1. Vì sao nên tiêm vắc-xin thủy đậu?
Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster thuộc họ Herpesviridae gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa đông – xuân, thời gian ủ bệnh trung bình từ 14 – 16 ngày. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường Hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện,...) khi người lành tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra, thủy đậu còn có thể lây truyền gián tiếp khi người khỏe mạnh tiếp xúc với các đồ dùng sinh hoạt của bệnh nhân như ga trải giường, khăn mặt, quần áo,...
Dù là loại bệnh nhẹ, lành tính, nhưng vẫn có những trường hợp bị thủy đậu gặp biến chứng, nhất là đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phụ nữ đang mang thai, trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, người bị nhiễm HIV/AIDS. Những biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng da, zona. Riêng phụ nữ Mang thai bị thủy đậu dễ gặp biến chứng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, bệnh còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm phổi,... Một số trường hợp bị thủy đậu có thể dẫn tới tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Vì vậy, chủ động phòng ngừa thủy đậu là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn những biến chứng khó lường của căn bệnh này. Cho đến nay, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc-xin thủy đậu.
2. Thông tin cần biết khi tiêm vắc-xin thủy đậu
2.1 Vắc-xin thủy đậu được tiêm lúc nào?
Vắc-xin thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh trước đó. Chỉ định tiêm cụ thể là:
- Trẻ từ 12 tháng - 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 3 tháng. Riêng với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, lịch tiêm được khuyến cáo là: mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ được 4 – 6 tuổi.
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng. Riêng với phụ nữ nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai tối thiểu 3 tháng.
2.2 Vắc-xin thủy đậu có tác dụng trong bao lâu?
Sau khi đưa vào cơ thể, vắc-xin thủy đậu cần 1 – 2 tuần để phát huy tác dụng. Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch tối thiểu 1 tháng. Thời gian miễn dịch (không mắc bệnh) của vắc-xin thủy đậu kéo dài trung bình là 15 năm. Sau khoảng thời gian này, chúng ta có thể tiêm nhắc lại để phòng ngừa thủy đậu hiệu quả hơn.
2.3 Lưu ý khi tiêm vắc-xin thủy đậu
- Không tiêm vắc-xin thủy đậu cho bé bị Dị ứng với vắc-xin hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, bị Suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư, nhiễm HIV, có bất thường về máu, đang hóa trị liệu,... Khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin thủy đậu, phụ huynh nên nói rõ cho cán bộ Tiêm chủng về tiền sử Dị ứng và các bệnh của con mình.
- Hoãn tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ đang bị Sốt cao, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, Viêm da có mủ, mắc bệnh mãn tính đang tiến triển (lao phổi, viêm thận,...) hoặc trẻ mới khỏi bệnh nặng, đang trong thời kỳ hồi phục sức khỏe.
- Không sử dụng vắc-xin thủy đậu cho các đối tượng đang bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tim mạch, rối loạn chức năng gan thận, có tiền sử co giật, có thai hoặc 2 tháng trước khi dự định có thai, đã tiêm phòng các vắc-xin sống khác (vắc-xin sởi, bại liệt, rubella, quai bị,...) trong vòng 1 tháng gần đây.