Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT)

01/06/2021
Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT)

Xạ trị điều biến cường độ chùm tia hay còn gọi là xạ trị điều biến liều (IMRT): là một kỹ thuật xạ trị mà chùm tia xạ được điều biến sao cho cường độ tại các điểm bên trong trường chiếu là không đồng nhất bằng cách sử dụng bộ bù mô (compensator) hoặc các cặp lá của bộ chuẩn trực đa lá (MLC),...

IMRT đã được đưa vào lâm sàng từ những năm đầu thập kỷ 1990. Ngày nay, IMRT đã trở thành một mô thức chuẩn cho phép phân phát liều xạ có độ phù hợp cao hơn (liều bảo phủ thể tích khối u được cải thiện hơn và tránh được các mô lành nhiều hơn) so với kỹ thuật xạ trị tương thích 3 chiều (3D-CRT) và Xạ trị thường quy.

Xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) là một sự phát triển mới của IMRT, kỹ thuật này cho phép phân phát liều xạ có độ phù hợp cao hơn, khoảng thời gian điều trị ngắn hơn và lượng bức xạ (MU) phát ra ít hơn so với kỹ thuật IMRT. Trong quá trình xạ trị VMAT, máy gia tốc tuyến tính vừa có thể thay đổi suất liều, thay đổi vị trí các lá MLC đồng thời Gantry vừa quay xung quanh bệnh nhân.

VMAT là kỹ thuật xạ trị công Nghệ cao đã được áp dụng tại các nước phát triển trên thế giới từ những năm 2007 ở Mỹ và ở Nhật Bản từ 2008. Ở Việt Nam, VMAT đã được triển khai thành công và trở thành thường quy tại Vinmec cho các bệnh nhân ung thư đầu - cổ, tiểu khung từ tháng 12/2014.

1. Đối tượng chỉ định

  • Áp dụng với bệnh nhân nào: Tất cả bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị.
  • Chống chỉ định với ai: bệnh nhân đã xạ trị, có bệnh hệ thống phức tạp, bệnh nhân tử vong gần, bệnh nhân không nằm yên được trên bàn máy để thực hiện kĩ thuật.

2. Ưu/nhược điểm của kỹ thuật?

2.1 Ưu điểm

  • Cung cấp liều xạ tối ưu đến mục tiêu điều trị và giảm liều đến các mô lành bên cạnh khối U, giảm tác dụng phụ cấp tính của xạ trị (dưới 20% tác dụng phụ độ 3 trở lên với kỹ thuật thông thường và dưới 5% với kỹ thuật VMAT) như khô miệng, viêm da, cứng hàm,... Vì vậy kỹ thuật VMAT thể hiện sự ưu điểm vượt trội với các khối U ở gần các cơ quan quan trọng của cơ thể ( VD: Ung thư vùng đầu cổ, Ung thư vùng tiểu khung ...). Theo thống kê tại Trung tâm xạ trị Vinmec Times City: Với các bệnh nhân điều trị kỹ thuật VMAT thì tỷ lệ sống thêm toàn bộ đạt 87,5% sau 3 năm đối với ung thư đầu – cổ tương đương kết quả tại Nhật Bản
  • Giảm thời gian điều trị xạ trị xuống từ 1/2 đến 2/3 thông qua việc cấp liều cao và chính xác đến khối U mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh
  • Mang lại sự thoải mái và yên tâm cho người bệnh khi nằm điều trị hàng ngày

2.2 Nhược điểm

  • Giá thành cao, quy trình phức tạp, trang thiết bị và máy hiện đại đắt tiền

3. Quy trình thực hiện (các bước thực hiện)

Bước 1: Thông qua chỉ định xạ trị của Hội đồng ung thư đa chuyên khoa: Các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: Xạ trị ung thư, Nội khoa ung thư, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh,... sẽ cùng hội chẩn xem xét và đưa ra quyết định có chỉ định VMAT cho bệnh nhân hay không.

Bước 2: Chụp CT mô phỏng xạ trị

Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) - ảnh 1
Hình 1. Làm mặt nạ, đặt tư thế và cố định bệnh nhân trong phòng Chụp CT mô phỏng.

Bước 3: Lập kế hoạch xạ trị VMAT

Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) - ảnh 2
Hình 2. Thiết kế trường chiếu (cung quay) và lập kế hoạch xạ trị VMAT đảm bảo cấp dữ liều vào khối u và tránh các cơ quan lành xung quanh.

Bước 4: Kiểm tra chất lượng kế hoạch trước xạ trị: Thực hiện chiếu xạ kế hoạch lên phantom và tiến hành đo liều thực tế để so sánh với liều tính toán trên kế hoạch nhằm kiểm tra chất lượng kế hoạch trước xạ trị.

Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) - ảnh 3
Hình 3. Chiếu xạ kế hoạch lên phantom và đo liều thực tế so với liều tính toán trên kế hoạch để kiểm tra chất lượng kế hoạch trước xạ trị.

Bước 5: Xạ trị VMAT hàng ngày: Sử dụng bộ dụng cụ đặt tư thế và cố định bệnh nhân giống như lúc chụp CT mô phỏng. Trước khi chiếu xạ theo kế hoạch, tiến hành chụp xác minh (chụp x-quang hai chiều hàng ngày và chụp ba chiều CBCT 2 lần / một tuần) để kiểm tra các mốc xương và đánh giá sự chính xác của kỹ thuật.

Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) - ảnh 4
Hình 4. Chụp xác minh X-quang 2 chiều và 3 chiều CBCT đảm bảo chiếu xạ đúng vị trí khối u cần xạ.

Bước 6: Theo dõi và đánh giá bệnh nhân trong, sau xạ trị: Theo dõi và đánh giá bệnh nhân trước, trong và sau các buổi xạ VMAT. Sau đó mỗi 6 tháng, bệnh nhân được đánh giá lâm sàng, chụp MRI/CT/PET-CT.

4. Một số hình ảnh điều trị

Bệnh nhân đầu tiên ung thư vòm họng giai đoạn T3N2bM0

Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) - ảnh 5
Hình 4. Hình ảnh chụp PET-CT sau 6 tháng điều trị cho thấy khối u đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Bệnh nhân Ung thư Họng miệng T4N1M0

Xạ trị công nghệ cao – kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) - ảnh 6
Hình 5. Hình ảnh chụp trước và sau 9 tháng điều trị khối u đã tiêu hoàn toàn.