Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Viêm màng não mô cầu là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng tránh

12/01/2021
Viêm màng não mô cầu là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng tránh

Viêm màng não do não mô cầu khuẩn tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và tử vong chỉ trong 24h. Vậy Viêm màng não do Não mô cầu là bệnh gì? Dấu hiện bệnh ra sao, có phương pháp nào phòng tránh bệnh?

1. Viêm màng Não mô cầu là bệnh gì?

Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh xuất hiện tái phát trong năm, tuy nhiên có thể thành dịch vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc là: 2.3/100.000 dân.

Não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C, và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A thường gặp nhất ở nước ta. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm Huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như: W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm Huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn gây bệnh nặng.

Bệnh Viêm màng não mô cầu hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85 - 95%.

2. Dấu hiệu khi mắc bệnh Viêm màng não mô cầu là gì?

Viêm màng não do não mô cầu khuẩn có những dấu hiệu đặc trưng là đau đầu đột ngột, sốt, cứng cổ, đôi khi kèm theo buồn nôn, nôn, chứng sợ ánh sáng, lơ mơ, hôn mê, tiêu chảy. Người mắc viêm màng não do não mô cầu khuẩn thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có mụn nước. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.

Các thể lâm sàng của bệnh:

  • Viêm màng não tủy cấp có mủ.
  • Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (Meningococcemia).
  • Viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu.
  • Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có Sốt và/hoặc viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5-10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.

3. Bệnh viêm màng não do não mô cầu có lây nhiễm không?

Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là con người. Do đó, nguồn lây bệnh chủ yếu là từ người bệnh sang người lành. Thống kê sau nhiều đợt dịch não mô cầu khuẩn cho thấy, có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và trên 50% người khoẻ mạnh đang mang vi khuẩn não mô cầu trong cơ thể.

Vi khuẩn não mô cầu có thể lây lan rất nhanh từ người sang người thông qua đường thở, qua nước bọt, dịch tiết mũi, họng khi ho, hắt hơi khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng, nhất là ở khu công cộng, nơi đông người.

Trong một tỷ lệ nhỏ (dưới 1%), vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và xâm nhập vào máu, lây lan đến nhiều cơ quan. Có đến 50% số người bị vi khuẩn não mô cầu vượt qua hàng rào máu não, vào dịch não tủy và gây viêm màng não mủ.

4. Ai có thế mắc bệnh viêm màng não mô cầu?

Tất cả mọi người đều có thể mắc viêm màng não do não mô cầu khuẩn, tuy nhiên trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Việc phơi nhiễm với khói thuốc lá, sống và sinh hoạt trong những điều kiện đông đúc, chật hẹp và tiếp xúc thân mật với nhiều người có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Thống kê từ các nước thuộc vành đai viêm màng não cũng cho thấy, tỷ lệ mắc viêm màng não do não mô cầu khuẩn cao ở đối tượng trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Trong đó, rủi ro đối với đối tượng sống hoặc đi du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ lưu hành các chủng não mô cầu khuẩn là lớn nhất. Do vậy, tất cả mọi đối tượng kể cả khách du lịch, cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn hiệu quả.

5. Làm thế nào để phòng bệnh viêm màng não mô cầu?

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn và trẻ em cần:

  • Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là địa phương có bệnh lưu hành, để người dân hiểu và phát hiện sớm bệnh, tiến hành cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.
  • Giữ vệ sinh nơi ở, giữ vệ sinh môi trường; nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.
  • Địa điểm ổ dịch cũ phải giám sát, phát hiện ngay các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người lân cận nếu có điều kiện, để tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
  • Bệnh nhân cần được điều trị triệt để tại cơ sở y tế. Người tiếp xúc với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.
  • Não mô cầu nhóm A hay gặp ở Việt Nam nhưng chưa có vaccine, do đó nên áp dụng biện pháp giám sát dịch tễ học nghiêm ngặt.

Nếu có biểu hiện mắc bệnh viêm màng não mô cầu, cần đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm màng não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, có khả năng năng trở thành bệnh dịch vì nó lây truyền qua đường hô hấp. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyên nên tiêm vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu tuýp B,C dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên và người lớn dưới 45 tuổi hoặc vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 bắt đầu 9 tháng trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.