1. Tìm hiểu chung về ung thư tiền liệt tuyến
Tuyến tiền liệt là tuyến chỉ có ở nam giới, vị trí nằm ở dưới bọng đái, phía trước ruột già. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, có chức năng vô cùng quan trọng đối với quá trình sinh sản, vì đây là bộ phận sản sinh ra tinh dịch và vận chuyển tinh trùng.
Ung thư tiền liệt tuyến thường bắt gặp ở nam giới trong độ tuổi trung niên. Do bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt ở giai đoạn đầu, vì vậy muốn phát hiện bệnh sớm, nam giới trên 40 tuổi nên đi kiểm tra tầm soát Ung thư tuyến tiền liệt định kỳ hằng năm.
Trong trường hợp gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Thông thường, ung thư tiền liệt tuyến sẽ được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng kết hợp với việc tiến hành Xét nghiệm cận lâm sàng ở hậu môn, trực tràng, kiểm tra sinh thiết tuyến tiền liệt bằng cách siêu âm trực tràng và Xét nghiệm máu.
Trong các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh ung thư tiền liệt tuyến, PSA được coi là phương pháp cho tỷ lệ chính xác nhất, qua đó kịp thời chữa trị bệnh.
2. PSA là gì?
PSA là một kháng nguyên được tiết ra nhờ các tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt, có khối lượng phân tử từ 30.000 – 34.000 dalton. Đây là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt và được gen KLK 3 mã hóa.
PSA được coi là dấu ấn trong việc chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến thông qua tỷ lệ PSA tự do/ PSA toàn phần. Khoảng 30% PSA trong máu không gắn với protein, hay còn gọi là PSA tự do và không có chức năng phân hủy protein.
3. Ý nghĩa của xét nghiệm PSA trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến
Xét nghiệm PSA nên được thực hiện định kỳ hàng năm đối với nam giới trong độ tuổi từ 50 trở lên, 40 tuổi trở lên với những trường hợp gia đình có tiền sử mắc bệnh, qua đó giúp sàng lọc và phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến.
3.1 Chỉ số đánh giá PSA toàn phần ở người bình thường
Người bình thường sẽ có nồng độ PSA toàn phần trong máu rất thấp, < 4 ng/mL. Tuy nhiên, do kích thước tiền liệt tuyến gia tăng theo độ tuổi, nên có những tiêu chí đánh giá khác nhau cho từng độ tuổi khác nhau.
- Từ 40 – 49 tuổi: PSA ≤ 2.5 ng/mL
- Từ 50 – 59 tuổi: PSA ≤ 3.5 ng/mL
- Từ 60 – 69 tuổi: PSA ≤ 4.5 ng/mL
- Từ 70 – 79 tuổi: PSA ≤ 6.5 ng/mL
3.2 Xác định nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến thông qua chỉ số PSA toàn phần
Nồng độ PSA toàn phần trong máu tăng kéo theo gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Giá trị giới hạn của chỉ số PSA toàn phần trong việc chẩn đoán ung thư là ≥ 4 ng/mL, độ nhạy là 21% và độ đặc hiệu 91%.
Những người có tốc độ gia tăng PSA toàn phần > 0.75 ng/mL/năm được xác định có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ngoài ra trong trường hợp tốc độ tăng PSA < 0.75 ng/mL/năm được chẩn đoán có nguy cơ mắc các bệnh lý về tuyến tiền liệt nhưng lành tính.
Tuy nhiên, chỉ số PSA toàn phần trong máu tăng không có nghĩa là mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, mà có thể là dấu hiệu nhận biết một số bệnh khác như viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư tiền liệt tuyến, cần phải xem xét thêm chỉ số PSA tự do trong máu.
3.3 Chẩn đoán chính xác bệnh ung thư tiền liệt tuyến qua tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn bộ trong máu
Trường hợp chỉ số PSA toàn phần tăng từ 4.1-10 ng/mL, kết hợp với việc xác định tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn bộ trong máu ≤ 0.155, với độ nhạy 85% và độ đặc hiệu 56.5% giúp chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến.