Mục lục:

Đau đầu nhức mắt là bệnh gì?, Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị như thế nào

Đau đầu là một tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào trên đầu. Một số loại đau đầu có thể gây đau ở một hoặc hai mắt. Tình trạng đau đầu nhức mắt này có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng và khó chịu ở mắt. Vậy nguyên nhân nào khiến bạn bị đau đầu nhức mắt, dấu hiệu nhận biết và làm sao để điều trị tình trạng này?
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Đau đầu là bệnh gì?

Đau đầu được định nghĩa là chứng đau vùng đầu, gáy-cổ, mặt-hốc mắt. Đau có thể gặp một bên hoặc hai bên, cố định hoặc lan tỏa, khác nhau bởi cường độ đau (nhẹ-vừa-nặng), tính chất đau (nhói điện giật, bó thắt, âm ỉ, dữ dội, đau như mạch đập ...), diễn biến (thành cơn, liên tục, nặng dần ..), khởi phát (đột ngột, từ từ) và các triệu chứng kèm theo (vận động, thăng bằng, thị lực, thính lực ...).

Hầu hết mọi người đều trải qua vài lần đau đầu trong cuộc đời, đau đầu xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi, và là chứng bệnh thường gặp nhất.

Ở Việt Nam, trong một khảo sát ngẫu nhiên trên 2000 người trưởng thành (năm 2008) cho thấy có tới 78,3% số người đã từng mắc ít nhất một lần đau đầu trong đời. Một nghiên cứu mới công bố (tháng 2/2019) trên 12.136 người được hỏi, có 86,53% số người được hỏi báo cáo đã trải qua cơn đau các loại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, trong đó đau đầu là phổ biến nhất với tỷ lệ 35.43%. Theo Hiệp hội Đau đầu Quốc tế, hằng năm ở Mỹ có trên 45 triệu người (trên 13%) mắc chứng đau đầu.

Đau đầu được phân loại thành 3 nhóm chính (theo Phân loại quốc tế về đau đầu)

  • Đau đầu nguyên phát: Đau đầu Migraine, đau đầu căng cơ, đau đầu cụm và Chứng đau đầu liên quan dây V, đau đầu do các yếu tố gắng sức (ho, tình dục) ...
  • Đau đầu thứ phát: Là hậu quả của bệnh lý khác như TMH, RHM, Chấn thương (sọ, cột sống cổ), nhiễm trùng, bệnh lý mạch máu nội sọ-cột sống cổ, nguyên nhân nội sọ không do mạch máu (tăng huyết áp, u, giảm ALNS ...), Lạm dụng thuốc và hóa chất,...
  • Đau đầu khác liên quan thần kinh sọ và trung ương: Đau dây thần kinh số 5

2. Nguyên nhân gây đau đầu nhức mắt

2.1. Đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu thường gây đau đầu nhức mắt trong vài giờ, thậm chí vài ngày. Đau nửa đầu có thể trở nên nghiêm trọng đến mức có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Ngoài ra, các triệu chứng đau nửa đầu gồm:

  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau mắt
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Yếu đuối
  • Nôn
  • Suy giảm thị lực
  • Thay đổi tâm trạng

2.2. Đau đầu căng thẳng

Loại đau đầu phổ biến thường nhất chúng ta hay mắc là đau đầu căng thẳng hay còn gọi là đau đầu kéo dài. Bạn có thể bị đau đầu căng thẳng theo từng cơn, từ 1-2 lần mỗi tháng. Tuy nhiên, bệnh có thể trở thành mãn tính và kéo dài 15 ngày mỗi tháng.

Đau đầu nhức mắt là triệu chứng phổ biến của đau đầu căng thẳng. Ngoài ra, bạn còn có cảm giác thắt chặt hoặc áp lực xung quanh trán. Các triệu chứng khác liên quan đến dạng đau đầu này bao gồm:

  • Đau đầu âm ỉ
  • Đau da đầu
  • Đau cổ và trán

2.3. Mỏi mắt

Một số trường hợp đau đầu nhức mắt là triệu chứng của các vấn đề về thị lực. Chứng mỏi mắt khi nhìn chằm chằm vào màn hình tivi hoặc máy tính có thể kích thích quá mức Não bộ, gây đau đầu.

Các tình trạng mắt khác có thể gây đau đầu nhức mắt bao gồm:

  • Viêm màng cứng hoặc viêm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tròng trắng mắt
  • Viêm dây thần kinh thị giác
  • Bệnh Graves – một rối loạn tự miễn
  • Bệnh tăng nhãn áp, một bệnh về mắt ảnh hưởng đến thần kinh thị giác

2.4. Đau đầu chuỗi (từng cụm)

Mặc dù đau đầu từng cụm không phổ biến bằng đau đầu căng thẳng, nhưng nó cũng gây đau đầu nhức mắt cùng các triệu chứng nghiêm trọng khác như:

  • Mắt đỏ
  • Mắt sưng
  • Chảy nước mắt quá nhiều

2.5. Viêm xoang

Viêm xoang là Tình trạng viêm hoặc tắc nghẽn các biểu mô lót trong xoang. Bệnh có thể gây đau đầu giống như một phản ứng với nghẹt mũi, kết hợp với nhức mắt.

Ngoài ra, bạn có thể có các triệu chứng sau:

  • Nghẹt mũi
  • Đau ở răng hàm trên
  • Mệt mỏi
  • Đau hơn khi bạn nằm xuống

3. Đau đầu kèm theo nhức mắt có nghiêm trọng không?

