1. Tay chân miệng là bệnh gì?
Tay chân miệng là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Đây là căn bệnh Truyền nhiễm lây từ người sang người do Coxsackie virus A16 và Entero virus EV71 gây ra.
Triệu chứng bệnh tay chân miệng gồm: Tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mông, gối.
Con đường lây nhiễm của bệnh tay chân miệng chủ yếu là đường tiêu hoá và nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, Yếu hoặc liệt chi (liệt mềm cấp), liệt dây Thần kinh sọ não, tăng huyết áp, tăng trương lực cơ, Viêm cơ tim, phù phổi, trụy mạch,...
Với những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng thì việc xét nghiệm để chẩn đoán tay chân miệng là yếu tố cần thiết để phát hiện sớm và điều trị biến chứng vì hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ.
2. Các xét nghiệm chẩn đoán tay chân miệng
2.1. Chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm
Theo Tài liệu Số: 1003/QĐ-BYT Bộ Y tế Ban hành ngày 30/03/2012 về việc Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay – chân – miệng, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, trẻ sẽ được thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán tay chân miệng tương ứng như:
- Xét nghiệm công thức máu. Bạch cầu thường trong giới hạn bình thường. Bạch cầu tăng trên 16.000/mm3 hay đường huyết tăng > 160 mg% (8,9 mmol/L) thường liên quan đến biến chứng.
- Xét nghiệm protein C phản ứng (CRP) trong giới hạn bình thường (< 10 mg/L).
- Xét nghiệm đường huyết, điện giải đồ, X quang phổi.
- Các xét nghiệm theo dõi phát hiện biến chứng như: Khí máu khi có suy hô hấp; troponin I, Siêu âm tim khi Nhịp tim nhanh ≥ 150 lần/phút, nghi ngờ Viêm cơ tim hoặc sốc; dịch Não tủy (chỉ định chọc dò tủy sống khi có biến chứng thần kinh hoặc không loại trừ viêm màng Não mủ; xét nghiệm protein bình thường hoặc tăng, số lượng tế bào trong giới hạn bình thường hoặc tăng, có thể là bạch cầu đơn nhân hay bạch cầu đa nhân ưu thế).
- Xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định (nếu có điều kiện) từ độ 2b trở lên hoặc cần chẩn đoán phân biệt gồm: Lấy bệnh phẩm hầu họng, phỏng nước, trực tràng, dịch não tuỷ để thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc phân lập vi rút chẩn đoán xác định nguyên nhân.
- Chụp cộng hưởng từ não: Chỉ thực hiện khi có điều kiện và khi cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý ngoại thần kinh.
2.2. Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng rõ ràng nhất của tay chân miệng ở trẻ sơ sinh là các nốt phồng rộp trên da. Tuy nhiên, trước khi những nốt ban phỏng nước xuất hiện, trẻ sẽ bị đau họng, Sốt và đau bụng. Sau đó một vài ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Miệng: Xuất hiện những đốm đỏ trên lưỡi và bên trong miệng của trẻ. những đốm này sẽ nhanh chóng chuyển thành mụn nước lớn, màu vàng xám có viền đỏ. Các bé mắc bệnh có thể kém ăn hoặc bỏ bú vì những Mụn nước trong miệng gây sưng đau, khó chịu.
- Tay và chân: Xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ nổi trên ngón tay, lưng hoặc lòng bàn tay, lòng bàn chân của bé. Đốm nhỏ này sẽ gây đau và ngứa, sau đó chuyển thành những mụn nước có màu xám ở giữa.
3. Phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, do vậy để phòng chống bệnh, mọi người cần:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh cho trẻ.
- Vì bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên cần ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống cần phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi đưa ra sử dụng...
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Đặc biệt, nếu thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, cho trẻ nghỉ học và đưa trẻ đi khám ngay để có phương phác đồ điều trị phù hợp.