Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Chẩn đoán và điều trị loét dạ dày ở trẻ em do Helicobacter Pylori

26/05/2021
Chẩn đoán và điều trị loét dạ dày ở trẻ em do Helicobacter Pylori

Helicobacter Pylori (H. Pylori hay HP) là vi khuẩn được tìm thấy trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, được biết đến như nguyên nhân chính của viêm, loét dạ dày. Tại Việt Nam có đến 80% trẻ em dưới 10 tuổi có dấu hiệu nhiễm H.Pylori khi xét nghiệm. Chính vì vậy, việc hiểu biết về loét dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn HP đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Loét dạ dày là những tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng qua lớp cơ niêm vào các lớp sâu hơn của thành dạ dày, gây ra bởi các tác nhân gây bệnh đa dạng, bao gồm:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori;
  • Do tác nhân stress trong đời sống;
  • Đo thuốc: Aspirin, NSAIDs, corticoid, hóa trị liệu điều trị ung thư;
  • Hiếm gặp hơn là trong bệnh tự miễn, Crohn hoặc lao.
Chẩn đoán và điều trị loét dạ dày ở trẻ em do Helicobacter Pylori - ảnh 1
Loét dạ dày là những tổn thương niêm mạc dạ dày

2. Triệu chứng viêm loét dạ dày ở trẻ em

Ngoài đau bụng là biểu hiện thường gặp nhất thì bệnh còn có các biểu hiện lâm sàng khác như sau:

  • Kém ăn, quấy khóc ở trẻ nhỏ;
  • Trẻ lớn hơn thường xuất hiện đau bụng vùng thượng vị kèm nôn hoặc ợ chua;
  • Triệu chứng loét dạ dày sẽ là cồn cào và nóng rát vùng bụng trên, giữa bờ sườn và trên rốn, đau tăng khi đói và giảm sau khi ăn hoặc uống sữa, thuốc giảm tiết hoặc trung hòa acid.
  • Loét dạ dày nếu gây chảy máu sẽ có triệu chứng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Nếu xuất huyết tiêu hóa nặng có thể gây thiếu máu nặng, sốc.
  • Thiếu máu nhược sắc kín đáo hoặc diễn biến từ từ đến nặng.
  • Trẻ ăn chóng no, đầy bụng và khó tiêu.
Chẩn đoán và điều trị loét dạ dày ở trẻ em do Helicobacter Pylori - ảnh 2
Trẻ bị viêm loét dạ dày thường kém ăn và hay quấy khóc

3. Chẩn đoán loét dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn HP như thế nào?

Tiêu chuẩn chẩn đoán Viêm loét dạ dày tá tràng do H.Pylori sẽ dựa vào Nội soi có tổn thương loét.

Chẩn đoán nhiễm H pylori nên dựa trên và mô bệnh học có vi khuẩn H pylori, với ít nhất 1 kết quả dương tính trong số các test sau:

  • Test nhanh Urease dương tính;
  • Nuôi cấy mảnh sinh thiết dạ dày có Helicobacter Pylori;
  • Nếu chỉ có 1 trong 2 Xét nghiệm mô học hoặc test urease dương tính thì có thể làm thêm test thở hoặc test phân, nếu dương tính thì khẳng định nhiễm HP;
  • Trong trường hợp gia đình từ chối nội soi cho trẻ thì cần chỉ định test thở (nếu trẻ trên 4 tuổi) hoặc test phân trước, nếu dương tính thì bắt buộc nội soi tìm nguyên nhân.

4. Phương pháp điều trị loét dạ dày ở trẻ em do H.Pylori

Phác đồ điều trị diệt vi khuẩn HP kéo dài trong 14 ngày, phối hợp 2-3 loại kháng sinh để đạt hiệu quả với thứ tự ưu tiên như sau:

  • Amoxicillin + Clarithromycin + PPI;
  • Amoxicillin + Metronidazole + PPI;
  • Tetracylin hoặc Doxycylin + Metronidazole +PPI (ở trẻ trên 8 tuổi).

Đánh giá hiệu quả diệt H.Pylori sẽ tiến hành sau khi dừng kháng sinh 4 tuần hoặc PPI 2 tuần, phương pháp là test thở C13 hoặc test phân. Kết quả test âm tính đồng nghĩa với việc đã diệt sạch vi khuẩn HP.

Trong trường hợp phác đồ thất bại, test đánh giá vẫn tồn tại H.Pylori thì cần tiếp tục theo dõi và làm kháng sinh đồ. Điều trị tiếp theo sẽ là điều trị theo kháng sinh đồ kết hợp 2 kháng sinh nhạy cảm và PPI trong 2 tuần.

Có thể thấy việc chẩn đoán và điều trị Viêm dạ dày do vi khuẩn HP cần phải có các thiết bị chuyên dụng và các bác sĩ chuyên môn cao, vì việc nội soi trên trẻ em rất khó khăn và thường chỉ làm được 1 lần. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là hệ thống y tế hiện đại và uy tín trong việc chẩn đoán và điều trị Viêm dạ dày cấp do vi khuẩn HP.