Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Vì sao chẩn đoán vô sinh có thể gồm cả xét nghiệm tuyến yên?

15/08/2022
Vì sao chẩn đoán vô sinh có thể gồm cả xét nghiệm tuyến yên?

Vô sinh – hiếm muộn đã trở thành nỗi e ngại và lo lắng cho rất nhiều cặp vợ chồng, gây ảnh hưởng không ít đến tình cảm gia đình. Tuy nhiên, tình trạng này có thể đến từ một hay nhiều nguyên nhân. Trong đó, u tuyến yên là một trong những tác nhân phổ biến. Vậy u tuyến yên là gì và vì sao cần xét nghiệm u tuyến yên trong quá trình chẩn đoán vô sinh?

1. U tuyến yên là gì?

U tuyến yên cũng như nhiều loại khối u khác, là sự phát triển mạnh mẽ từ một loại tế bào tuyến yên nào đó. Thông thường, đây là loại U lành tính và phát triển chậm. Đây là một dạng bệnh rất thường gặp. Theo các thống kê, có khoảng 10% người trưởng thành sẽ gặp phải u tuyến yên.

Những bệnh nhân mắc u tuyến yên thường có những triệu chứng sau:

  • Rối Loạn thị giác: khi u tuyến yên phát triển lớn sẽ gây chèn ép đến một vài dây thần kinh, gây rối loạn tầm nhìn.
  • Rối loạn nội tiết: các khối u tại tuyến yên có thể gây tăng tiết prolactin trong cơ thể. Ở phụ nữ, bạn sẽ bị rối loạn kinh nguyệt, vô kinh trong nhiều tháng, tiết sữa ở vú... Đối với nam giới, sự tăng tiết prolactin sẽ gây suy giảm ham muốn tình dục, mệt mỏi, khó khăn khi xuất tinh...

2. U tuyến yên (có tăng tiết Prolactin) là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh

U tuyến yên thường có nhiều cách để phân loại, trong đó bao gồm u tuyến yên tăng tiết (tăng hormone) và không tăng tiết (không liên quan đến hormone). Thông thường, vấn đề Vô sinh đến từ loại u tuyến yên tăng tiết Prolactin.

Cụ thể hơn, các khối u xuất phát từ tế bào tiết prolactin sẽ gây tăng sản xuất loại hormone này trong máu lên gấp nhiều lần. Điều này sẽ gây cản trở khả năng sinh sản từ 2 giới:

  • Đối với nam giới: gây giảm ham muốn Tình dục và rối loạn cương dương, tinh trùng cũng không còn được đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng.
  • Đối với nữ giới: phá vỡ sự cân bằng Nội tiết tố trong cơ thể, từ đó ức chế rụng trứng, giảm khả năng thụ thai tự nhiên.
Vì sao chẩn đoán vô sinh có thể gồm cả xét nghiệm tuyến yên? - ảnh 1
U tuyến yên tăng tiết Prolactin gây Vô sinh ở cả 2 giới

3. Các phương pháp xét nghiệm u tuyến yên

Từ những vấn đề trên, có thể thấy xét nghiệm u tuyến yên là cần thiết trong quá trình khám vô sinh/hiếm muộn ở cả nam lẫn nữ.

Thông thường, bên cạnh thăm khám lâm sàng, u tuyến yên còn được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm/kiểm tra sau:

  • Đo nồng độ hormon thông qua xét nghiệm nước tiểu/xét nghiệm máu
  • Chụp cộng hưởng từ để kiểm tra khối u
  • Kiểm tra thị lực...

Đối với chẩn đoán vô sinh, xét nghiệm Prolactin sẽ được chỉ định để xác định chính xác có phải loại u tuyến yên tăng tiết Prolactin hay không.

4. Cần tiến hành những xét nghiệm/kiểm tra nào khác để chẩn đoán vô sinh – hiếm muộn?

Bên cạnh vấn đề u tuyến yên tăng tiết prolactin, còn rất nhiều bất thường khác gây ra tình trạng khó có con ở các cặp vợ chồng. Do đó, ngoài xét nghiệm u tuyến yên, một số kiểm tra khác cũng sẽ được chỉ định cụ thể nhằm xác định nguyên nhân cụ thể nhất.

4.1. Siêu âm

Đây là một trong những kiểm tra đầu tiên cần thực hiện, bao gồm:

  • Siêu âm tử cung phần phụ: đánh giá buồng trứng dựa trên các yếu tố như kích thước và cấu trúc cơ ở tử cung, kích thước buồng trứng...
  • Siêu âm nang thứ cấp: dùng để đếm tổng số nang noãn kích thước từ 2 – 8mm, được thực hiện qua đường âm đạo.
  • Siêu âm kiểm tra sự phát triển của noãn theo chu kỳ tự nhiên.
  • Siêu âm đánh giá buồng tử cung để kiểm tra các bất thường như polyp, vách ngăn...

Các siêu âm trên sẽ được các bác sĩ chỉ định và có thể thực hiện 2 – 3 lần phụ thuộc vào kết quả từ lần siêu âm trước.

4.2. Xét nghiệm hormone

Một số xét nghiệm liên quan đến hormone (nội tiết tố) như FSH, LH, E2, Prolactin... cũng sẽ được tiến hành. Ngoài xét nghiệm u tuyến yên (thường có liên quan đến hormone Prolactin) được trình bày phía trên, một số xét nghiệm cần thiết khác là:

  • FSH: hormone FSH có chức năng kích thích sự phát triển của các nang trứng trong mỗi chu kỳ. Khi FSH thấp, bệnh nhân có khả năng bị buồng trứng đa nang, gặp khó khăn trong quá trình rụng trứng và dẫn đến tình trạng khó thụ thai.
  • LH: hormone LH kích thích sự sản sinh Estradiol ở buồng trứng. Khi nồng độ LH cao, sự rụng trứng sẽ diễn ra vào giữa chu kỳ. Bên cạnh đó, ở nam giới, LH có chức năng kích thích sản xuất hormone nam Testosterone.
  • Xét nghiệm E2: là loại xét nghiệm định lượng hormone estrogen.
Vì sao chẩn đoán vô sinh có thể gồm cả xét nghiệm tuyến yên? - ảnh 2
Các cặp vợ chồng nên tiến hành các xét nghiệm liên quan tới nội tiết tố

4.3. Chụp tử cung vòi trứng

Đối với người vợ, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành Chụp tử cung vòi trứng để thăm dò tình trạng của tử cung xem có bất thường hay không, đồng thời đánh giá vòi trứng có bị tắc hay không. Đây là những nguyên nhân lớn gây ra tình trạng vô sinh/hiếm muộn ở nữ giới.

Kiểm tra này thường được tiến hành sau khi hết kinh nguyệt từ 3 – 5 ngày nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng cũng như tránh ảnh hưởng đến kết quả chụp.

4.4. Đánh giá dự trữ buồng trứng

Có một số lượng lớn vợ chồng không có con là do nguyên nhân từ buồng trứng của vợ. Vì vậy, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành đánh giá dự trữ buồng trứng (khả năng cung cấp noãn ở buồng trứng) dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm xét nghiệm inhibin B, xét nghiệm AMH...

Có thể nói, xét nghiệm u tuyến yên là một trong những xét nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán vô sinh – hiếm muộn ở nhiều cặp vợ chồng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều kiểm tra khác cần tiến hành để xác định chính xác nguyên nhân gây cản trở khả năng sinh sản.