, khó tăng cân, ...
Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện thêm một số bất thường liên quan đến đường tiêu hóa như khó tiêu, đầy hơi, ...
Đối với mỗi độ tuổi thì trẻ sẽ có tỷ lệ cân nặng và chiều cao nhất định. Do đó, nếu như cân nặng của trẻ nhỏ vượt quá 20% so với tiêu chuẩn thì nguy cơ bé đang bị máu nhiễm mỡ là rất cao.
5. Cách điều trị bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ
Bệnh gan nhiễm mỡ nhẹ không có các thuốc đặc trị, để khắc phục tình trạng này thì người bệnh cần được thay đổi lối sống khoa học với những biện pháp điển hình như:
- Tập thể dục thường xuyên, để đốt cháy lượng mỡ thừa đang ứ đọng bên trong cơ thể.
- Đối với những trường hợp trẻ bị gan nhiễm mỡ do Béo phì thì các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn của trẻ. Nên hạn chế những thức ăn được chế biến từ phủ tạng, các loại thịt đỏ, da động vật, lòng đỏ trứng, ... Thay vào đó các bậc cha mẹ có thể tham khảo những chế độ ăn từ bác sĩ dinh dưỡng, tăng cường cá, những thực phẩm có khả năng giảm máu mỡ như giá đỗ, Tỏi ta, cà chua, ...
- Kiểm soát tốt lượng đường bên trong máu cũng như lượng cholesterol nhập vào.
- Bổ sung rau xanh và những loại hoa quả cho trẻ nhỏ hàng ngày. Vì trong rau xanh sẽ có nhiều vitamin tốt và các khoáng chất cần thiết để tăng cường chức năng cho gan.
Gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ là một căn bệnh nguy hiểm. Cha mẹ cần nắm được các thông tin cần thiết để chủ động phòng ngừa cho bé. Bạn có thể tìm đến các chuyên gia Dinh dưỡng để được tư vấn thêm.