Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

3 phương pháp nội soi dạ dày thường gặp là những loại nào?

27/05/2021
3 phương pháp nội soi dạ dày thường gặp là những loại nào?

Nội soi dạ dày là kỹ thuật đang được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thực quản - dạ dày - tá tràng. Bên cạnh nội soi dạ dày đường miệng truyền thống, hiện đã có những kỹ thuật nội soi dạ dày không đau như nội soi gây mê, nội soi qua viên nang, nội soi bằng đường mũi.

1. Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày là thủ thuật thăm dò phần trên của hệ thống tiêu hóa, bao gồm các cơ quan thực quản, dạ dày và tá tràng.

Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa một ống nội soi nhỏ có gắn đèn chiếu sáng và một camera nhỏ qua đường mũi hoặc miệng đến thực quản vào tới dạ dày, tá tràng của bệnh nhân. Hình ảnh được camera ghi lại, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện các tổn thương bất thường của ống tiêu hóa, từ đó chẩn đoán sớm và đánh giá chính xác các bệnh lý dạ dày, hệ tiêu hóa mà bệnh nhân đang gặp phải.

Chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa bằng nội soi dạ dày có độ chính xác cao hơn so với siêu âm hay chụp X-quang. Ngoài chẩn đoán bệnh, nội soi dạ dày còn được chỉ định để điều trị xuất huyết tiêu hóa, lấy các dị vật ống tiêu hóa, lấy mẫu mô sinh thiết (để Xét nghiệm mô bệnh học trong các trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc đánh giá bệnh nhân có nhiễm Helicobacter Pylori không).

1.1 Chỉ định

Bệnh nhân thuộc các nhóm đối tượng dưới đây thường được chỉ định thực hiện nội soi dạ dày:

  • Có triệu chứng đau vùng thượng vị, đau bụng kéo dài, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, đi ngoài ra máu, khó nuốt, nuốt vướng,...;
  • Có tiền sử bệnh lý tại dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày,... cần được thăm khám kiểm tra bệnh;
  • Có lối sống không lành mạnh, thường xuyên uống rượu, bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích;
  • Có bố, mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa trên;
  • Muốn thực hiện tầm soát Ung thư dạ dày - thực quản.
3 phương pháp nội soi dạ dày thường gặp là những loại nào? - ảnh 1
Người bệnh đau bụng vùng thượng vị cần được nội soi dạ dày, giúp phát hiện nguyên nhân gây đau bụng

1.2 Chống chỉ định

  • Tuy nhiên, có một số trường hợp cần hoãn nội soi dạ dày để đảm bảo an toàn. Người bị suy Hô hấp cấp; có các dấu hiệu bất thường về thần kinh, không hợp tác khi thực hiện nội soi,
  • Mắc bệnh ở tim như suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim;
  • Bị thủng dạ dày hoặc thủng một vị trí nào đó tại ống tiêu hóa; có túi phình bất thường tại thực quản,...

2. Tìm hiểu 3 phương pháp nội soi dạ dày thường gặp

2.1 Nội soi dạ dày qua đường mũi

Bác sĩ sẽ sử dụng một loại ống nội soi rất nhỏ, luồn qua đường mũi của người bệnh sau khi đã được gây tê, đi qua họng, dẫn xuống thực quản, dạ dày, tá tràng để quan sát niêm mạc.

Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện được tổn thương nếu có, đồng thời thực hiện lấy mẫu Xét nghiệm vi khuẩn HP, ung thư dạ dày,... giúp phát hiện bệnh sớm để có phương án điều trị kịp thời.

Ưu điểm của nội soi dạ dày bằng mũi là:

  • Giúp bệnh nhân giảm khó chịu, không gây buồn nôn, nôn mửa trong khi nội soi;
  • Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ trong quá trình nội soi;
  • Độ an toàn cao vì thủ thuật này không cần gây mê, ít gây thay đổi về nhịp tim hay huyết áp;
  • Hiệu quả cao vì sử dụng ống nội soi nhỏ có thể đi qua các tổn thương gây chít hẹp đường tiêu hóa, có thể khảo sát sâu hơn, chi tiết hơn ở những vị trí mà ống nội soi thông thường không thể đi qua được;
  • Thời gian chuẩn bị và thực hiện nội soi nhanh, chỉ khoảng 15 phút;
  • Giúp bác sĩ có thời gian thăm khám kỹ hơn, đánh giá chính xác các tổn thương.
3 phương pháp nội soi dạ dày thường gặp là những loại nào? - ảnh 2
Nội soi dạ dày đường mũi không gây cảm giác buồn nôn cho người bệnh

Nhược điểm:

Tuy vậy, thủ thuật này cũng có hạn chế là: Không được thực hiện đối với những trường hợp bị hẹp khe mũi hoặc dị dạng vách ngăn mũi; khi rút ống nội soi, một số bệnh nhân có thể bị đau mũi hoặc chảy máu mũi.

2.2 Nội soi dạ dày gây mê

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê trước khi thực hiện nội soi. Việc này giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn, khó chịu.

Ưu điểm của nội soi dạ dày gây mê là:

  • Giúp bệnh nhân không bị đau đớn, khó chịu, buồn nôn hoặc sợ hãi trong suốt quá trình nội soi, xua tan ám ảnh sau khi nội soi;
  • Thời gian gây mê ngắn với liều lượng thuốc gây mê thấp nên thủ thuật này khá an toàn, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Sau khi thực hiện, bệnh nhân tỉnh táo nhanh, không ảnh hưởng tới hệ thần kinh;
  • Cho hình ảnh quan sát rõ nét, độ chính xác cao, giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán tình trạng bệnh lý của bệnh nhân;
  • Nội soi gây mê nên bệnh nhân nằm yên, giúp thao tác chính xác hơn, hạn chế các tổn thương gây ra cho niêm mạc.

Lưu ý khi thực hiện nội soi gây mê:

  • Cần thông báo cho bác sĩ về loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng như thuốc tiểu đường, thuốc ngừa đông máu,... trước khi thực hiện nội soi;
  • Trước khi nội soi 6 - 8 tiếng, bệnh nhân không nên ăn uống bất cứ thứ gì, đặc biệt là thức uống có màu như sữa, cà phê,...;
  • Bệnh nhân nên ngừng uống nước trước khi nội soi 6 - 8 tiếng để tránh trào ngược vào phổi;
  • Sau khi nội soi, người bệnh không nên khạc nhổ và cần nhịn ăn uống thêm khoảng 30 phút;
  • Sau khi nội soi, nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường như nôn mửa kéo dài, đau bụng trầm trọng, đi tiêu phân đen, khó thở, Sốt cao,... bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
3 phương pháp nội soi dạ dày thường gặp là những loại nào? - ảnh 3
Người bệnh được gây mê trước khi thực hiện nội soi dạ dày

2.3 Nội soi dạ dày qua viên nang

Bệnh nhân sẽ nuốt vào một thiết bị camera có hình dạng giống viên thuốc tròn. Thiết bị có thể chụp liên tục 3 hình/giây, truyền qua máy hiển thị, giúp bác sĩ xem xét và chẩn đoán các tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.

Thủ thuật nội soi dạ dày bằng viên nang có những ưu điểm như:

  • Không đau, không gây khó chịu, buồn nôn;
  • Giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh ở đường ruột - những vùng mà ống nội soi thông thường khó đi tới;
  • Trong quá trình thực hiện nội soi, bệnh nhân có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường;
  • Giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP qua dụng cụ nội soi chung;
  • Không gây ra tác dụng phụ hay biến chứng.

Tuy vậy, vì ứng dụng công Nghệ hiện đại nên phương pháp nội soi dạ dày qua viên nang có chi phí khá lớn, trên 10 triệu đồng/lần thực hiện nội soi.

Lưu ý khi nội soi dạ dày qua viên nang:

  • Khi nuốt viên nang, đảm bảo bác sĩ đã kiểm tra kỹ lưỡng khả năng thu - phát tín hiệu, đèn báo, camera,... của viên nang;
  • Chỉ uống, tuyệt đối không ăn bất cứ thứ gì trong vòng 4 tiếng sau khi nuốt viên nang;
  • Từ khi nuốt viên nang được 4 tiếng, bệnh nhân có thể ăn nhẹ và vận động bình thường.

Ngoài 3 phương pháp nội soi dạ dày ít đau trên, có một phương pháp vẫn đang được sử dụng phổ biến là nội soi dạ dày qua đường miệng. Khi thực hiện, bệnh nhân được uống một loại thuốc giúp loại bỏ dịch nhầy ở niêm mạc, sau đó xịt thuốc tê vào miệng để giảm khó chịu. Tiếp theo, ống nội soi được đưa vào miệng, qua thực quản, xuống dạ dày, tá tràng. Phương pháp này có độ chính xác cao, chi phí thăm khám thấp nhưng có nhược điểm là bệnh nhân thường có cảm giác khó chịu, nghẹn thở, buồn nôn trong suốt quá trình nội soi và cả sau khi kết thúc nội soi.

Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán các tổn thương hay bệnh lý tại dạ dày một cách an toàn, hữu hiệu. Để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng và an toàn, cho kết quả thăm khám chính xác, bệnh nhân nên phối hợp theo hướng dẫn của bác sĩ và chọn thực hiện dịch vụ tại các địa chỉ uy tín.