1. Viêm họng do liên cầu khuẩn là gì?
Viêm họng do liên cầu khuẩn (Streptococcus) là một bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn gây ra. So với viêm họng do virus, Viêm họng do liên cầu khuẩn thường có triệu chứng nặng hơn. Ai cũng thể mắc bệnh lý này nhưng phổ biến thường gặp nhất là trẻ em và thanh thiếu niên (từ 6-12 tuổi). Thời gian dễ lây nhiễm nhất cũng thường là trong năm học hay cuối mùa thu và mùa xuân, khi các nhóm trẻ em tụ tập và chơi cạnh nhau, tiếp xúc gần gũi.
2. Nguyên nhân viêm họng do liên cầu khuẩn
Nguyên nhân của viêm họng là vi khuẩn được gọi là Streptococcus pyogenes, hoặc liên cầu khuẩn nhóm A. Vi khuẩn gây chứng viêm họng liên cầu (Streptococcus nhóm A) thường tồn tại trong mũi và họng nên những hành động như sổ mũi, ho, hay vẫy tay, lắc tay có thể lan truyền mầm bệnh từ người này sang người khác. Người bị viêm họng liên cầu nếu không điều trị có thể phát tán lây nhiễm khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, đây cũng là lý do vì sao cha mẹ nên dạy trẻ về tầm quan trọng của rửa tay. Việc vệ sinh sạch sẽ luôn là phương pháp hữu hiệu giúp giảm khả năng mắc các bệnh Truyền nhiễm nói chung và viêm họng liên cầu nói riêng.
3. Viêm họng liên cầu có nguy hiểm không?
So với các nguyên nhân khác, bệnh Viêm họng do liên cầu khuẩn thường có triệu chứng nặng hơn. Nguy hiểm hơn là nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng nặng như nhiễm trùng ở amidan, tai, máu, viêm thận và Sốt thấp khớp. Sốt thấp khớp có thể gây ra đau khớp và viêm, phát ban thậm chí làm tổn hại tới hoạt động bình thường của tim.
4. Nhận biết viêm họng do liên cầu khuẩn
Không phải tất cả dấu hiệu đau họng đều là viêm họng do liên cầu khuẩn. Đa phần những cơn đau họng kèm theo chảy mũi nước, ho, khàn tiếng, mắt đỏ...thường bị gây ra bởi virus và có xu hướng tự lành mà không cần điều trị.
Một đứa trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn thường sẽ có các triệu chứng tiến triển trong vòng 3 ngày như:
- Cảm giác đau họng, họng bị đỏ
- Các tuyến bạch huyết (hạch) ở cổ sưng lên và gây đau, đau hạch cổ
- Nuốt khó, ăn mất ngon và buồn nôn
- Amidan sưng to, đỏ
- Thấy các mảng đỏ và đốm trắng ở cổ họng
- Sốt
- Phát ban, mề đay
- Đau bụng, đau dạ dày và đôi khi nôn mửa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
- Đau đầu, nhức đầu. Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu
Cũng có trường hợp có đầy đủ các triệu chứng nhưng không có dấu hiệu viêm họng. Nguyên nhân của các dấu hiệu và triệu chứng trên có thể là do nhiễm virus hoặc một số loại khác của bệnh, do vậy bác sĩ thường thực hiện kiểm tra cẩn thận vùng họng để có chẩn đoán chính xác nhất.
5. Phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn
Để ngăn ngừa bị bệnh, chúng ta cần có ý thức trong việc tự bảo vệ bản thân bằng cách:
- Rửa tay đúng cách: Rửa tay luôn được xem là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng. Để tránh cho con bị viêm amidan do liên cầu khuẩn, cha mẹ nên hướng dẫn và rèn luyện cho con cách rửa tay đúng cách, sử dụng xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn thường xuyên.
- Che miệng: Dặn dò con nên che miệng mỗi khi Ho hoặc hắt hơi để tránh lây nhiễm với người khác.
- Không sử dụng chung đồ dụng cá nhân: Trẻ nên có một số vật dụng cá nhân riêng như bát, đũa, thìa...để tránh dùng chung với người khác. Sau khi sử dụng nên cẩn thận rửa sạch các vật dụng trong nước ấm, xà phòng để loại trừ khả năng nhiễm khuẩn.
6. Phương pháp điều trị bệnh
Viêm họng do liên cầu khuẩn thường cần được điều trị với kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ (thường trong khoảng 10 ngày). Việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị kết hợp chăm sóc y tế phù hợp, cho trẻ nghỉ ngơi và bổ sung nhiều dịch để chống Mất nước sẽ giúp cho quá trình hồi phục của trẻ nhanh hơn.
Trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh, trẻ có thể sẽ hết sốt và không lây nhiễm, qua ngày thứ 2 hoặc thứ 3 các triệu chứng sẽ dần biến mất và trẻ có thể quay trở lại trường học như bình thường. Tuy nhiên cha mẹ cần chắc chắn đã kết thúc toàn bộ khóa thuốc, vì việc ngừng uống thuốc sớm có thể dẫn đến tái phát và gây biến chứng nghiêm trọng hơn (như sốt thấp khớp, viêm thận...).