Biến chứng viêm phổi trẻ sơ sinh

Viêm phổi sơ sinh là căn bệnh nguy hiểm và rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non và nhẹ cân. Bệnh nhi nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm màng não, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng máu, hệ miễn dịch suy giảm.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tại sao trẻ sơ sinh dễ bị viêm phổi?

Viêm phổi sơ sinh là tình trạng nhiễm trùng (do vi khuẩn, virus, nấm) đường Hô hấp dưới (phế nang, tổ chức xung quanh phế nang) xảy ra trong giai đoạn sơ sinh ( từ 0 đến 30 ngày tuổi).

Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm phổi, là bệnh phổ biến, đứng hàng thứ 2 sau bệnh lý đường tiêu hóa. Đặc biệt nếu xảy ra ở trẻ sinh non, nhẹ cân.

Phổi là cơ quan quan trọng của hệ thống hô hấp, nơi trao đổi khí giữa môi trường ngoài và cơ thể. Bình thường, có một số cơ chế khác nhau bảo vệ phổi và cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Không khí hít vào được lọc và làm ấm, diệt khuẩn ở mũi, thanh quản, phế quản và trao đổi khí ở phế nang

Khi có tác nhân xâm nhập vào đường hô hấp dưới sẽ bị tống ra ngoài nhờ phản xạ ho. Những hạt nhỏ hơn, có thể xâm nhập sâu hơn vào khí quản bị dính vào vách khí phế quản nhờ lớp thảm nhầy trên lớp biểu mô có lông chuyển rồi được chuyển lên trên để được tống ra ngoài. Những hạt nhỏ xuống được phế nang sẽ bị xử lý bởi đại thực bào ở phế nang và cơ chế miễn dịch tại chỗ. Các hạt bị thực bào bởi các đại thực bào phế nang sẽ được vận chuyển ra khỏi phế nang bằng hệ thống bạch mạch.

Biến chứng viêm phổi trẻ sơ sinh - ảnh 1
Trẻ em rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp

Trẻ sơ sinh có đặc điểm giải phẫu và sinh lý khác so với trẻ lớn và người lớn. Mũi và khoang hầu tương đối ngắn và nhỏ, lỗ mũi và ống mũi hẹp vì vậy sự hô hấp bằng đường mũi còn hạn chế. Niêm mạc mũi mỏng, chức năng hàng rào của niêm mạc mũi ở trẻ còn yếu do khả năng sát trùng với niêm dịch còn kém, do vậy trẻ dễ bị viêm nhiễm mũi họng, dễ dẫn đến viêm phổi.

Đặc điểm chung của thanh, khí, phế quản ở trẻ em là lòng tương đối hẹp, tổ chức đàn hồi ít phát triển, vòng sụn mềm, dễ biến dạng, niêm mạc có nhiều mạch máu, vì vậy trẻ em dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, niêm mạc thanh, khí, phế quản dễ bị phù nề, xuất tiết và dễ bị biến dạng trong quá trình bệnh lý.

Lồng ngực của trẻ di động kém, do vậy dễ bị xẹp phổi, khí phế thũng, giãn các phế nang khi bị viêm phổi. Cơ hô hấp yếu nên trẻ dễ bị suy hô hấp khi phổi có tổn thương, đồng thời nhu cầu dưỡng khí của trẻ lớn hơn so với người lớn. Trung tâm hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ sơ sinh dễ bị rối loạn nhịp thở, ngừng thở.

2. Các biến chứng do viêm phổi ở trẻ sơ sinh?

Viêm phổi nếu xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi đều xếp vào viêm phổi nặng và có chỉ định nhập viện. Tỷ lệ tử vong viêm phổi sơ sinh cao hơn các lứa tuổi khác. Hơn nữa, dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi thường khó hơn các lứa tuổi khác nên cha mẹ thường đưa đi khám khi tình trạng trẻ đã bị nặng.

Viêm phổi sơ sinh nặng dễ có biến chứng nguy hiểm

  • Suy hô hấp;
  • Nhiễm trùng máu;
  • Viêm màng não;
  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi;
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm.
Biến chứng viêm phổi trẻ sơ sinh - ảnh 2
Viêm màng Não là một biến chứng nguy hiểm của viêm phổi ở trẻ sơ sinh

3. Cách phát hiện/xử trí khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi?

Cha mẹ cần phát hiện sớm và xử trí các dấu hiệu khi trẻ nghi ngờ viêm phổi

3.1. Sốt cao

Sốt cao chỉ là một dấu hiệu ban đầu căn cứ vào đó để theo dõi chứ không dùng để chẩn đoán viêm phổi. Kết hợp với các triệu chứng tiếp theo trước khi đưa ra kết luận cuối cùng

Trong nhiều trường hợp, trẻ trên 3 tháng tuổi bị sốt 39 độ C vẫn được coi là điều bình thường và có thể do nhiều nguyên nhân khác mà không phải viêm phổi. Nhưng nếu trẻ sơ sinh bị Sốt cao trên 38 độ C thì cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

3.2. Thở nhanh

Thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Có thể đếm nhịp thở cho trẻ trong một phút để đánh giá tình trạng bệnh cho trẻ (trẻ dưới 2 tháng tuổi > 60 lần/phút). Chú ý nên đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ. Với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi nếu lần đếm thứ nhất nhịp thở 60 lần một phút trở lên thì cần phải đếm lần 2 vì ở tuổi này trẻ thường thở không đều. Nếu vẫn trên 60 lần một phút thì mới coi là thở nhanh. Những trường hợp như thế này không nên chậm trễ mà nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

Biến chứng viêm phổi trẻ sơ sinh - ảnh 3
Thở nhanh là dấu hiệu của bệnh lý viêm phổi sơ sinh

3.3. Rút lõm lồng ngực

Rút lõm lồng ngực là biểu hiện của trẻ bị viêm phổi nặng. Để phát hiện, cha mẹ có thể nhìn vào phần dưới lồng ngực lõm vào khi trẻ hít vào. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa có giá trị phân loại vì lồng ngực của trẻ còn mềm, khi thở bình thường hơi cũng có thể rút lõm. Trường hợp thấy rõ lõm sâu và dễ nhìn thấy, chắc chắn trẻ bị viêm phổi.

3.4. Bú kém, mệt mỏi

Đây là dấu hiệu ban đầu gợi ý trẻ bị ốm. Bú kém là khi lượng sữa trẻ bú được nhỏ hơn 50% so với nhu cầu bình thường của trẻ. Cha mẹ có thể thấy trẻ không nhanh nhẹn, hoạt bát như bình thường. Trẻ có thể kích thích hoặc li bì, ít phản ứng khi giao tiếp với cha mẹ. Một số trường hợp mẹ bé có thể thấy trẻ không có mùi thơm như bình thường.

Biến chứng viêm phổi trẻ sơ sinh - ảnh 4
Viêm phổi gây mệt mỏi cho trẻ

3.5. Ho, chảy mũi

Viêm phổi thường khởi đầu bằng viêm đường hô hấp trên, sau đó tác nhân gây bệnh sẽ lan xuống phổi. Do vậy, giai đoạn đầu của viêm phổi thường trẻ có biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như: ho, chảy mũi, khò khè. Nếu cha mẹ thấy các biểu hiện này nặng hơn như: Ho sâu, nặng tiếng, chảy nước mũi nhiều, Ho có đờm đặc thì cần đưa bé đi khám ngay.

3.6. Tím tái

Đây là dấu hiệu trẻ bị suy hô hấp nếu bị viêm phổi. Cha mẹ có thể thấy vùng môi, đầu ngón chân tay bị nhợt, tím.

Khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi thì cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung