Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Xơ nang tuyến vú: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

26/04/2021
Xơ nang tuyến vú: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Xơ nang tuyến vú là loại bệnh lý lành tính và xuất hiện nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30-50. Bệnh lý này phát triển do vú bị chịu tác động từ việc rối loạn cân bằng nội tiết trong cơ thể một thời gian dài gây ra. Cảm giác đau đớn ở ngực làm người bệnh khó chịu, việc điều trị giúp người bệnh giảm bớt các đau và sự tăng nhạy cảm ở vú.

1. Xơ nang tuyến vú là gì?

Xơ nang tuyến vú là một tổn thương lan tỏa bao gồm nhiều bất thường phối hợp của nhiều yếu tố: tăng sinh các tuyến và ống tuyến vú kết hợp với xơ hóa mô đệm.

Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi, bệnh lý có tính chất lành tính nhưng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú.

2. Các dạng Xơ nang tuyến vú thường gặp

  • U nang tuyến vú: Nang vú là tình trạng ống tuyến sữa hay ống dẫn sữa giãn ra thành nang chứa dịch, dịch tiết ra càng nhiều nang càng phình to lên. Đặc điểm tổn thương là một khối tròn hay bầu dục, kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm, bên trong chứa dịch, bọc bên ngoài là vỏ nang có thể mỏng hoặc dày.
  • Viêm xơ tuyến vú: Là tổn thương dạng khối đặc, kích thước vài cm, không rõ ranh giới, thường xuất hiện ở nửa trên ngoài của vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh. Sau khi mãn kinh, hiện tượng này giảm dần và mất đi
  • Tăng sản ống tuyến vú: Tổn thương thường dưới dạng mảng hay khối đặc, kích thước từ 1 đến vài cm, có thể là một mảng hoặc nhiều mảng ở 1 hoặc 2 vú. Gần ngày có kinh, kích thước to hơn và gây đau nhiều, khi có kinh thì kích thước lại nhỏ lại và ít đau hơn.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây xơ nang tuyến vú

3.1 Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh chủ yếu là do tổ chức tuyến vú bị tác động kéo dài của tình trạng rối loạn cân bằng giữa estrogen và progesterone. Trong đó nồng độ estrogen tăng hơn so với progesterone, có thể do tăng nồng độ Estrogen nội sinh hoặc tăng sự nhạy cảm của tuyến vú với Estrogen nội sinh.

3.2 Yếu tố nguy cơ

  • Phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi.
  • Thường xuyên sử dụng các thuốc có chứa estrogen.
  • Liên quan đến chế độ ăn uống: Một số trường hợp ăn chocolate, uống Caffeine hoặc ăn thức ăn nhiều chất béo gây ra triệu chứng bệnh. Tuy nhiên chưa có bằng chứng rõ ràng cho điều này.

4. Dấu hiệu của xơ nang tuyến vú

Có rất nhiều phụ nữ không có dấu hiệu gì khi bị xơ nang tuyến vú, tuy nhiên một số sẽ có các dấu hiệu bệnh như:

  • Đau vú:

Đây là dấu hiệu thường gặp nhất, đau có liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt, thường xuất hiện khoảng 8 ngày trước khi hành kinh, mất đi sau hành kinh. Đau có thể ở 1 hoặc 2 vú, thường gặp ở nửa trên ngoài vú. Nhiều phụ nữ đau nhiều không dám động vào ngực. Đau có thể lan ra hai tay.

  • Sờ thấy khối hay những tổn thương tại vú với đặc trưng:

Các U nang đặc trưng: Khối u tròn, giới hạn rõ, hơi cứng, thường đau, vị trí thường ở 1/4 trên ngoài hay thấy nổi cục ở nhũ hoa, kích thước và số lượng thay đổi.

Sờ thấy những mảng cứng trên vú giới hạn không rõ, vị trí hay gặp là 1/4 trên ngoài, mất đi sau hành kinh.

  • Cảm thấy vú to hơn bình thường.

5. Chẩn đoán xơ nang tuyến vú như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh cần dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và kết hợp với các Xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

Siêu âm là phương pháp đơn giản, phát hiện vị trí, số lượng, kích thước các khối u, sự tăng xơ của tuyến vú và có thể giúp phân biệt giữa các tổn thương dạng nang hay tổn thương đặc.

Chụp X - quang vú: Trên X- quang có thể thấy:

  • Vú tăng mật độ.
  • Cản quang mờ tương ứng với các vùng bị phù nề.
  • Cản quang tròn tương ứng với u nang.
  • Những vết canxi hóa to, nhỏ rải rác, không tập trung thành nhóm.

Chọc hút làm tế bào: Chọc hút dịch trong nang vú cho phép đánh giá màu sắc của dịch:

  • Khi chọc hút dịch lẫn máu thường nghĩ tới ung thư dạng nang.
  • Nếu dịch trong, vẩn đục, vàng hoặc xanh, khi đó thường là nang lành tính. Sau chọc hút nang, cần khám lại vú nhằm đảm bảo khối u đã hoàn toàn loại bỏ. Nếu khối u còn sót, cần tiến hành sinh thiết.

Xơ nang tuyến vú là tổn thương lành tính nên khi các chị em gặp phải tình trạng này không nên lo lắng, tuy nhiên bệnh làm tăng nguy cơ ung thư nhất là ở những đối tượng có tiền sử gia đình mắc ung thư vú. Khi sờ thấy các mảng cứng hay cục ở vú chị em nên đi khám, phát hiện bệnh qua các phương tiện cận lâm sàng.

6. Điều trị xơ nang tuyến vú như thế nào?

Xơ nang tuyến vú là bệnh lành tính, có thể điều trị. Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp tùy thuộc vào tổn thương trên từng người bệnh.

6.1 Điều trị nội khoa

Dùng thuốc là phương pháp chủ yếu trong điều trị xơ nang tuyến vú, giúp giảm triệu chứng đau và giảm sự nhạy cảm của vú.

Các thuốc thường được dùng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Nếu người bệnh quá đau, vượt qua sự chịu đựng có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol, hay các thuốc chống viêm không steroid khác. Tuy nhiên không nên dùng kéo dài và thời gian dùng tối thiểu cách nhau 4 giờ.
  • Thuốc nội tiết: Các thuốc thường được dùng bao gồm Progesterone dạng bôi hay uống; Thuốc có tác dụng đối kháng với estrogen ví dụ như tamoxifen.

Các hỗ trợ khác:

Chườm ấm: Dùng túi chườm nóng hay các phương tiện khác chườm vào vị trí đau, giúp giảm bớt cảm giác khó chịu, đau, căng tức.

Chế độ sinh hoạt: Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, duy trì chế độ tập luyện cân đối, khoa học.

Chế độ ăn uống: Nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin B từ nguồn thực vật như như ngũ cốc nguyên cám, thức ăn có chứa canxi như các chế phẩm của sữa, ăn nhiều trái cây, rau quả giúp giảm ứ nước, giảm các triệu chứng đau tức ngực. Cần tránh các thức ăn nhiều muối, nhiều chất béo, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

6.2 Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi các nang chứa dịch to gây căng đau, nang vú bội nhiễm áp xe hóa, chọc dò dịch có lẫn máu, có u nhú trong nang, xét nghiệm tế bào cho kết quả nghi ngờ khả năng ác tính cao.

  • Trường hợp xơ nang tuyến vú không nghi ngờ ác tính nhưng căng đau nhiều, có thể thực hiện dẫn lưu đơn thuần dịch nang.
  • Nếu nghi ngờ khả năng ác tính cao: Chọc dò thấy có máu, có u nhú trong nang hay làm xét nghiệm tế bào nghi ngờ cần phải phẫu thuật cắt bỏ nang.
  • Nghi ngờ ung thư sau khi điều trị cần tiến hành sinh thiết tế bào hoặc sau khi dẫn lưu nang còn tồn tại mảng cứng hay mảng cứng xuất hiện sau 2 chu kỳ kinh.