Mục lục:

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ cần được tiến hành nhanh chóng để giảm thiểu các biến chứng nặng nề mà bệnh có thể gây ra. Phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ được lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe tổng quát của từng người bệnh cụ thể.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tổng quan về bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là bệnh lý viêm nhiễm của đoạn ruột già do không được cung cấp đủ máu gây thiếu oxy tại mô. Bệnh thường xảy ra trong bối cảnh cấp tính, tiến triển nhanh, chiếm trên 80% trong tổng số các trường hợp, có thể do các cục máu đông từ vị trí khác trong cơ thể theo máu đến gây tắc nghẽn các nhánh mạch máu nuôi dưỡng các đoạn đại tràng hoặc tình trạng xơ vữa mạch máu tại chỗ gây giảm lưu lượng máu đột ngột. Khi không được cung cấp đủ máu, nhu cầu oxy mô không được đảm bảo, nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, nguy hiểm nhất là Hoại tử đại tràng cần cắt bỏ. Một số hiếm các trường hợp, bệnh nhân có thể không còn triệu chứng sau vài ngày và phục hồi dần trong khoảng 2 tuần. Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là một bệnh lý nguy hiểm, vì thế nếu người bệnh có những yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh hoặc các dấu hiệu lâm sàng gợi ý cần tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ - ảnh 1
Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là một bệnh lý nguy hiểm, cần đi khám ngay nếu bạn có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh

2. Nguyên nhân viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Nguyên nhân viêm đại tràng thiếu máu khá đa dạng nhưng đều gây một hậu quả chung là giảm thiểu lượng máu đến nuôi dưỡng mô và không đảm bảo cung cấp đủ oxy đến mô. Một số nguyên nhân thường gặp có thể được liệt kê phía dưới như sau:

  • Các nhánh động mạch nuôi dưỡng đại tràng có tình trạng tổn thương dạng xơ vữa mạch máu, mảng xơ vữa lớn dần gây hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu đến ruột già.
  • Huyết khối hình thành từ các vị trí khác trong cơ thể do hẹp van hai lá, rung nhĩ, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim, huyết khối tĩnh mạch, ... theo hệ tuần hoàn trong cơ thể đến làm tắc nghẽn các nhánh động mạch chịu trách nhiệm Dinh dưỡng cho ruột già.
  • Một số bệnh lý toàn thân có thể gây tắc mạch máu nhỏ, bao gồm Viêm khớp dạng thấp, bệnh lý xơ cứng bì, bệnh lý tăng đông máu, Viêm mạch máu ...
  • Giảm lưu lượng tuần hoàn trong cơ thể trong các bối cảnh như sốc nhiễm trùng, xuất huyết nặng, sốc phản vệ, suy tim nặng. Khi đó cơ thể sẽ tập trung máu nuôi dưỡng cho các cơ quan thiết yếu như não, tim, tim, thận và đồng thời co mạch ngoại vi cũng như những vị trí khác trong cơ thể.
  • Các mạch máu nuôi dưỡng đại tràng bị chèn ép bởi các khối u trong lòng đại tràng, xoắn ruột, tắc ruột do u phân hoặc Thoát vị bẹn nghẹt cũng có thể là nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.
  • Lạm dụng thuốc: một số nhóm thuốc được chứng minh có ảnh hưởng làm suy giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng gây bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ nếu sử dụng kéo dài một cách không hợp lý như thuốc kháng sinh, nhóm các thuốc lợi tiểu, kháng viêm không steroid, thuốc an thần.
  • Sử dụng các chất kích thích như heroin, rượu bia, thuốc lá.
Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ - ảnh 2
Việc sử dụng các chất kích thíc như rượu và thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường diễn tiến cấp tính với triệu chứng đau đặc trưng. Đau xuất hiện đột ngột, từng cơn và có xu hướng nặng dần nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Trên lâm sàng, người bệnh còn có thể trải qua nhiều triệu chứng khác nhau tùy từng mức độ nặng của bệnh như: đại tiện nhiều lần phân lỏng, có máu màu đỏ tươi hoặc nâu đỏ; buồn nôn, nôn mửa kéo dài; bụng co cứng nếu có biến chứng Viêm phúc mạc có hoặc không có thủng ruột kèm theo.

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, bác sĩ cần phối hợp giữa việc thăm khám lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng phù hợp. Các Xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán bệnh và mức độ nặng của bệnh bao gồm:

  • Công thức máu ngoại vi, lưu ý số lượng bạch cầu tăng cao gợi ý Tình trạng viêm nhiễm khu trú hoặc đã diễn tiến thành viêm phúc mạc.
  • Xét nghiệm soi tươi phân phát hiện vi khuẩn gây bệnh, giúp ích cho việc điều trị
  • Nội soi đại trực tràng giúp phát hiện các vị trí thương tổn với tỷ lệ chính xác cao
  • Chụp mạch máu hoặc CT Scan dựng hình mạch máu giúp phát hiện các bất thường về mặt hình thái cũng như các vị trí tắc nghẽn mạch. Đây vừa là phương tiện chẩn đoán vừa là phương tiện giúp hỗ trợ điều trị can thiệp mạch, loại bỏ cục máu đông hoặc thuyên tắc những mạch máu đang xuất huyết.

5. Điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ - ảnh 3
Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ sẽ được tư vấn phẫu thuật trong những trường hợp nặng, nghiêm trọng

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ được điều trị với các phương pháp khác nhau tùy theo mức độ nặng của bệnh và các đặc điểm liên quan tới bệnh nhân như tuổi, giới, nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát. Phương pháp điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ được chia làm hai nhóm lớn như sau:

  • Nội khoa: chủ yếu sử dụng các nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh. Phương pháp nội khoa được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhẹ, đáp ứng tốt với điều trị. Thuốc giảm đau kháng viêm giúp điều trị triệu chứng đau. Thuốc kháng sinh có tác dụng phòng ngừa quá trình viêm, nhiễm trùng. Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác dùng để điều trị nguyên nhân cũng được sử dụng cho người bệnh như thuốc làm tan huyết khối, tăng sức bền thành mạch, ... Người mắc bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ được tư vấn điều trị chỉ với phương pháp nội khoa thường có tiên lượng tốt, các triệu chứng có thể sẽ thuyên giảm sau khoảng vài ngày.
  • Ngoại khoa: Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ sẽ được tư vấn phẫu thuật trong những trường hợp nặng. Mục đích của việc tiến hành phẫu thuật là loại bỏ những tổ chức hoại tử, khâu nối nếu có biến chứng thủng đại tràng, cắt bỏ đoạn ruột Hoại tử và nối liền đoạn ruột một thì hoặc làm hậu môn nhân tạo tạm thời. Những trường hợp này tiên lượng thường nặng hơn, bệnh nhân cần nhập viện theo dõi và điều trị trong khoảng thời gian dài hơn.

Việc điều trị nội khoa và ngoại khoa thường được phối hợp cùng nhau trên thực hành lâm sàng. Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh nên tái khám thường xuyên, thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt hợp lý để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi cũng như dự phòng bệnh có thể quay trở lại bất cứ khi nào.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung