Mục lục:

Bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là tình trạng các vết loét trên niêm mạc dạ dày nằm ở vị trí bờ cong nhỏ. Đây là vị trí khá thường gặp trong bệnh lý này và thường do đặc điểm giải phẫu tiếp xúc nhiều nhất với thức ăn. Khi dạ dày bị viêm loét, gây ra các cơn đau thượng vị, chất lượng cuộc sống sẽ ảnh hưởng đáng kể nếu không được can thiệp sớm.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Giải phẫu bờ cong nhỏ dạ dày

Dạ dày là một cơ quan tiêu hóa nằm trong ổ bụng, thuộc đoạn giữa thực quản và tá tràng. Với vị trí này, phía trên của dạ dày là thực quản và vòm hoành trái; phía trước là cơ hoành, thành bụng trước, thùy trái gan và túi mật; phía sau là tuyến tụy, thận trái, tuyến thượng thận trái, lách, động mạch lách và mạc treo tràng ngang.

Dạ dày có hình túi dạng chữ “J”, với hai bờ cong hai bên, một bờ cong nhỏ hơn và một bờ cong lớn hơn:

  • Bờ cong nhỏ có chiều dài ngắn hơn, dạng lõm và ở vị trí trung tâm thượng vị.
  • Bờ cong lớn có chiều dài dài hơn, dạng lồi và nằm về phía bên ngoài về bên trái của ổ bụng.

Bên trong dạ dày được chia thành các thành phần nối tiếp nhau, không có sự phân biệt rõ ràng giữa các phần:

  • Tâm vị: Vị trí mở của thực quản vào trong dạ dày
  • Đáy vị: Phần mở rộng của dạ dày theo phía trên
  • Thân vị: Chiếm phần lớn thể tích của dạ dày
  • Hang vị: Phần bắt đầu thu hẹp lại của dạ dày
  • Môn vị: Nơi kết thúc của dạ dày và chuyển tiếp vào tá tràng
Bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày: Nguyên nhân và cách điều trị - ảnh 1
Vị trí và giải phẫu của bờ cong nhỏ dạ dày

2. Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì?

So với bên bờ cong lớn, viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày rất thường gặp. Trong đó, hai vị trí trên bờ cong nhỏ có tần suất bị viêm loét cao nhất là đoạn tâm vị và đoạn môn vị trong khi các vị trí khác cùng trên bờ cong nhỏ lại ít bị viêm loét hơn.

Nguyên nhân gây ra sự khác biệt này có thể là do cấu trúc giải phẫu dạng túi nghiêng về phía bờ cong lớn. Tại đây, con đường di chuyển của thực phẩm có khuynh hướng tiếp xúc nhiều hơn bên bờ cong nhỏ so với bờ cong lớn, nhất là tại hai vị trí nêu trên. Lúc này, khi càng tiếp xúc nhiều với thức ăn đổ xuống từ thực quản, vai trò co bóp và bài tiết axit để phân giải thức ăn càng được huy động, tạo điều kiện khiến cho viêm Loét dạ dày dễ hình thành hơn những nơi khác. Hơn nữa, khả năng được nghỉ ngơi của dạ dày tại vị trí này cũng kém hơn, làm cho các yếu tố bảo vệ làm lành vết loét gặp hạn chế.

Tuy nhiên, dù cho vị trí của viêm Loét dạ dày ở đâu trên thành tạng rỗng, bệnh lý này cũng biểu hiện bằng các triệu chứng tương tự nhau. Đó là một tập hợp các triệu chứng khó chịu tại vùng bụng trên khiến người bệnh đi khám như sau:

  • Đau rát hoặc khó tiêu ở vùng thượng vị
  • Cảm giác có khuynh hướng trở nên tồi tệ hơn hoặc là cải thiện hơn sau khi ăn
  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Đầy hơi
  • No sớm

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm loét dạ dày không phải lúc nào cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Bệnh cảnh này có thể gặp khi người bệnh viêm sung huyết tiền loét nhưng các yếu tố nội tại bảo vệ, chống lại diễn tiến đến loét thực sự. Ngoài ra, các sang thương loét dạ dày do nguyên nhân ác tính cũng có thể không có triệu chứng.

Bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày: Nguyên nhân và cách điều trị - ảnh 2
Người bệnh xuất hiện triệu chứng buồn nôn

3. Các nguyên nhân viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Do các đặc điểm giải phẫu và vị trí tự nhiên của sự sắp xếp các tạng trong ổ bụng, viêm loét dạ dày có khuynh hướng xảy ra tại bờ cong nhỏ hơn so với bờ cong lớn; ở vị trí tâm vị và môn vị hơn so với phần trung gian trên suốt chiều dài bờ cong.

Tuy nhiên, những yếu tố gây viêm loét dạ dày nói chung cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh hoặc làm cho Tình trạng viêm loét tại bờ cong nhỏ trở nên nặng nề hơn. Các nguyên nhân đó làm tổn thương hàng rào lót chất nhầy bảo vệ thành dạ dày, khiến cho axit trong lòng dạ dày tấn công, gây viêm niêm mạc dạ dày lâu ngày và cuối cùng dẫn đến loét. Một số bệnh và tình trạng có thể làm tăng nguy cơ Viêm dạ dày như bệnh Crohn và bệnh sarcoidosis, trong đó các tế bào viêm phát triển một cách không kiểm soát trong cơ thể.

Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm dạ dày bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn:

Mặc dù nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở người trên toàn thế giới, chỉ một số người bị nhiễm trùng mới tiến triển đến viêm loét dạ dày hoặc các Rối loạn tiêu hóa trên khác. Một số giả thiết đặt ra tính nhạy cảm với vi khuẩn có thể được di truyền hoặc có thể do lựa chọn lối sống, chẳng hạn như hút thuốc và chế độ ăn uống không khoa học.

  • Sử dụng thường xuyên các thuốc giảm đau:

Thuốc giảm đau thông thường - như aspirin, ibuprofen, naproxen - có thể gây ra cả viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mãn tính. Sử dụng các thuốc giảm đau này thường xuyên hoặc dùng quá nhiều các loại thuốc này có thể làm giảm sút các yếu tố giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

  • Tuổi cao:

Người cao tuổi có nguy cơ bị viêm dạ dày cao hơn vì niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng theo tuổi. Đồng thời, các đối tượng này cũng dễ bị nhiễm H. pylori hoặc rối loạn Tự miễn hơn so với người trẻ tuổi.

Bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày: Nguyên nhân và cách điều trị - ảnh 3
Những người tuổi cao thường có xu hướng mắc bệnh cao hơn người trẻ tuổi
  • Sử dụng rượu quá mức:

Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa. Vì vậy, uống quá nhiều rượu có thể gây viêm dạ dày cấp tính.

  • Stress:

Những căng thẳng nghiêm trọng do cuộc phẫu thuật lớn, chấn thương, Bỏng da hoặc nhiễm trùng nặng có thể gây viêm dạ dày cấp tính.

  • Tự miễn:

Cơ thể bị tấn công bởi các tế bào miễn dịch do những sai lệch trong quá trình kích hoạt kháng nguyên – kháng thể. Ngay cả dạ dày cũng là mô đích mục tiêu trong bệnh lý viêm dạ dày tự miễn. Phản ứng Tự miễn dịch làm hao mòn hàng rào bảo vệ tự nhiên tại niêm mạc dạ dày.

4. Cách điều trị viêm loét dạ dày như thế nào?

Điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả phải phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Viêm dạ dày cấp tính do thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu có thể thuyên giảm bằng cách ngừng sử dụng các chất này.

Song song đó, người bệnh có thể được chỉ định các loại thuốc dùng để điều trị viêm dạ dày bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh để tiêu diệt H. pylori: Đối với H. pylori trong đường tiêu hóa của bạn, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp kháng sinh, chẳng hạn như clarithromycin và amoxicillin hoặc metronidazole để tiêu diệt vi khuẩn. Người bệnh cần chắc chắn dùng thuốc kháng sinh đầy đủ, thường trong bảy đến 14 ngày để đảm bảo diệt trùng hiệu quả.
  • Các loại thuốc ngăn chặn sản xuất axit và thúc đẩy lành vết loét. Thuốc ức chế bơm proton làm giảm axit bằng cách ngăn chặn hoạt động của các tế bào sản xuất axit. Những loại thuốc này bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn omeprazole, lansoprazole, rabeprazole, esomeprazole, dexlansoprazole và pantoprazole.
  • Thuốc làm giảm sản xuất axit. Thuốc chẹn axit còn được gọi là thuốc chẹn histamin làm giảm lượng axit được giải phóng vào đường tiêu hóa, giúp giảm đau do viêm loét dạ dày và khuyến khích chóng lành sang thương trên niêm mạc. Nhóm thuốc này bao gồm famotidine, cimetidine và nizatidine.
  • Thuốc trung hòa axit dạ dày. Bên cạnh thuốc kháng tiết, thuốc giúp trung hòa axit cũng cần thiết để cho tác dụng hiệp đồng. Thuốc này sẽ trung hòa lượng axit trong dạ dày hiện có và có thể giúp giảm đau nhanh chóng.
Bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày: Nguyên nhân và cách điều trị - ảnh 4
Người bệnh viêm loét dạ dày cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Ngoài ra, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống và thói quen ăn uống tại nhà, giúp thuyên giảm hay ngăn chặn các cơn đau do viêm loét dạ dày:

  • Chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày sẽ giúp giảm bớt tác dụng của axit dạ dày.
  • Tránh các loại thực phẩm gây kích ứng như thực phẩm có vị cay, axit, thức ăn chiên hoặc béo.
  • Tránh uống rượu. Rượu có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Hạn chế dùng thuốc giảm đau. Nếu cần dùng thuốc giảm đau, nên dùng nhóm an toàn cho dạ dày như acetaminophen.

Tóm lại, viêm loét dạ dày là bệnh lý rất thường gặp trên đường tiêu hóa. Vị trí hay xảy ra tổn thương là phần tâm vị và môn vị ở bờ cong nhỏ. Cho dù vị trí hay đặc điểm như thế nào, việc điều trị theo nguyên nhân và kết hợp thay đổi lối sống, xây dựng chế độ ăn uống khoa học là điều cần thiết để đảm bảo dạ dày có một sức khỏe tốt.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung