Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Đặt stent điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối

09/06/2021
Đặt stent điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối

Các bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn cuối có thể chết vì suy kiệt do khối u quá to chèn ép khiến bệnh nhân không thể ăn uống được nên ngày càng suy kiệt và thiếu chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.

Ung thư thực quản là một căn bệnh ác tính, xuất hiện từ các tế bào biểu mô của thực quản. Khi thực quản bị ung thư, các khối u sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình ăn uống của bệnh nhân, thậm chí có thể không ăn uống được, từ đó bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng, ngày càng suy kiện và có thể gây tử vong do suy kiệt quá mức.

Ung thư thực quản là căn bệnh khó chữa, phương pháp phẫu thuật là biện pháp điều trị quan trọng nhất nhưng lại khá phức tạp, có thể để lại nhiều biến chứng. Các phương pháp còn lại như xạ trị, hóa trị chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong điều trị. Chính vì vậy việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra.

2. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư thực quản

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh Ung thư thực quản bao gồm:

2.1 Tuổi tác

Những người trên 40 tuổi, đặc biệt là nam giới, người thường xuyên uống rượu sẽ có nguy cơ cao bị ung thư thực quản, đặc biệt nguy cơ còn tăng cao hơn với những người vừa uống rượu vừa hút thuốc lá.

2.2 Thói quen ăn uống

Những người có thói quen ăn nóng, uống nóng hoặc ăn các loại thức ăn có chứa nitrosamin như: Dưa muối, mắm, chế độ ăn ít rau và trái cây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản.

Đặt stent điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối - ảnh 1
Thói quen ăn dưa muối chứa nitrosamin làm tăng nguy cơ ung thư thực quản

2.3 Những người có các bệnh lý tại thực quản

Những người có các bệnh lý tại thực quản như:

  • Viêm dạ dày trào ngược thực thực quản kéo dài, nhiễm HPV, loét hẹp đoạn dưới thực quản,...
  • Trong gia đình có người bị ung thư thực quản.
  • Béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Người bị ung thư khác ở vùng đầu mặt cổ như: Ung thư họng miệng, hạ họng - thanh quản,...

3. Vai trò của kỹ thuật đặt stent thực quản cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã có nhiều phương tiện giúp sàng lọc sớm bệnh ung thư thực quản, nhưng số lượng bệnh nhân ung thư thực quản đến bệnh viện ở giai đoạn cuối vẫn còn khá cao. Với những bệnh nhân ở giai đoạn cuối thì thời gian sống trung bình chỉ khoảng 18 tháng, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 7%.

Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị ung thực thực quản. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không thể phẫu thuật do khối u quá to hoặc đã di căn sang các cơ quan khác. Với những bệnh nhân này nguy cơ tử vong cao nếu như không giải quyết được vấn đề về dinh dưỡng. Người bệnh thậm chí có thể chết do thiếu Dinh dưỡng trước khi chết vì ung thư. Đặc biệt là ở giai đoạn cuối khi khối u đã xâm lấn gần hết hoặc toàn bộ thực quản thì người bệnh còn không thể uống được dù chỉ một ngụm nước.

  • Trước đây, để cải thiện dinh dưỡng cho những bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tiến hành mở nội khí quản, đưa ống xông từ cổ họng vào dạ dày để đưa thức ăn vào thẳng. Phương pháp này gây nhiều đau đớn cho người bệnh và nó còn tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường.
  • Kỹ thuật nội soi can thiệp đặt stent thực quản là tiến hành đưa stent kim loại chuyên biệt vào vị trí thực quản bị hẹp qua đường Nội soi với mục đích là tái lập lại sự lưu thông của thực quản. Sự ra đời của kỹ thuật này đã giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, ăn uống được qua đường miệng. Từ đó, giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặt stent điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối - ảnh 2
Kỹ thuật đặt stent thực quản giúp bệnh nhân ăn uống dễ dàng hơn

4. Chỉ định và chống chỉ định của kỹ thuật đặt stent điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối

4.1. Chỉ định

Kỹ thuật đặt stent thực quản quản được chỉ định cho bệnh nhân bị ung thư thực quản gây hẹp mà không còn chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra kỹ thuật này cũng được chỉ định cho bệnh nhân bị dò thực quản phế quản do khối u.

