1. Ung thư thực quản là gì?
Thực quản là một bộ phận của ống tiêu hóa con người, và ung thư xuất phát từ thực quản. Ung thư thực quản là bệnh lý ác tính do các tế bào ở thực quản phân chia vô kiểm soát, bao gồm hai loại ung thư chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến.
- Ung thư biểu mô vảy bắt nguồn từ các tế bào dạng biểu bì ở thành của thực quản, và vị trí thường gặp là ở phần trên và phần giữa thực quản.
- Ung thư biểu mô tuyến bắt nguồn từ các tế bào ở tổ chức tuyến của thực quản, thường gặp ở vị trí thực quản dưới.
Ung thư thực quản có thể xâm lấn ra bên ngoài thực quản, di căn theo hệ bạch huyết và tới các cơ quan khác, như gan, phổ, xương, não,... Ở Việt Nam, ung thư thực quản là một trong năm loại ung thư đường tiêu hóa hay gặp nhất.
2. Phẫu thuật cắt thực quản Nội soi qua khe hoành trong điều trị ung thư thực quản
Trong điều trị ung thư thực quản, phẫu thuật là biện pháp điều trị cơ bản và chủ yếu, hóa trị và Xạ trị là các phương pháp điều trị bổ trợ.
Phẫu thuật nội soi ngực và bụng có ưu điểm về khả năng nạo vét hạch tốt, nhưng lại không thể tiến hành cho những trường hợp có dày dính màng phổi, hoặc những trường hợp tồn tại khối u ở 1⁄3 dưới nhưng không có khả năng đánh giá được vấn đề lan xuống tâm phình vị, do đó, phẫu thuật cắt thực quản Nội soi qua khe hoành ra đời để khắc phục những tình huống vừa nêu.
2.1 Chỉ định
Chỉ định của phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành:
- Bệnh nhân mắc ung thư thực quản vị trí 1⁄3 dưới, giai đoạn T1 - T3, bất kể di căn (N0 hoặc N1)
- Bệnh nhân ung thư tâm vị typ I và typ II theo phân loại của Siewert năm 1987.
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định của phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành:
- Bệnh nhân mắc ung thư thực quản cổ, ngực ở vị trí 1⁄3 trên hoặc 1⁄3 giữa.
- Bệnh nhân mắc ung thư thực quản ở vị trí 1⁄3 dưới nhưng khối u có kích thước lớn.
- Bệnh nhân có nhiều bệnh lý toàn thân phối hợp nặng, như: Suy hô hấp, suy tim, suy thận,...
- Có tiền sử Viêm phúc mạc phải phẫu thuật, tắc ruột, cổ chướng, thoát vị rốn, thoát vị thành bụng, nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng, mắc các bệnh lý về rối loạn đông máu,...
- Bệnh nhân có chống chỉ định với bơm hơi phúc mạc: Bệnh lý mạch vành, các bệnh của van tim, tâm phế mạn.
- Bệnh nhân không đồng ý thực hiện điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành.
3. Những bước chuẩn bị trước khi bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành
Bệnh nhân cần được hoàn thiện những vấn đề sau đây trước khi tiến hành phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành:
- Được bác sĩ giải thích, tư vấn về tình trạng bệnh hiện tại cũng như phương pháp phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành để điều trị ung thư.
- Hoàn thành các Xét nghiệm cơ bản, nội soi, siêu âm, chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính ngực - bụng và các xét nghiệm, kỹ thuật cần thiết khác.
- Toàn trạng bệnh nhân được nuôi dưỡng đảm bảo đáp ứng được phẫu thuật, kết quả khám tiền mê thuận lợi.
- Sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ.
4. Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành
Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành, các bước chăm sóc, theo dõi bệnh nhân gồm có:
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.
- Theo dõi dẫn lưu màng phổi và các dẫn lưu đặt trong phẫu thuật.
- Sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật.
- Bồi phụ nước và điện giải.
- Dinh dưỡng hồi phục thể trạng.
5. Các rủi ro, tai biến có thể gặp phải khi thực hiện phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành
Giống như các loại phẫu thuật khác, quá trình thực hiện phẫu thuật cắt thực quản nội soi qua khe hoành cũng có những rủi ro, tai biến nhất định, chẳng hạn như:
- Thủng thực quản.
- Rách phế quản.
- Mạch máu lớn bị tổn thương.
- Chảy máu sau phẫu thuật.
- Suy hô hấp.
- Rò miệng nối, dò dưỡng chấp.