Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Viêm tai giữa cấp ứ mủ có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

14/12/2020
Viêm tai giữa cấp ứ mủ có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Trẻ bị viêm tai giữa ứ mủ là dấu hiệu cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận tránh biến chứng sau này. Vậy Viêm tai giữa cấp ứ mủ có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

1. Viêm tai giữa cấp ứ mủ là bệnh gì?

Tai giữa là một khoang chứa nhiều không khí, hệ thống xương tai và có vòi Eustache thông xuống vùng họng hầu. Tai giữa dễ bị nhiễm bệnh do khi vùng hầu họng bị viêm, gây tắc vòi Eustache làm dịch bị ứ đọng tại tai giữa, các nguyên nhân gây bệnh từ vùng hầu họng di chuyển lên gây bệnh cho tai giữa.

Viêm tai giữa cấp là tình trạng tai giữa bị viêm kéo dài dưới 3 tuần với một hay nhiều các triệu chứng cấp tính như sốt, đau tai, chảy dịch tai...

Viêm tai giữa cấp ứ mủ là Tình trạng viêm tai giữa mà trong hòm nhĩ có chứa dịch tiết, đây là một trong những giai đoạn của viêm tai giữa. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến vỡ mủ gây thủng màng nhĩ.

Triệu chứng Viêm tai giữa cấp ứ mủ: Triệu chứng chia thành giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ

Giai đoạn ứ mủ:

  • Đau nhức bên tai bị viêm nhiều, kèm theo ù tai, giảm thính lực. Nếu ở trẻ nhỏ thường quấy khóc, bứt tai, trẻ ăn kém, mất ngủ.
  • Các triệu chứng khác: Sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, ngạt mũi...

Giai đoạn vỡ mủ: Nếu không điều trị thì dịch bên trong tai giữa sẽ gây thủng màng nhĩ và thoát ra ngoài

  • Thấy có mủ chảy ra tai ngoài, các triệu chứng ở tai giảm hẳn.
  • Tính chất dịch: Dịch có thể màu vàng, đặc hoặc dạng nhầy mủ.
  • Các triệu chứng khác có thể có: Sốt, ho, chảy mũi...

Viêm tai giữa cấp ứ mủ nếu không được điều trị đúng cách có nguy cơ tái phát và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai xương chũm, viêm màng não, tiêu xương tai, ảnh hưởng tới thính lực...

2. Cách điều trị viêm tai giữa cấp ứ mủ

Việc điều trị viêm tai giữa cấp ứ mủ phụ thuộc vào giai đoạn ứ mủ hay vỡ mủ. Ngoài ra cần điều trị nguyên nhân gây viêm tai giữa như các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp.

2.1. Điều trị giai đoạn ứ mủ

  • Điều trị giảm đau hạ sốt: Cần sử dụng các thuốc có tác dụng giảm đau, hạ Sốt để cải thiện các triệu chứng đau và Sốt của bệnh nhân. Các thuốc có thể sử dụng như paracetamol, ibuprofen...
  • Thuốc toàn thân: Kháng sinh, chống viêm, giảm tiết dịch. Kháng sinh được dùng theo kinh nghiệm hoặc tốt nhất điều trị theo kết quả kháng sinh đồ.
  • Thuốc nhỏ tai: Thường kết hợp kháng sinh với thuốc giảm viêm.
  • Chích rạch màng nhĩ và dẫn lưu mủ: Khi soi tai nhận thấy màng nhĩ căng phồng cần chích rạch màng nhĩ để cho dịch thoát ra ngoài, tránh hiện tượng thủng màng nhĩ. Nếu chích rạch màng nhĩ sẽ dễ liền hơn, còn nếu vỡ mủ gây thủng màng nhĩ có thể không tự liền lại được ảnh hưởng tới chức năng nghe.

2.2. Điều trị giai đoạn đã vỡ mủ

Khi đã vỡ mủ, cần làm sạch mủ còn lại bên trong tai giữa tại điều kiện cho màng nhĩ có thể liền lại được.

Các bước điều trị trong trường hợp viêm tai giữa cấp vỡ mủ:

Bước 1: Rửa tai

  • Bơm dung dịch rửa vào tai.
  • Kéo vành tai nhẹ cho dịch vào sâu bên trong tai, sau đó dùng dụng cụ làm sạch tai và lấy hết mủ còn ứ đọng bên trong. Làm nhiều lần để lấy hết mủ.
  • Cuối cùng cần lau khô hết dung dịch còn lại.

Bước 2: Nhỏ thuốc tai

  • Sau khi làm sạch tai, nghiêng đầu hướng ống tai lên trên.
  • Nhỏ thuốc được chỉ định vào tai và day nhẹ cho thuốc vào sâu bên trong.

Bước 3: Phun thuốc bột

  • Kéo nhẹ vành tai, sau đó cho bình thuốc và xịt vào ống tai.
  • Thuốc bột được sử dụng thường là kháng sinh.

2.3. Các biện pháp kết hợp

  • Chăm sóc, vệ sinh mũi họng đúng cách: Hút rửa mũi thường xuyên, nhất là khi dịch mũi đặc. Với những trẻ lớn hơn dạy trẻ cách xì mũi đúng cách, súc miệng họng bằng nước muối sinh lý.
  • Ngoài ra nếu trẻ bị viêm tai giữa thường xuyên do viêm VA, viêm amidan. Có thể được chỉ định nạo VA, cắt amidan.

3. Những lưu ý khi điều trị viêm tai giữa cấp ứ mủ

  • Tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để nhỏ vào tai.
  • Theo dõi các dấu hiệu toàn thân. Nhất là với trẻ nhỏ, cần theo dõi tri giác của trẻ như trẻ có các dấu hiệu như li bì, quấy khóc nhiều...
  • Theo dõi sự đáp ứng với điều trị, các dấu hiệu của sau khi điều trị.
  • Cần chú ý những biến chứng có thể xảy ra như viêm tai xương chũm, viêm màng não...
  • Cần chú ý kết hợp điều trị triệt để tình trạng viêm đường hô hấp.
  • Nếu trẻ thường xuyên bị tái phát viêm tai giữa ứ mủ, cần liên hệ cơ sở y tế để có biện pháp phòng tránh như việc cân nhắc đặt ông thông vòi nhĩ.

4. Phòng bệnh viêm tai giữa cấp ứ mủ như thế nào?

  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý về tai mũi họng như viêm VA, viêm mũi xoang...
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với người mắc các bệnh truyền nhiễm.
  • Đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, tiếp xúc nhiều người như bệnh viện, bến xe,...
  • Vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn nhằm hạn chế tình trạng đưa vi khuẩn vào cơ thể.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất nhằm thúc đẩy hệ miễn dịch và nâng cao thể trạng. Với trẻ không nên cai sữa mẹ quá sớm trước 12 tháng.
  • Tiêm chủng vắc-xin để phòng các bệnh như cúm, phế cầu...

Viêm tai giữa cấp ứ mủ có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị đúng và kịp thời. Nên khi thấy trẻ có các biểu hiện nghi ngờ cần khám và điều trị sớm.