Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ hay bị nôn trớ

27/05/2021
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ hay bị nôn trớ

Nôn trớ là tình trạng mà nhiều trẻ mắc phải và có nhiều nguyên nhân gây ra khiến các bậc cha mẹ lo lắng không biết đây có phải trẻ bị trào ngược dạ dày hay không để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị nôn trớ phù hợp.

1. Trẻ hay nôn trớ là như thế nào?

Nôn trớ là tình trạng thức ăn từ trong dạ dày bị cơ hoành và cơ bụng co bóp, đẩy lên thực quản và trào qua miệng ra bên ngoài. Trẻ hay nôn trớ sẽ thường xuyên quấy khóc, khó chịu do đau bụng, mệt mỏi, từ đó ảnh hưởng đến sự hấp thu Dinh dưỡng của trẻ, sụt cân có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, gây ra Tâm lý biếng ăn, ...

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ hay bị nôn trớ - ảnh 1
Trẻ hay nôn trớ gây sụt cân, biếng ăn

2. Nguyên nhân khiến trẻ hay nôn trớ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay nôn trớ. Ở trẻ sơ sinh với hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị nôn trớ trong những tháng đầu tiên. Tuy nhiên, khi trẻ lớn và hệ tiêu hóa được hoàn thiện thì tình trạng này sẽ tự biến mất. Ngoài ra, nôn trớ còn do những nguyên nhân sau:

  • Do ăn uống: Trẻ bú quá no hoặc ăn quá nhiều, bú bình không đúng cách khiến trẻ nuốt phải nhiều khí vào bụng, Ngộ độc thức ăn, Dị ứng sữa bò, trẻ nằm ngay sau khi mới bú hoặc ăn.
  • Do Rối loạn thần kinh thực vật: Trẻ hay nôn trớ do Rối loạn thần kinh thực vật sẽ thường xuất hiện trong những ngày đầu sau khi sinh, hoặc khi trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ thường nôn trong hoặc sau khi ăn, tuy nhiên, nôn trớ ít hoặc không khiến trẻ bị sụt cân.
  • Do bệnh: Một số bệnh Nhiễm khuẩn cấp tính như viêm phổi, viêm họng, viêm amidan, viêm màng não, tiêu chảy, ... Các bệnh tiêu hóa như trào ngược dạ dày, tắc ruột, lồng ruột, ... Hoặc do trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, táo bón.
  • Do dị tật bẩm sinh: Hẹp phì đại môn vị là dị tật bẩm sinh thường xuất hiện ở trẻ 2 tháng tuổi với biểu hiện là trẻ nôn nhiều và nôn liên tục, do đó khiến trẻ mệt mỏi, suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm tăng cân. Ngoài ra, còn do một số dị tật khác như hẹp thực quản hoặc hở eo thực quản, ...
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ hay bị nôn trớ - ảnh 2
Trẻ hay nôn trớ phải làm sao?

3. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị nôn trớ

Trẻ nôn trớ ăn gì để hết nôn và bù lại phần thức ăn đã mất là thắc mắc của nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ ăn lại, cha mẹ cần bổ sung lượng nước đã mất của cơ thể khi trẻ nôn, đặc biệt là nôn nhiều. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc, nước hoa quả hoặc dung dịch bù nước điện giải Oresol với thời gian và liều lượng cụ thể là:

  • Sau khi trẻ hết nôn, cho trẻ uống nước hoặc chất điện giải với một lượng nhỏ trong khoảng thời gian 30 - 60 phút lặp lại.
  • Nếu trẻ vẫn còn nôn, cho trẻ uống lần lượt 50ml nước pha với oresol, sau đó khoảng 30 phút thì cho trẻ uống 50ml nước lọc, và lặp lại.
  • Nếu trẻ hết nôn hẳn thì có thể cho trẻ bú mẹ trở lại, hoặc uống sữa bằng ly với lượng tăng dần từ 80 - 100ml/3-4 giờ/lần.

Sau 12 - 24 giờ nếu thấy trẻ không còn nôn nữa thì cha mẹ bắt đầu cho trẻ ăn uống trở lại. Theo đó, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị nôn trớ cần lưu ý như sau:

  • Cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày và giảm lượng ăn trong mỗi bữa.
  • Với trẻ trên 6 tháng tuổi và bắt đầu ăn dặm thì nên cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn so với sữa mẹ.
  • Cho trẻ ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc.
  • Sau khi ăn tránh cho trẻ nằm ngay.
  • Bổ sung nước cho trẻ khi trẻ bắt đầu ăn dặm.

Trẻ hay nôn trớ là tình trạng thường gặp. Nôn trớ do nhiều nguyên nhân gây ra và tùy vào đó sẽ có cách xử trí khác nhau. Với trẻ hay nôn, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ uống bù nước, sữa và ưu tiên những loại thực phẩm dễ tiêu hóa.

Tuy rằng nôn trớ là tình trạng nhiều trẻ mắc phải nhưng các bậc cha mẹ không nên chủ quan mà cần tìm hướng xử trí, nếu trong trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về đường tiêu hóa. Do đó mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện, trung tâm y tế có chuyên khoa Nhi - tiêu hóa để thăm khám, điều trị, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.