Trên thực tế, các bác sĩ gặp khá nhiều lời than phiền đau đầu kèm nhức mắt, bao gồm có thể đau quanh hố mắt, đau mặt vùng quanh mắt, đau đầu kèm theo đau nhức hố mắt, đau đầu kèm theo triệu chứng về mắt (như giảm thị lực, đỏ mắt, chảy nước mắt...) hay đau đầu lan đến hố mắt, ...

Đa số các trường hợp là đau đầu nguyên phát. Đau đầu Migraine với tính chất nửa đầu mức độ vừa và nặng bao gồm vùng hố mắt có tính chất mạch đập, đau tăng khi vận động, tái phát nhiều lần, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn hoặc nôn trong cơn đau. Bệnh nhân bị nhiễm virus cấp như ở bệnh cảnh cúm, á cúm, sốt siêu vi, Sốt xuất huyết cũng có triệu chứng đau đầu, cảm giác đau sâu trong mắt, cảm giác như nhồi nén vào hốc mắt. Người bệnh tâm căn suy nhược luôn có than phiền đau đầu kèm theo Nhức mỏi mắt và mất ngủ. Đau dây V nhánh I Nguyên phát với tính chất đau tự phát đột ngột, dữ dội, như điện giật, thành cơn kéo dài vài giây đến vài chục giây kèm theo đỏ mắt, chảy nước mắt...

Đau đầu kèm theo đau nhức quanh hố mắt thứ phát như:

  • Đau đầu khi thay đổi thời tiết, đau chủ yếu ở vùng trán gần mắt, đau tăng khi hít hoặc khịt mũi, kèm xuất tiết mũi họng và sốt phải nghĩ đến bệnh lý xoang.
  • Một số hội chứng khác của chuyên khoa Tai Mũi Họng và Răng Hàm Mặt gây ra những cơn đau đột ngột, khá dữ dội không những gây đau cho hàm mặt mà còn cả ở hốc mắt.
  • Đau đầu kèm theo nhức mắt/đau hố mắt có giảm thị lực gặp trong viêm thần thị thần kinh, glocom.
  • Đau đầu kèm theo đau nhức mắt có lồi mắt, giảm thị lực, liệt vận nhãn .. gặp trong bệnh dò động tĩnh mạch xoang hang.
  • Đau đầu dữ dội kèm theo nôn, giảm thị lực, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức gặp trong tăng áp lực nội sọ.
  • Đau đầu vùng thái dương kịch phát kèm theo giảm/mất thị lực, kết mạc phù nề, động mạch thái dương to, nổi rõ, sờ thấy mạch đập gặp trong bệnh Horton (viêm động mạch thái dương).
  • Đau dây V do xung đột mạch máu – thần kinh, U dây V cũng là bệnh hay gặp trên thực tế...

4. Những yếu tố nguy cơ bùng phát cơn đau

Tùy vào từng loại đau đầu, các yếu tố kích hoạt sẽ khác nhau, bao gồm:

  • Sử dụng rượu
  • Đói
  • Tiếp xúc với mùi nước hoa mạnh
  • Âm thanh ồn
  • Ánh đèn sáng
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Thiếu ngủ
  • Căng thẳng cảm xúc
  • Nhiễm trùng

5. Các dấu hiệu đau đầu nhức mắt cần đi khám bác sĩ

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác kỹ triệu chứng: Tiền sử, khởi phát, diễn tiến, tính chất đau và các dấu hiệu kèm theo cũng như bệnh lý sẵn có của người bệnh. Các cơn đau đầu kèm theo đau/nhức hố mắt xảy ra với tần suất ít, mức độ nhẹ thường không phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Nguyên nhân hay gặp là do làm việc với máy tính quá lâu, nghỉ ngơi không hợp lý, căng thẳng tâm lý. Một số những triệu chứng được coi là nghiêm trọng, bệnh nhân cần được thăm khám y tế ngay lập tức và tìm nguyên nhân:

  • Đau đầu mức độ vừa và nặng
  • Đau tăng dần về cường độ và tần suất
  • Đau đầu, đau/nhức hố mắt kèm theo: Sốt; Giảm/mất thị lực; Buồn nôn/nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động; Lồi mắt; Liệt vận nhãn; Đau tăng khi nhai, vận động; Rối loạn ý thức/rối loạn tâm lý hành ...

Tùy theo bệnh cảnh, bác sĩ tầm soát nguyên nhân bằng các kỹ thuật chuyên sâu như Xét nghiệm máu, CT sọ não, MRI sọ não, chụp mạch, siêu âm, ghi điện thế kích thích thị giác...

6. Điều trị đau đầu nhức hố mắt như thế nào?

Đa số các trường hợp đau đầu nhức mắt được giải quyết tốt với các thuốc giảm đau thông thường và một chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý.

Các đau đầu nguyên phát như Migraine, đau đầu căng cơ, đau dây V ... cần được kiểm soát bởi các thuốc giảm đau kháng viêm (NSAID), Triptan, giãn cơ, giảm đau thần kinh ...

Các đau đầu thứ phát như là hậu quả của bệnh lý khác cần điều trị theo đúng nguyên nhân (Glocom, viêm xoang, viêm động mạch thái dương, viêm thị thần kinh, xung đột thần kinh mạch máu, bệnh lý xoang hang ...)

Ngoài ra, một chế độ làm việc - nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý, tập luyện hàng ngày với các hình thức như yoga, thiền, thể thao, khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý và có biện pháp điều trị kịp thời hiệu quả.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung