Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Cắt dạ dày nội soi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Những điều cần biết

25/06/2021
Cắt dạ dày nội soi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Những điều cần biết

Có nhiều hình thức phẫu thuật cắt dạ dày với những mục đích khác nhau, bao gồm cả điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt dạ dày nội soi bán phần điển hình, lấy đi 2/3 dạ dày ở phần dưới cùng và loại bỏ môn vị.

1. Viêm Loét dạ dày tá tràng là gì?

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là căn bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra. Vết loét ở tá tràng chiếm 95%, vết loét ở dạ dày chiếm 60%, trong đó vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày chiếm 25% các trường hợp.

Hai nguyên nhân chính gây loét dạ dày-tá tràng là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP) hay dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thường dùng để trị đau khớp.

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP)

Đây là một trong những tác nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ chui vào trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày-tá tràng và tiết ra các độc tố làm mất chức năng của niêm mạc chống lại axit.

  • Thường xuyên sử dụng thuốc các loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm.

Đây là nguyên nhân thứ hai sau nhiễm vi trùng Helicobacter pylori. Việc sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm, giảm đau ở người lớn tuổi, làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, là chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị sụt giảm, gây viêm loét dạ dày - tá tràng.

Ngoài ra, thường xuyên hút thuốc lá và uống bia rượu (hoặc các loại nước uống có cồn khác), căng thẳng Thần kinh (stress), thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ,... cũng là các yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến bệnh loét dạ dày - tá tràng.

Cắt dạ dày nội soi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Những điều cần biết - ảnh 1
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) là tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng

2. Khi nào cần phẫu thuật cắt dạ dày nội soi điều trị viêm loét dạ dày?

Điều trị Viêm loét dạ dày tá tràng ngoại khoa bao gồm chỉ định mổ tuyệt đối và chỉ định mổ tương đối tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Phẫu thuật Cắt dạ dày vừa mang lại lợi ích chữa bệnh, đồng thời cũng chứa một vài nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Do đó, bác sĩ phải luôn cân nhắc kỹ lưỡng giữa 2 mặt lợi và hại để đưa ra quyết định cuối cùng. Thông thường, nên chỉ định phẫu thuật nếu:

  • Viêm loét dạ dày tá tràng uống thuốc không còn tác dụng (thời gian điều trị nội khoa đã lâu dài, ít nhất 2 năm trở lên).
  • Viêm loét dạ dày tá tràng biến chứng: thủng, hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hóa điều trị nội khoa thất bại hoặc xuất huyết tiêu hóa tái phát, ung thư hóa,....

Ngoài những biểu hiện nêu trên, người thầy thuốc cũng cần dựa trên những đặc điểm liên quan đến người bệnh để chỉ định tiến hành phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Về độ tuổi: Hạn chế phẫu thuật với bệnh nhân còn quá trẻ hoặc đã quá già.
  • Tình trạng sức khỏe: tính toán kỹ lưỡng với những trường hợp suy kiệt, có bệnh mãn tính kèm theo như xơ gan, lao phổi, đái đường, viêm thận mãn, hen phế quản,....
  • Nguyện vọng của bệnh nhân: dựa trên nghề nghiệp và hoàn cảnh gia đình.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ những điểm nêu ra trong mục này chỉ là căn cứ để suy xét và tính toán trong quá trình đưa ra quyết định. Đối với từng trường hợp cụ thể, việc chỉ định phẫu thuật luôn phải đảm bảo là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân chứ không nhất thiết áp dụng cứng nhắc bất kỳ tiêu chuẩn nào.

Cắt dạ dày nội soi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Những điều cần biết - ảnh 2
Chỉ định cắt dạ dày Nội soi khi điều trị bằng thuốc lâu ngày không khỏi

3. Cắt dạ dày nội soi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng thực hiện thế nào?

Trong phẫu thuật cắt dạ dày nội soi hay kinh điển thì khối lượng cần được cắt bỏ thường là 2/3 dạ dày để loại bỏ tổn thương và loại bỏ vùng dạ dày tiết axit.

Cụ thể, đường cắt bờ cong nhỏ phải lấy bỏ ít nhất 10cm và bờ cong lớn ít nhất là 20cm. Đường cắt này có hướng thẳng, đi chếch xuống và theo chiều từ phải sang trái để thức ăn thuận chiều lưu thông và không có hiện tượng ứ đọng.

Sau khi lấy đi dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành khâu nối lành đường tiêu hóa. Dựa trên vị trí cắt bỏ ổ loét và tình trạng dạ dày tá tràng cụ thể, có một số phương pháp khâu nối như sau:

  • Nối dạ dày với tá tràng.
  • Nối dạ dày với hỗng tràng.

4. Biến chứng có thể gặp khi cắt dạ dày nội soi

Biện pháp can thiệp ngoại khoa luôn đi kèm nguy cơ tai biến trong khi mổ, hậu phẫu hoặc di chứng muộn về sau. Một số rủi ro có thể gặp phải và cách xử trí cơ bản là:

  • Tổn thương các mạch máu trong mổ: cầm máu.
  • Tổn thương đại tràng: xử lý theo tổn thương.
  • Viêm phổi: điều trị kháng sinh, chăm sóc toàn thân và hô hấp.
  • Suy hô hấp: hỗ trợ Hô hấp và đặt lại nội khí quản. Xác định nguyên nhân.
  • Hội chứng chảy máu cấp: hồi sức và xác định nguyên nhân chảy máu nếu mức độ nặng và tiếp diễn cần mổ câm máu giải quyết nguyên nhân.
  • Hội chứng nhiễm trùng do bục miệng nối hay rò mỏm tá tràng: Xác định nguyên nhân, kháng sinh chống nhiễm trùng, mổ điều trị biến chứng bục hoặc áp dụng thủ thuật dẫn lưu.
  • Tắc ruột sớm sau mổ: Đặt thông mũi dạ dày hút dịch, theo dõi và hồi sức toàn diện cho người bệnh, xác định nguyên nhân và điều trị bảo tồn hoặc can thiệp;
  • Hội chứng quai tới và Hội chứng Dumping: Trường hợp nặng cần phải tiến hành phẫu thuật nối lại đường tiêu hóa.

Ngoài ra, nếu như cắt dạ dày không đủ, hoặc để sót niêm mạc hang vị hay ứ đọng dạ dày sẽ dẫn đến tình trạng loét tái phát. Trường hợp này chiếm khoảng 2 - 5% các ca mổ và cần phải mổ thêm lần nữa để cắt lại dạ dày hoặc cắt thân 2 dây Thần kinh X.