1. Gây tê vùng cột sống không phải là nguyên nhân
Có đến 50% bà mẹ có hiện tượng đau lưng trong tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, đau lưng do biến chứng gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tuỷ sống là khá hiếm, đặc biệt là đau xuất hiện sau nhiều năm ổn định mà không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra liên quan đến việc gây tê trước đó.
Gây tê tuỷ sống mổ đẻ hoặc tê ngoài màng cứng liên tục để đẻ không đau là kỹ thuật liên quan đến việc đưa thuốc gây tê có tác dụng giảm đau vào khoang tuỷ sống hoặc khoang ngoài màng cứng để ức chế quá trình dẫn truyền cảm giác đau từ tuỷ sống về Não bộ.
Các biến chứng phổ biến nhất của gây tê ngoài màng cứng hoặc Gây tê tủy sống xảy ra trong hoặc ngay sau khi sử dụng thuốc gây tê bao gồm: Run, ngứa, hạ huyết áp. Ngoài ra, đau lưng tại vị trí chọc kim và đau đầu có thể xuất hiện ở ngay những ngày đầu do mũi kim gây nên tổn thương nhỏ ở dây chằng giữa hai đốt sống và đau sẽ hết ngay sau khi vết kim được liền sẹo.
Vị trí gây tê tủy sống cho mổ đẻ hay gây tê ngoài màng cứng để đẻ không đau cũng nằm trong vùng thắt lưng. Do đó, nhiều người nhận định rằng đó là nguyên nhân gây đau lưng mà không được biết đến nguyên nhân liên quan gây đau lưng sau sinh đã tiềm tàng ngay từ khi bắt đầu mang bầu.
2. Các nguyên nhân thực sự gây đau sau sinh
Ở những phụ nữ mang thai, nguyên nhân đau lưng rất đa dạng. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định các nguyên nhân liên quan đến thay đổi lớn về thể chất và sinh lý trong thai kỳ. Đó là đau lưng do mất cân bằng hệ thống cơ; xương; dây chằng, thay đổi yếu tố nội tiết, mạch máu, dinh dưỡng đặc biệt là tình trạng loãng xương vi thể, sự lỏng lẻo của collagen trong khối cơ cột sống, cơ bụng trong suốt quá trình Mang thai và quá trình cho con bú.
2.1. Tăng cân
Khi mang thai khỏe mạnh, phụ nữ Việt Nam thường tăng từ 10 - 20 kg. Cột sống của người mẹ, ngoài việc chịu áp lực trọng tải của chính mình còn phải hỗ trợ trọng lượng khối tử cung - em bé khi mang thai. Vùng thắt lưng là nơi tải trọng trọng lực chính, khi đó khối cơ thành bụng bị dãn nên cột sống bị mất sự hỗ trợ từ khối cơ bụng dẫn đến Căng cơ nhiều hơn ở phía lưng phần thấp. Khối lượng công việc của người mẹ bị tăng dần lên khi nâng em bé lặp đi lặp lại ở tư thế uốn cong và xoắn nghiêng trong lúc di chuyển. Ngoài ra, trọng lượng của em bé và tử cung đang phát triển cũng gây áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh ở khung xương chậu, lưng và vùng xương cùng cụt. Điều này làm tiền đề cho hiện tượng đau lưng về sau.
2.2. Tư thế thay đổi
Mang thai làm thay đổi trọng tâm cơ thể. Do đó, có thể dần dần - ngay cả khi không nhận thấy - cơ thể bắt đầu điều chỉnh tư thế và cách di chuyển. Điều này có thể dẫn đến đau vùng cột sống thắt lưng hoặc căng khối cơ lưng gây đau.
2.3. Hormone thay đổi
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ mang thai tạo ra một loại hormone gọi là relaxin cho phép dây chằng ở vùng xương chậu được thư giãn và các khớp trở nên lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Hormone này có thể giúp các dây chằng hỗ trợ cột sống nới lỏng, dẫn đến mất ổn định trục cột sống. Hiện tượng này gây tăng nguy cơ Viêm khớp và dây chằng. Tuy nhiên, loại hormon này vẫn ở mức cao sau khi sinh bé 3 - 4 tháng, sau khi về mức bình thường thì hiện tượng đau lưng của bà mẹ mới giảm.
2.4. Giãn cơ thẳng bụng
Khi tử cung mở rộng, hai khối cơ song song chạy từ lồng ngực đến xương mu có thể tách ra dọc theo đường giữa. Sự tách và giãn cơ này có thể làm đau lưng do mất hỗ trợ của khối cơ này khi mẹ mang em bé.
2.5. Căng thẳng
Cảm xúc trong lúc mang thai như lo lắng, hồi hộp có thể gây căng cơ, đặc biệt cơ ở lưng. Việc gắng sức của cột sống được tăng dần lên theo thời gian đối với hầu hết phụ nữ, những tác động này lên cột sống hiếm khi gây nên một cơn đau cấp tính, có chăng chỉ là cảm giác mỏi, nặng, dãn vùng lưng tăng dần theo thời gian.
2.6. Loãng xương
Hiện tượng loãng xương vi thể (tức là sự mất canxi trong các bè xương, không thể nhìn thấy trên phim X-quang thông thường) gây xẹp vi thể các đốt sống trong quá trình mang thai và cho con bú gây nên đau. Đặc biệt, một số bà mẹ mang thai lớn tuổi thì quá trình thoái hoá đĩa đệm cột sống đã bắt đầu xuất hiện cùng với các biến đổi hệ dây chằng giúp vững cột sống bị ảnh hưởng nên mang thai làm nguy cơ đau lưng xuất hiện sớm hơn, đặc biệt giai đoạn cuối thai kỳ, ngay sau sinh và trong thời kỳ chăm sóc em bé.
Các động tác làm tăng gánh nặng một cách đột ngột lên cột sống như mang vật nặng, thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tổn thương các khớp xung quanh cột sống, các dây chằng gây nên cơn đau cấp tính, đôi khi cần nhập viện cấp cứu.
2.7. Quá trình viêm
Viêm có thể xảy ra do hiện tượng lỏng lẻo các khớp, các dây chằng liên quan đến cột sống thắt lưng và vùng khung chậu. Viêm là một phản ứng bảo vệ của cơ thể, đồng thời tín hiệu đau do viêm gây nên là một hình thức báo hiệu rằng vấn đề đau cần được quan tâm. Cơ thể phản ứng lại bằng cách hạn chế thêm nữa những tác động lên vùng đau bằng sự thay đổi tư thế, co cứng khối cơ, dây chằng. Phản ứng bảo vệ này có thể tạo nên vòng luẩn quẩn gây đau nhiều hơn, đặc biệt giai đoạn cuối thai kỳ và giai đoạn hồi phục sau sinh.
Biểu hiện của đau lưng do viêm thường biểu hiện trực tiếp hay gián tiếp ở một số khớp vùng xung quanh cột sống thấp như: Khớp mặt bên, khớp cùng chậu, khớp cùng cụt... hay ở các dây chằng thắt lưng chậu, dây chằng liên gai...
Tất cả các yếu tố được phân tích ở trên cho thấy ở một phụ nữ mang thai đã mang sẵn cho mình đầy đủ các yếu tố nguy cơ gây đau lưng chứ không phải đau lưng sau đẻ không đau hay sinh mổ là do quá trình gây tê vùng cột sống gây nên.
Hiểu được điều này sẽ giúp cho các bà mẹ có kiến thức để chuẩn bị tốt và phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đau lưng sau sinh bằng cách áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ việc mang bầu như dùng dây đai giúp phân bố lại trọng lực em bé lên cột sống của mẹ, đặc biệt giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Các bà mẹ trước khi mang bầu và cả giai đoạn cho con bú cũng cần có những sự chủ động chuẩn bị về sức khỏe cho cơ thể, tư thế, chế độ ăn, luyện tập để có một khối cơ lưng, cột sống đủ vững chắc để hạn chế tối đa nguy cơ này.
3. Làm gì để giải quyết tình trạng đau lưng sau sinh?
Mẹ cần nhớ: Đau lưng xuất hiện đột ngột sau vài tháng hoặc nhiều năm sau khi mẹ đã từng được gây tê ngoài màng cứng hoặc tê tuỷ sống thường không liên quan đến thủ thuật gây tê trước đó.
Nguyên nhân thông thường là do Chấn thương gần thời điểm bị đau, do nâng vật nặng, sai tư thế hoặc tư thế cố định do thói quen (như trong lúc ngồi làm việc, khi ngủ) hoặc trong khi mang vật nặng, hoặc hiện tượng tăng sức căng, trọng lượng trên xương hoặc cơ gây tổn thương các thành phần đệm của cột sống như đĩa đệm, dây chằng, các khớp bổ trợ như khớp liên mấu, khớp cùng chậu... gây nên hiện tượng viêm.
Ngoài ra, cũng không loại trừ một số tình trạng của cột sống vùng lưng sẵn có từ trước khi mang thai hoặc các bộ phận khác của cơ thể như Chấn thương sẵn có, viêm khớp, vẹo cột sống, viêm cột sống dính khớp, Nhiễm trùng tiết niệu và khối u cũng có thể gây đau lưng. Do đó, mẹ nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn các vấn đề đau lưng để có thể chủ động lên kế hoạch cho việc mang thai nhẹ nhàng, dễ chịu nhất.