4.2. Chống chỉ định

  • Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh nhân bị bệnh lý tim phổi nặng.
  • Bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng.
  • Bệnh nhân Giảm tiểu cầu nặng.
  • Bệnh nhân đang dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu.

5. Các bước tiến hành kỹ thuật đặt stent thực quản

Để thực hiện kỹ thuật đặt stent thực quản trong điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối, bệnh nhân cần phải được làm một số Xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Nội soi đánh giá mức độ hẹp thực quản.
  • Chụp CT lồng ngực để đánh giá vị trí, hình dạng, chiều dài và mức độ xâm lấn của khối u ra xung quanh.
Đặt stent điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối - ảnh 3
Bệnh nhân được chỉ định Chụp CT lồng ngực trước khi đặt stent thực quản
  • Chụp tim phổi để đánh giá tổn thương di căn.

Thời gian thực hiện kỹ thuật chỉ khoảng 30 phút, sau 24 giờ là bệnh nhân có thể ăn uống theo đường tự nhiên bình thường và xuất viện về nhà. Sau 01 tháng, toàn bộ bệnh nhân đặt stent thực quản vẫn ăn uống tốt, không phát hiện biến chứng do suy dinh dưỡng.

Kỹ thuật đặt stent thực quản trong điều trị ung thực thực quản giai đoạn cuối gồm các bước sau đây:

5.1 Bước 1: Kiểm tra hồ sơ
 
5.2 Bước 2: Kiểm tra bệnh nhân

Đánh giá chức năng sống của bệnh nhân để đảm bảo an toàn trước khi làm thủ thuật.

5.3 Bước 3: Thực hiện kỹ thuật

Sau khi bệnh nhân được tiền mê hoặc gây mê sẽ tiến hành đặt stent thực quản.

  • Đầu tiên đưa đèn soi qua miệng xuống thực quản, đi qua chỗ hẹp thực quản, đồng thời chiếu màn tăng sáng X-quang để xác định vị trí hẹp tương ứng với vị trí trên thành ngực và đánh dấu lại. Sau khi đánh dấu xong, tiếp tục đưa đèn soi xuống dạ dày.
  • Tiếp theo luồn guidewire qua kênh thủ thuật của máy nội soi vào dạ dày. Giữ guidewire ở trong dạ dày, rút máy nội soi ra ngoài thực quản.
  • Đưa stent vào thực quản qua guidewire cho tới vị trí đánh dấu dưới màn tăng sáng X-quang. Tiến hành mở stent, khi hoàn thành rút hết guidewire ra.
  • Đưa đèn soi vào để kiểm tra lại vị trí của stent.

Hiện nay, có loại stent có thể thu lại, do đó khi tiến hành thủ thuật không cần tới màn tăng sáng X-quang nữa, bởi sau khi đặt sau nếu thấy vị trí chưa chính xác thì hoàn toàn có thể kéo stent đưa đến vị trí cần đặt.

Đặt stent điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối - ảnh 4
Loại Stent được sử dụng trong điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối

6. Biến chứng và cách xử lý

Sau khi tiến hành thủ thuật cần theo dõi các biến chứng có thể xảy ra như:

  • Di chuyển stent: Trường hợp này cần đặt lại stent hoặc kéo stent về vị trí cũ với loại stent có thể thu lại được.
  • Biến chứng của gây mê như tụt huyết áp, suy hô hấp, buồn nôn, nôn,... Trường hợp này cần tiến hành truyền dịch, thở oxy.

Kỹ thuật đặt stent thực quản là phương pháp điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối rất cần thiết. Kỹ thuật này giúp cho bệnh nhân có thể ăn uống được qua đường miệng như bình thường, không gây đau đớn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.