Tìm hiểu chung
Xét nghiệm ADN là gì?
Xét nghiệm ADN là một phương pháp phân tích ADN (axit deoxyribonucleic), dùng để xác định các yếu tố về gen và có nhiều ứng dụng thực tế, chẳng hạn như:
Thử nghiệm huyết thống: tiến hành kiểm tra quan hệ huyết thống giữa cha, mẹ – con cái; anh, chị, em; ông, bà – cháu…
Xét nghiệm pháp y: xác định danh tính nạn nhân hoặc nghi phạm trong những cuộc điều tra hình sự
Liệu pháp gen: kiểm tra về tình trạng di truyền hoặc dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Thông thường, Xét nghiệm ADN với mục đích cá nhân thường là Xét nghiệm để kiểm tra huyết thống nhằm xác định chắc chắn một mối quan hệ cụ thể.
Vậy nên, bài viết này Hello Bacsi sẽ đề cập chủ yếu đến vấn đề xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống.
Xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống
Trung tâm xét nghiệm sẽ thực hiện phân tích ADN của hai cá nhân (có nghi ngờ quan hệ huyết thống) để xác định thông tin di truyền của họ. Thông tin di truyền của mỗi người được thừa hưởng một nửa từ cha và một nửa từ người mẹ. Bằng cách so sánh các thông tin di truyền với nhau sẽ xác định được mối quan hệ huyết thống giữa hai người.
Xét nghiệm ADN xác định mối quan hệ huyết thống là phương pháp chính xác nhất hiện nay. Nếu các mẫu ADN của mẹ, con và bố nghi vấn khớp với nhau trong từng gen thì độ chính xác có quan hệ huyết thống là 99.9999% (với 16 locut gen) và đạt tới 99,99999998% (33 locut gen).
Nếu mẫu ADN của người con và bố nghi vấn không khớp với nhau từ hai gen trở lên, thì người đàn ông này không phải là cha đẻ của đứa trẻ với độ chính xác là 100%.
Quy trình thực hiện
Xét nghiệm ADN được thực hiện lần lượt theo các bước: Thu mẫu – Phân tích – Trả kết quả. Trong đó, mỗi bước đều phải được đảm bảo thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt để tránh nhầm lẫn, nhiễm mẫu hay phân tích sai.
Thu mẫu xét nghiệm ADN
Tùy vào nhu cầu thực hiện các loại xét nghiệm ADN khác nhau có thể thu được nhiều loại mẫu xét nghiệm khác nhau như:
Xét nghiệm ADN xác định mối quan hệ huyết thống: mẫu tóc có chân tóc, móng tay, móng chân, niêm mạc miệng, máu, cuống rốn khô, bàn chải đánh răng đã qua sử dụng…
Xét nghiệm ADN tầm soát bệnh ung thư, chẩn đoán bệnh di truyền và nhiều loại bệnh khác: mẫu máu
Nếu muốn xác định ADN với hài cốt người đã mất, bạn cần phải thu được mẫu xương (hoặc răng) của hài cốt nghi ngờ và so sánh với mẫu tóc (có chân tóc), móng, niêm mạc… của người cần thử nghiệm.
Quản lý mẫu xét nghiệm:
Đối với xét nghiệm ADN tự nguyện: người muốn thực hiện xét nghiệm có thể tự thu mẫu tại nhà và gửi đến trung tâm xét nghiệm.
Đối với xét nghiệm ADN hành chính: trung tâm xét nghiệm ADN chịu trách nhiệm thu mẫu và quản lý mẫu, đảm bảo không có sự nhầm lẫn mẫu, kết quả cuối cùng được đưa ra là hoàn toàn khách quan và chính xác.
Phân tích ADN
Quy trình phân tích ADN được đảm bảo tiến hành nghiêm ngặt, tất cả các cuộc xét nghiệm ADN đều được thực hiện trong phòng xét nghiệm đạt chuẩn, để kết quả cuối cùng là hoàn toàn khách quan, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tác động nào.
Quá trình phân tích ADN gồm các bước:
Tách chiết ADN
Nhân bội – khuếch đại ADN
Điện di phân tích ADN
Mã hóa bằng mã vạch kết quả phân tích ADN
Hướng dẫn đọc kết quả
Thời gian trung bình để bạn nhận được kết quả xét nghiệm ADN là khoảng 2–3 ngày sau khi gửi mẫu đến trung tâm xét nghiệm. Một số trường hợp đặc biệt có thể lấy kết quả trong 24 giờ.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì, hãy đem kết quả xét nghiệm đến gặp bác sĩ để được tư vấn, giải đáp.
Những thông tin liên quan đến xét nghiệm ADN (xác định huyết thống)
Người mẹ có cần tham gia vào xét nghiệm ADN hay không?
Giám định ADN để xác định huyết thống có thể thực hiện không cần mẹ. Nếu như các mẫu ADN của bố nghi vấn và con không khớp với nhau thì khả năng người đàn ông là bố của đứa bé bị loại trừ 100%.
Nếu ADN của hai mẫu giám định khớp với nhau hoàn toàn thì khả năng người đàn ông đó là bố đẻ đạt tới 99,999% hoặc cao hơn.
Trong trường hợp các mẫu ADN của bố nghi vấn và con không khớp với nhau từ 1 đến 2 gen thì việc yêu cầu phân tích thêm mẫu của người mẹ là cần thiết.
Độ tuổi nào thì có thể thực hiện xét nghiệm ADN?
Hệ gen của từng người được thiết lập ngay tại thời điểm thụ thai và thường không thay đổi nên xét nghiệm ADN xác định huyết thống có thể tiến hành ở bất kỳ độ tuổi nào, thậm chí trên mẫu vật lấy từ trẻ chưa sinh (nước ối có chứa các tế bào của thai nhi).
Có thể giám định huyết thống ở thai nhi từ 14–20 tuần (khi lấy được 3–4ml nước ối). Trong nước ối có chứa nhiều tế bào của thai nhi, tuy nhiên việc lấy nước ối sẽ được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa sản sau đó chuyển sang cơ quan giám định.
Giám định huyết thống của thai nhi trong các trường hợp người mẹ bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai để xác định ai là cha đứa trẻ hoặc trong các trường hợp người bố nghi ngờ không phải là con của mình…
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện giám định ADN ở trẻ em bằng cách lấy một lượng mẫu máu rất nhỏ (1/4 giọt máu), một tăm bông chứa các tế bào trong miệng trẻ hay một mẩu nhỏ cuống rốn đã rụng…
Trên thế giới có bao nhiêu bộ kit để xét nghiệm ADN xác định huyết thống?
Hiện nay có nhiều hãng sản xuất các bộ kit dùng xét nghiệm ADN để xác định huyết thống được dùng trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có các bộ kit chuẩn quốc tế như PowerPlex® Fusion, PowerPlex® Y23, Kit mở rộng HDplex và Argus X12 là được dùng phổ biến nhất và là bộ kít chuẩn CODIS của FBI, Mỹ. Ưu điểm của bộ kit này là độ nhạy cao, tín hiệu phân tích rõ nét, do đó kết quả có độ chính xác cao.
Bạn có thể xét nghiệm ADN ở đâu?
Bạn có thể tham khảo một vài trung tâm xét nghiệm ADN dưới đây:
Tại thành phố Hồ Chí Minh
Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công An
Phân viện Pháp y Quốc gia
Bệnh viện Truyền máu và Huyết học
Medic–Lab
Tại Hà Nội
Trung tâm Giám định gen
Viện pháp y Quân đội
Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền
Công ty Gentis
Nguồn tham khảo
Xét nghiệm ADN, https://www.verywellfamily.com/about-paternity-tests-1270746
Xét nghiệm ADN, http://www.bbc.co.uk/science/0/20205874
Xét nghiệm ADN, https://my.clevelandclinic.or